Kiếm tiền

3 'thủ phạm' khiến bạn thất nghiệp dài ngày

Ba hành động sau đây có thể khiến bạn lọt vào danh sách đen của nhà tuyển dụng và khiến công cuộc tìm việc trở nên khó khăn hơn.

Hành động của bạn có thể khiến quá trình tìm việc khó khăn hơn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Theo khảo sát của trang web tìm việc Monster vào tháng 1/2024, phần lớn người lao động (95%) có ý định tìm kiếm công việc mới trong năm nay.

Tuy nhiên, nhiều người dự đoán đây sẽ là hành trình nhiều thách thức. Hơn một nửa (68%) cho rằng tìm kiếm việc làm sẽ khó khăn do tình hình kinh tế hiện tại.

Theo CNBC Make It, quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm có thể nhiều thách thức, nhưng hành động của bạn có thể khiến nó trở nên khó khăn hơn.

“Có một kiểu hành vi thường gặp là tìm kiếm sự công nhận, hay còn gọi là thể hiện sự tuyệt vọng”, Lindsay Mustain, cựu nhân viên tuyển dụng của Amazon, hiện là CEO của công ty tư vấn nghề nghiệp Talent Paradigm, chia sẻ.

Bà nói thêm rằng chính năng lượng "hãy chọn tôi" này lại khiến cơ hội việc làm xa rời bạn. Vậy làm thế nào để tránh thể hiện điều này?

Đừng nộp CV nhiều lần vào một công ty

Đầu tiên, bạn hãy tránh nộp đơn xin việc vào cùng một công ty nhiều lần, đặc biệt là trong thời gian ngắn.

Theo Lindsay Mustain, nếu nhà tuyển dụng thấy bạn đã nộp đơn 20 lần trong 2 năm qua và doanh nghiệp chưa bao giờ tuyển dụng bạn, đó là dấu hiệu đáng báo động.

Nhà tuyển dụng sẽ ngay lập tức nghĩ ứng viên này có gì đó không ổn khiến họ không được tuyển dụng.

Bất kể bạn có phù hợp với công việc đó đến mức nào, nhà tuyển dụng có thể sẽ không dành thời gian để tìm hiểu thêm về khả năng ứng tuyển của bạn.

"Đây là cách bạn có thể bị đưa vào 'danh sách đen'. Vì vậy, hãy cố gắng giới hạn số lần ứng tuyển ở tối đa 5 vị trí mà bạn thực sự phù hợp trong một công ty", bà Mustain nói.

Bạn hãy tránh nộp đơn xin việc vào cùng một công ty nhiều lần. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Tránh "phát tín hiệu" trên trang web tuyển dụng

Một dấu hiệu khác khiến nhà tuyển dụng chú ý nhưng theo chiều hướng tiêu cực là biểu ngữ "Open to Work" ( sẵn sàng nhận việc mới) trên LinkedIn.

Theo Mustain, chỉ cần đặt biểu ngữ đó lên trang cá nhân, nhà tuyển dụng đã biết rằng bạn đang cần việc. Nó ngầm thông báo rằng bạn có thể không kén chọn cơ hội việc làm, và sự nghiệp của bạn có thể không được hoạch định rõ ràng để phát triển kỹ năng và thăng tiến.

"Nó làm giảm hình ảnh của một ứng viên tiềm năng. Thêm vào đó, nó còn thay đổi động lực trong cuộc trò chuyện với nhà tuyển dụng. Lúc này, họ không cố gắng thuyết phục bạn về một cơ hội việc làm tuyệt vời vì họ muốn bạn ở lại công ty. Thay vào đó, bạn đang cố gắng thuyết phục họ xem xét mình", bà Mustain phân tích.

Nolan Church, CEO của thị trường nhân tài Continuum, cựu nhân viên tuyển dụng của Google, cũng đồng ý với quan điểm trên. Nói với CNBC Make It, ông cho rằng rằng việc sử dụng biểu ngữ này thực sự khiến nhà tuyển dụng cảm thấy như bạn đang tuyệt vọng khi tìm việc.

Đừng than thở thất nghiệp trên mạng xã hội

Cuối cùng, nếu bạn đang thất nghiệp, hãy tránh đăng tải trạng thái thất nghiệp của mình lên mạng xã hội, đặc biệt nếu bạn có xu hướng thể hiện sự tiêu cực.

Bà Mustain lấy ví dụ về một bài đăng như sau: "Tôi vừa bị sa thải, có hai đứa con ở nhà và thực sự cần một công việc khác, càng sớm càng tốt. Vì vậy, nếu bạn có thể giới thiệu tôi với bất kỳ công việc nào, tôi sẽ rất biết ơn".

Những bài đăng như vậy có thể khiến người đọc thương cảm, nhưng theo bà Mustain, chúng lại “bộc lộ sự yếu đuối và tổn thương”. Nó giống như bạn đang khóc lóc trên mạng xã hội.

Về cơ bản, bạn đang thể hiện sự yếu kém tương tự những người sử dụng biểu ngữ “đang tìm việc” trên hồ sơ LinkedIn. Nó cho thấy bạn đang cần bất kỳ một việc gì đó.

“Những bài đăng kiểu như vậy sẽ khiến nhà tuyển dụng xa lánh vì chúng không thể hiện sự mạnh mẽ", Mustain nói.

Thay vào đó, nếu bạn bị sa thải và muốn thông báo với mọi người rằng bạn đang tìm kiếm cơ hội mới, hãy thử coi tình huống đó là một khởi đầu mới hoặc cơ hội để phát triển.

Bạn hãy chia sẻ những ví dụ cụ thể về những đóng góp và thành công trong quá khứ của bạn. Bạn cũng có thể chia sẻ những gì bạn đã học được và kinh nghiệm của bạn sẽ giúp ích gì trong tương lai.

"Tất cả điều này thể hiện khả năng thích nghi và tư duy hướng tới tương lai đối với các nhà tuyển dụng tiềm năng. Hãy nhớ rằng bạn muốn có công việc tốt thay vì bất kỳ công việc nào", cựu nhân viên tuyển dụng của Amazon nói.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/3-thu-pham-khien-ban-that-nghiep-dai-ngay-post1464610.html