Tài chính

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2022

Khép lại năm 2022, cùng nhìn lại một năm đặc biệt của ngành ngân hàng với 10 điểm nhấn dưới đây.

Trong năm 2022, kinh tế toàn cầu chứng kiến lạm phát gia tăng, giá dầu, nguyên vật liệu tăng cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn. Điều này đã gây nên áp lực lớn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Sau 9 tháng xoay xở bằng nhiều nguồn lực để giữ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, Nhà điều hành cuối cùng đã buông "thành trì" lãi suất trước áp lực ngày càng tăng từ Fed.

Từ ngày 23/9, NHNN đã tăng thêm 1 điểm % các loại lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng. Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý tiền tệ nâng lãi suất điều hành kể từ tháng 5/2011. Mức điều chỉnh 1 điểm % cao hơn nhiều dự báo của thị trường và tương đối lớn so với các quyết định trước đó thể hiện sự quyết liệt và mang tính phòng thủ cao của nhà điều hành. Đến ngày 25/10, cơ quan này tiếp tục tăng thêm 1 điểm % các loại lãi suất điều hành, bao gồm cả trần lãi suất huy động.

Sau khi NHNN chính thức gia nhập làn sóng tăng lãi suất điều hành của các NHTW trên toàn cầu, mặt bằng lãi suất VND đã được đưa về mức hợp lý hơn, đặt trong tương quan với lãi suất USD trên thị trường quốc tế, qua đó góp phần củng cố thêm mục tiêu ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát của NHNN.

Mức tăng lãi suất thêm tối đa 2 điểm % của NHNN cũng được đánh giá là hợp lý, vừa phải để tránh tạo áp lực quá lớn lên mặt bằng lãi suất cho vay cũng như quá trình phục hồi của nền kinh tế như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các đợt tăng lãi suất không ngừng nghỉ từ cuối quý I của Fed đã kích hoạt đợt tăng giá mạnh nhất của đồng bạc xanh trong nhiều năm qua, đưa chỉ số USD Index lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ và điểm chịu lực đầu tiên là tỷ giá USD/VND.

Trước sức ép liên tục gia tăng, NHNN đã phải bán ra lượng lớn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để ổn định thị trường. Theo thống kê của giới phân tích, trong 9 tháng đầu với tâm điểm là quý III, lượng ngoại tệ mà NHNN đưa ra can thiệp đã vượt ngưỡng 20 tỷ USD, tương đương hơn 20% tổng dự trữ ngoại hối.

Bên cạnh hoạt động bán ngoại tệ can thiệp, NHNN cũng triển khai một loạt các công cụ khác nhằm hạ nhiệt tỷ giá như dừng hoạt động mua USD, kéo dài kỳ hạn các hợp đồng bán ngoại tệ và tăng biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +3% lên +5%.

Tuy nhiên, trước áp lực lớn từ các đợt tăng lãi suất của FED, giá USD đến cuối tháng 10 đã leo lên mức kỷ lục gần 24.900 đồng, đưa mức mất giá của tiền Đồng kể từ đầu năm lên 8,6% - cao nhất trong nhiều năm qua.

Tỷ giá USD bắt đầu chững lại và hạ nhiệt nhanh chóng hạ nhiệt trong tháng 11 và tháng 12, sau khi NHNN tiếp tục tăng 1 điểm % các loại lãi suất điều hành vào cuối tháng 10, đi cùng việc Fed phát tín hiệu giảm cường độ tăng lãi suất.

Tính đến hết phiên 28/12, giá USD tại Vietcombank đã giảm về còn 23.400 đồng ở chiều mua vào và 23.750 đồng ở chiều bán ra, tương ứng mức tăng 3,6% so với cuối năm trước và giảm khoảng 4,5% so với mức đỉnh ghi nhận vào cuối tháng 10.

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, ngay từ đầu năm NHNN đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tuy nhiên, tín dụng trong những tháng đầu năm 2022 đã bật tăng mạnh khi nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 6, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng gần chạm hạn mức được cấp từ đầu năm. Tình trạng này khiến không ít người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, Nhà điều hành đã có một số đợt nới room tín dụng cho các ngân hàng từ mức được cấp hồi đầu năm nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 14% cả năm.

Tại đợt nới room vào đầu tháng 9, đã có khoảng 18 ngân hàng thương mại đã được NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Sau đó, 4 ngân hàng VPBank, HDBank, MB và Vietcombank cũng đã được điều chỉnh thêm hạn mức tín dụng cho năm 2022. Đáng chú ý, đây là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của NHNN.

Đến ngày, 5/12/2022, NHNN đã phát đi thông cáo cho biết, cơ quan này quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Với quyết định trên, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể lên tới 15,5 - 16%. Mức tăng 1,5-2% tương đương với 240 nghìn tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế.

Mặc dù tỷ lệ phân bổ về từng ngân hàng chưa được công bố, NHNN đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Theo số liệu của NHNN, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 21/12 đạt khoảng 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021.

Dù đã rục rịch nhích tăng từ đầu năm nay, lãi suất huy động chỉ đồng loạt nổi sóng sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành bao gồm trần lãi suất tiền gửi 6 tháng trong tháng 9. Cuộc đua lãi suất huy động tiếp tục kéo dài sang tháng 11 và đầu tháng 12, đặc biệt là sau khi NHNN tăng mạnh lãi suất điều hành lần 2 từ ngày 25/10 và quyết định nới chỉ tiêu tín dụng toàn hệ thống thêm 1,5 – 2%.

Đến giữa tháng 12, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã chạm mức 7,4%/năm theo hình thức gửi tiền tại quầy và lên tới 8% đối với hình thức gửi tiền trực tuyến. Trong khi các ngân hàng tư nhân lớn huy động kỳ hạn này với lãi suất phổ biến quanh vùng 8,5 - 9%/năm, cá biệt lên trên 9% ở một số sản phẩm tiền gửi. Tại các ngân hàng tư nhân nhỏ, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng thậm chí đã chạm ngưỡng 10%/năm, thậm chí là 11% đối với các khoản tiền gửi lớn.

Trước diễn biến trên, ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng đã có buổi họp nhằm kêu gọi các ngân hàng thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất).

Trong ngày 22/12/2022, Thống đốc NHNN cũng đã có văn bản số 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, NHNN cho biết sẽ theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các TCTD này.

Phản ứng sau các chỉ đạo "rắn"của NHNN, đà tăng lãi suất huy động chững lại rõ rệt và một số ngân hàng nhỏ đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động cao nhất xuống dưới mức 9,5%/năm.

Dù lãi suất huy động leo thang mạnh trong năm 2022, song quy mô tiền gửi lại ghi nhận mức tăng trưởng thấp kỷ lục. Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng huy động vốn đến cuối năm mới chỉ đạt gần 6% - thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Vào ngày 15/10, NHNN đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để ổn định hoạt động của ngân hàng này.

Trong thông cáo phát đi, NHNN cho biết, việc kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng, là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Đưa SCB vào diện "kiểm soát đặc biệt", NHNN sẽ lựa chọn, chỉ định những nhân sự có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành nhà băng này.

Đồng thời, cơ quan này sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ giải pháp cần thiết để SCB hoạt động an toàn, lành mạnh.

Trước đó, nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của SCB ghi nhận tình trạng đông khách hàng tới giao dịch. Một số người đến rút tiền, số khác đến thăm dò thông tin do tâm lý lo ngại về sự an toàn của khoản tiền gửi.

NHNN sau đó phát đi thông cáo khẳng định "những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có SCB đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp".

Trước nhiều biến động trên thị trường tài chính, vấn đề quản trị rủi ro của các ngân hàng càng được quan tâm hơn trong năm 2022 và những năm tới.

Năm 2022, các ngân hàng tiếp tục cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị rủi ro. Trong đó, đã có hơn 20 ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II. Ngoài ra, đáng chú ý, nhiều nhà băng đã thành công áp dụng Basel III, với nhiều yêu cầu khắt khe hơn, có thể kể đến TPBank, ACB, VPBank, SeABank, NamABank, OCB,…

Một số ngân hàng cũng đang áp dụng một phần hoặc thí điểm triển khai Basel III như VIB, HDBank, Techcombank, ABBank, MSB, Sacombank...

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên có vốn chủ sở hữu vượt mốc 100.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Trong năm 2022, ghi nhận có thêm 4 ngân hàng nữa đạt được con số này.

Cụ thể, thống kê vào cuối tháng 9/2022, vốn chủ sở hữu của Vietcombank đạt hơn 128.000 tỷ đồng, tiếp đến là Techcombank (110.000 tỷ đồng), Vietinbank (106.000 tỷ đồng), VPBank (102.000 tỷ đồng), BIDV (101.000 tỷ đồng).

"Câu lạc bộ" này có thể sẽ khó ghi nhận thêm những thành viên mới trong thời gian ngắn. Bởi khoảng cách giữa 5 ngân hàng trên và ngân hàng đứng thứ 6 về vốn chủ sở hữu hiện nay còn khá xa.

Vốn chủ sở hữu dày thêm cho thấy tiềm lực tài chính ngày một mạnh hơn của các ngân hàng. Nguồn vốn càng dồi dào thì sức mạnh của ngân hàng ngày càng được củng cố, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn hoạt động và trở thành bệ đỡ để ngân hàng mở rộng quy mô, thực hiện các chiến lược kinh doanh trong tương lai.

Thay đổi lớn về "thượng tầng" ở những ngân hàng như Nam A Bank, Eximbank, SCB, LienVietPostBank, …nhận được sự quan tâm của giới đầu tư, cổ đông và thị trường tài chính. Việc củng cố ban lãnh đạo cũng mở ra những kỳ vọng giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả trong tương lai.

Nam A Bank cuối năm 2022 đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường bầu nhân sự nhiệm kỳ mới . Theo đó, ông Trần Ngô Phúc Vũ, phó chủ tịch thường trực HĐQT nhiệm kỳ cũ, người có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, được bầu làm chủ tịch.

Tại Eximbank, "cuộc chiến" quyền lực đã dần ngã ngũ. Tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 15/2, ngân hàng đã chính thức bầu ra được đội ngũ Hội đồng quản trị mới với bà Lương Thị Cẩm Tú là Chủ tịch. Bà Tú khẳng định tình trạng "đấu đá nội bộ" đã kết thúc. Ở nhiệm kỳ VII (2020 – 2025), HĐQT đề ra mục tiêu đặt lợi ích cổ đông và phát triển ngân hàng lên hàng đầu.

Cuối năm 2022, LienVietPostBank cũng chính thức có Chủ tịch mới, là ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) thay cho ông Huỳnh Ngọc Huy xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Đặc biệt, SCB gần như "thay máu" toàn bộ ban lãnh đạo khi ngân hàng bị NHNN đưa vào diện "kiểm soát đặc biệt" hồi tháng 10/2022. Theo đó, ông Vũ Anh Đức, Giám đốc Vietinbank chi nhánh 11 TP.HCM được NHNN giữ chức Chủ tịch HĐQT của SCB; các ông Phạm Quang Tiến, Võ Văn Bửu, Trang Nhân Hậu và Lý Thành Phương cùng giữ chức Thành viên HĐQT kể từ ngày 14/10.

Không chỉ các quán cà phê, nhà hàng lớn, mà các quán trà đá, bánh mì vỉa hè,… hiện nay cũng đã áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, chấp nhận chuyển khoản, quét mã QR. Có thể nói, thanh toán số đã len vào từng ngõ ngách cuộc sống của người dân thành thị hiện nay.

Tại vùng nông thôn, thanh toán không tiền mặt cũng đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là với sự ra đời của Mobile Money. Theo đó, chỉ cần có số điện thoại di động đã được xác thực thông tin, chủ thuê bao có thể thanh toán hầu hết các dịch vụ có liên kết với nhà mạng mà không cần có tài khoản ngân hàng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong 11 tháng đầu năm, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ghi nhận tăng trưởng tới 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị. Trong đó, giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6% cho thấy sự bùng nổ của thị trường ngân hàng số.

Trong năm 2022, 4 ngân hàng gồm Vietcombank, MB, HDBank, VPBank đã tiết lộ ý định hoặc kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng ngân hàng yếu kém. Trong đó, ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 của Vietcombank, MB đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Đến tháng 8/2022, HDBank cũng đã lấy ý kiến cổ đông và được thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc. VPBank tuy chưa công bố kế hoạch cụ thể, nhưng tại ĐHĐCĐ thường niên, Chủ tịch ngân hàng Ngô Chí Dũng cũng tiết lộ đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém.

Những ngân hàng tham gia vào nhiệm vụ nhận chuyển giao bắt buộc sẽ có được hưởng một số cơ chế ưu đãi chẳng hạn như được ưu tiên cấp room tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, dự kiến những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được nới room ngoại lên 49%.

Bài: Minh Vy - Quang Hưng

Thiết kế: Hải An

Link bài gốcLấy link
https://markettimes.vn/10-diem-nhan-nganh-ngan-hang-nam-2022-12900.html