Công nghệ

7.000 tỷ USD có đủ để làm chip cho OpenAI?

Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman muốn huy động hàng tỷ USD vào ngành bán dẫn, nhưng tiền bạc không phải trở ngại lớn nhất để làm ra những con chip.

Như Wall Street Journal đưa tin ngày 8/2, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman muốn huy động hàng tỷ USD vào ngành bán dẫn.

Tuy nhiên, tờ báo này cũng lưu ý trong ngành chip, việc vung tiền không phải là trở ngại mà mọi chuyện phức tạp hơn.

Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman muốn huy động hàng tỷ USD vào ngành bán dẫn. Ảnh: Wikimedia.

Sản xuất chip cần rất nhiều vốn. Ngoài ra, đây cũng là một trong những ngành phức tạp nhất trên thế giới, với lịch sử biến động mạnh theo chu kỳ khiến các công ty phải cảnh giác với việc mở rộng triệt để về quy mô.

Khi tiền không phải là tất cả

Phải mất hàng thập kỷ, các nhà sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới mới đạt được tầm cao như hiện tại. Có không ít công ty sản xuất chip đã phải rút khỏi cuộc chơi trong những thời kỳ suy thoái của ngành chip như vào đầu và giữa những năm 2010

Một số thương hiệu khác vì lo sợ chi phí và nguy cơ thất bại cao đã phải ngừng phát triển những con chip tiên tiến.

Hiện tại, chỉ có 3 công ty trên thế giới đủ khả năng sản xuất những con chip tiên tiến nhất, bao gồm cả bộ xử lý dùng để cung cấp năng lượng cho hệ thống AI với số lượng lớn là công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), Samsung và Intel.

TSMC hiện là một trong 3 công ty duy nhất trên thế giới đủ khả năng sản xuất những con chip tiên tiến nhất. Ảnh: TSMC.

Chính điều này đã khiến nhiều hãng chip lớn nhất thế giới, bao gồm cả Nvidia phải phụ thuộc vào 3 công ty này để hiện thực hóa sản phẩm.

Do đó, Altman đã đề xuất ý tưởng xây dựng hàng chục nhà máy sản xuất chip trong vài năm tới bằng tiền từ các nhà đầu tư Trung Đông, sau đó trả tiền cho TSMC để xây dựng và vận hành chúng.

Xây dựng một nhà máy sản xuất chip tiên tiến thường tiêu tốn ít nhất 10 tỷ USD. Vì vậy, có thể nói quy mô mà Altman đang thảo luận là cực kỳ lớn.

Stacy Rasgon, một nhà phân tích tại Bernstein Research, ước tính rằng chỉ mới có hơn 1.000 tỷ USD đã được chi cho thiết bị sản xuất chip trong toàn bộ lịch sử của ngành này.

Tuy nhiên, tiền bạc không phải là yếu tố duy nhất cần thiết để thành công ở một trong những hình thức sản xuất phức tạp nhất hiện nay.

Theo một số giám đốc trong ngành tiết lộ với Wall Street Journal, có 3 ẩn số lớn khi làm chip, đó là khâu tìm kiếm các kỹ sư để vận hành, số lượng máy móc để lấp đầy các nhà máy và đảm bảo đủ đơn đặt hàng cho các đối tác.

Bằng chứng rõ nhất chính là Trung Quốc. Chính phủ nước này đã đầu tư rất nhiều tiền trong nhiều thập kỷ qua để xây dựng ngành công nghiệp chip trong nước, nhưng tiến độ vẫn rất chậm chạp do bị cản trở bởi một số yếu tố khác.

Chính phủ Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào ngành công nghiệp chip nội địa nhưng tiến độ vẫn rất chậm. Ảnh: AP.

“Ngành công nghiệp bán dẫn không thiếu vốn. Hãy nhìn vào Trung Quốc. Họ đã ném hơn 150 tỷ USD vào ngành chip trong nước và nó không hiệu quả. Thách thức cơ bản là công nghệ này cực kỳ khó”, Jimmy Goodrich, chuyên gia ngành bán dẫn và cố vấn cấp cao của Rand Corp cho biết.

Cuộc đua toàn cầu

Ngay cả khi một số lượng lớn nhà máy sản xuất chip mới được xây dựng, điều đó cũng chưa giải quyết được vấn đề trước mắt của Altman là tình trạng thiếu chip AI cần thiết để sản xuất các hệ thống như ChatGPT.

Nút thắt lớn nhất trong quá trình sản xuất chip AI của Nvidia nằm ở khâu đóng gói, một bước sản xuất diễn ra sau khi các mạch được in trên silicon.

Giám đốc điều hành OpenAI cũng phàn nàn về giá thành chip của Nvidia. Theo nhà phân tích Srini Pajjuri của Raymond James, đây cũng là một vấn đề mà nhiều nhà máy sản xuất chip có thể không giải quyết được.

“Để giá chip AI giảm xuống, chúng tôi cần cạnh tranh nhiều hơn với Nvidia", ông Pajjuri nhận định.

Wall Street Journal tiết lộ tất cả nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đang chi hàng chục tỷ USD để xây nhà máy mới và tăng tốc mở rộng với kỳ vọng doanh số bán chip toàn cầu sẽ vượt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Theo những người trong ngành, nếu kế hoạch của Altman thành công sẽ khiến cung vượt cầu trên thị trường. Khi đó, giá thành cho mỗi con chip sẽ giảm xuống đáng kể, nhưng đồng thời cũng khiến các công ty phải vận hành nhà máy dưới mức năng lực sản xuất.

Công trường nhà máy Phoenix của TSMC tại Arizona. Ảnh: Financial Times.

Đây có thể xem như "hồi chuông báo tử" về mặt tài chính trong ngành vì chi phí cố định vốn đã ở mức rất cao.

Khác với những gì mà Altman phải đối mặt trong các dự án kinh doanh trước đây của mình, việc sản xuất chip có nhiều thách thức lớn cần giải quyết liên quan đến máy tính và phần mềm.

"Trong thế giới công nghệ phần cứng, bạn thực sự phải đối mặt với các định luật vật lý. Bạn phải suy nghĩ về thế giới thực và những thách thức về mặt kỹ thuật, và điều này rất khó thực hiện”, Goodrich nhận xét về kế hoạch huy động 7.000 tỷ USD cho ngành của Sam Altman.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/7000-ty-usd-co-du-de-lam-chip-cho-openai-post1460352.html