Lifestyle

AI có thể tham gia vào xuất bản và báo chí như thế nào

ChatGPT: Mặc cho nhiều tranh cãi, ứng dụng AI trong công việc xuất bản vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi. Họ sử dụng AI để sản xuất nội dung, thử nghiệm ChatGPT trong khâu biên tập.

Mặc cho nhiều tranh cãi, ứng dụng AI trong công việc xuất bản vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi. Họ sử dụng AI để sản xuất nội dung, thử nghiệm ChatGPT trong khâu biên tập.

Ảnh minh họa: Digiday.

Theo tạp chí Digiday, một số nhóm biên tập đang được khuyến khích làm quen với ChatGPT và một số nhà báo đang thảo luận về cách công nghệ AI có thể hỗ trợ họ trong công việc.

Emma Rosenblum, Giám đốc nội dung của Bustle Digital Group, cho biết: "Chúng tôi đã khuyến khích biên tập viên thử nghiệm ChatGPT... để xem nó giỏi đến mức nào, kiểm tra khả năng phản ứng và sản xuất nội dung theo giọng văn được yêu cầu".

Các biên tập viên và Giám đốc nội dung tại BDG, Gizmodo, Forbes, Futurism, Trusted Media Brands 1440 đã nêu ra một số lý do khiến họ do dự trước khi chào đón công nghệ mới này, trong đó, chủ yếu họ nhắc đến tính không chính xác, khái niệm đạo văn và những hạn chế của công nghệ.

Francesco Marconi, nhà báo kiêm đồng sáng lập của công ty Applied XL, cho biết ChatGPT là “chất xúc tác để người làm xuất bản có các cuộc trò chuyện xung quanh chủ đề này".

Cái mới và những cơ hội

Sự thật là, bên cạnh các công ty xuất bản, các tòa soạn cũng đang ứng dụng công nghệ AI. Đơn cử, Forbes có hệ thống AI riêng, được tích hợp trong nền tảng CMS có tên Bertie, giúp các nhà báo tối ưu hóa hiệu năng khi chọn tiêu đề bài viết sao cho thu hút độc giả, hỗ trợ tạo mô tả bài viết và đề xuất hình ảnh phù hợp nội dung bài. Hãng thông tấn AP cũng sử dụng AI để tạo báo cáo thu nhập các công ty trong nhiều năm trời. Tờ Washington Post sử dụng AI để cập nhật tin về Thế vận hội Olympic và các cuộc bầu cử.

Chia sẻ với Digiday, Tim Huelskamp, đồng sáng lập - giám đốc điều hành Công ty tin tức 1440, đã nói: “Cứ mười năm lại có một sự thay đổi công nghệ lớn, mang tính đột phá xảy ra, và tôi nghĩ đây là lần tiếp theo".

Từ Forbes, giám đốc nội dung Randall Lane - và giám đốc kỹ thuật số Vadim Supitskiy cho biết công nghệ đằng sau ChatGPT, với khả năng truy quét Internet và đưa ra câu trả lời cho một câu hỏi nhanh chóng, có thể đóng vai trò như trợ lý, lên báo cáo, hỗ trợ công việc của các nhà báo. Khả năng ấy có thể là thứ họ cần và sẽ xem xét tích hợp vào Bertie, làm cho hệ thống CMS của họ vận hành thông minh hơn.

Bên cạnh đó, ChatGPT cũng có thể giúp các nhà báo phân tích khối lượng dữ liệu hoặc thông tin lớn, từ đó dễ tìm ra mạch xuyên suốt cho bài viết của họ. Marconi cho rằng nó có thể giúp tóm tắt một bài báo, đưa ra các gợi ý tiêu đề, chỉnh sửa ngữ pháp...

Các biên tập viên của TMB không cho rằng ChatGPT có thể được sử dụng như một công cụ tạo nội dung, nhưng nó đang được thử nghiệm để trở thành một công cụ nghiên cứu trong công ty. Beth Tomkiw, Giám đốc nội dung của TMB, cho biết các nhóm biên tập đang thử làm việc với ChatGPT để xem liệu nó có thể lên dàn ý theo chủ đề yêu cầu hay lập danh mục gợi ý kiểu "25 cuốn sách hay nhất trong năm" không. Tomkiw cho biết tháng tới, lãnh đạo công ty sẽ họp bàn về tiềm năng của ChatGPT.

David Ewalt, Tổng biên tập của trang Gizmodo của G/O Media, nêu quan điểm rằng ứng dụng ChatGPT trong một số đầu việc có thể “giải phóng các phóng viên khỏi những công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại”.

Ông nói: "Một ngày nào đó, công nghệ này sẽ là một công cụ báo cáo hợp pháp giúp phóng viên hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng, dành thời gian cho các đầu việc mà máy tính không làm được như đi phỏng vấn nguồn tin, khai thác thông tin, nghiên cứu tin đồn... Chúng ta chỉ chưa đến giai đoạn ấy thôi".

Những hạn chế của AI

Vấn đề lớn nhất mà các biên tập viên gặp phải với ChatGPT là sự thiếu chính xác. Theo Digiday, đây là vấn đề mà trang CNET đang gặp phải.

David Ewalt cho biết: "Có những vấn đề lớn, những sai sót nghiêm trọng - những lỗi hành văn, những thông tin sai lệch con người viết trên mạng đều có thể bị ChatGPT khuếch tán". Ông tin rằng vẫn chưa có hệ thống AI nào đủ tân tiến để phân biệt được nguồn tin uy tín và nguồn không đáng tin.

Jon Christian, biên tập viên quản lý Futurism cho rằng mặc dù các nhà báo cũng mắc lỗi, nhưng nó không ở cùng mức độ và tần suất như những sai lầm ngớ ngẩn mà ChatGPT đang mắc phải hiện nay. (Chính Christian là người đã đưa tin về các bài báo nhiều lỗi sai do AI sản xuất cho CNET).

Christian nói: “Đơn vị xuất bản nào đang tính áp dụng thử công cụ này cần kiểm tra kết quả đầu ra kỹ lưỡng như cách người ta soi lỗi phóng viên thử việc".

Randall Lane, giám đốc nội dung của Forbes, đặt vấn đề rằng ChatGPT chỉ cung cấp câu trả lời dựa trên dữ liệu có sẵn cho đến năm 2021. "Đấy không phải thời gian thực. Nếu một nhà báo đang cố gắng viết câu chuyện mới, thì ChatGPT chỉ viết những điều đã cũ".

Ngoài ra, còn có vấn đề đạo văn. ChatGPT không đề rõ ràng nguồn tin khi đưa câu trả lời cho một câu hỏi. Nó có trích dẫn nguyên văn hay không? Hay nó diễn chỉ đạt lại ý của người khác? Đây là những vấn đề mà Ewalt cho là cần được xem xét kỹ.

Một phóng viên của Digipay đã thử hỏi ChatGPT xem những công ty truyền thông nào đang sử dụng ChatGPT. AI này gửi về một vài cái tên, nhưng khi được yêu cầu chia sẻ nguồn tin, các đường link ChatGPT gửi về đều không còn khả dụng.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/ai-co-the-tham-gia-vao-xuat-ban-va-bao-chi-nhu-the-nao-post1406861.html?fbclid=IwAR0fTCyUM-QGvGmo2z3OPb-Nf8YJNNp8BARhyIOzThoyRIUO_cyk_vERWBc