Sau nhiều năm phát triển, Apple Vision Pro đã xuất hiện tại WWDC 2023, là danh mục sản phẩm mới đầu tiên của Táo khuyết kể từ Apple Watch năm 2014.
Vision Pro là kính thực tế hỗn hợp (XR), kết hợp yếu tố thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Thay vì dùng các thuật ngữ trên, Apple gọi đây là “thiết bị điện tử cá nhân tiên tiến nhất từ trước đến nay”. Đi cùng với đó là mức giá rất cao, lên tới 3.500 USD.
“Đối với Apple, phần cứng là 'cửa ngõ' để công ty mở rộng dịch vụ cho khách hàng bằng cách mang đến trải nghiệm mới, cải thiện đáng kể các yếu tố hiện có hoặc tạo ra trường hợp/điều kiện sử dụng mới.
Chúng tôi vẫn nghi ngờ vị trí của Apple Vision Pro trong thị trường đại chúng bởi giá bán đắt đỏ. Tìm kiếm thành công trên quy mô lớn có thể là nhiệm vụ khó bởi bản chất của thiết bị”, ông Le Xuan Chiew, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu Canalys, chia sẻ với Tri thức trực tuyến.
Dù tạo ra nhiều ý kiến khác nhau, các chuyên gia phân tích nhận định công nghệ và giá bán của Vision Pro thể hiện tham vọng lớn của Apple. Tất nhiên, điều đó kèm theo rủi ro và những thách thức nhất định.
Sự chuẩn bị cho tương lai
Ý tưởng tạo nên Apple Vision Pro không mới, nhưng Táo khuyết vẫn mất đến 8 năm phát triển để tạo ra thiết bị có khả năng điều khiển bằng tay, cấu hình mạnh và phần mềm đồng bộ.
Trước khi Vision Pro ra mắt, giới thạo tin dự đoán thiết bị sẽ rất đắt. Dù vậy, khán giả có mặt tại trụ sở Apple vẫn kinh ngạc khi biết sản phẩm có giá 3.500 USD, chưa thể lên kệ đến đầu năm sau. Trong lịch sử, ít khi nào Táo khuyết để người dùng chờ lâu đến thế.
Không ngạc nhiên khi giá bán được thảo luận rất nhiều sau màn ra mắt của Apple Vision Pro. Chi tiết này tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Ông Harmeet Singh Walia, chuyên gia phân tích của Counterpoint Research, dự đoán doanh số của Vision Pro trong năm đầu tiên khó vượt qua 500.000 chiếc bởi giá quá đắt.
Cổ phiếu Apple đạt mốc cao nhất mọi thời đại trước khi WWDC 2023 diễn ra. Sau sự kiện, giá cổ phiếu trượt xuống dưới 180 USD. Động thái trên phần nào thể hiện phản ứng nhất thời của thị trường về những thiết bị mới.
“Tuy nhiên, Apple không quan tâm đến biến động cổ phiếu trong một ngày, mà là tầm nhìn về sự phát triển của công nghệ trong thập kỷ tiếp theo và tương lai, thời đại hậu smartphone cũng như giải pháp đón nhận điều đó”, ông Walia nói thêm.
Không phải ai cũng muốn đeo kính thông minh
Trong sự kiện, Apple nhấn mạnh Vision Pro phục vụ nhiều mục đích sử dụng. Không chỉ lướt web, nhắn tin hay xem phim, người dùng có thể chơi game, gọi video và tạo không gian làm việc riêng trong môi trường kết hợp giữa thực và ảo thông qua 2 màn hình Micro OLED, độ phân giải 4K mỗi bên.
Với núm xoay Digital Crown, người dùng có thể điều chỉnh không gian xung quanh, từ phòng làm việc đến những khu rừng, bãi biển nhiệt đới để tập trung toàn bộ cho nội dung \ trên kính. Chế độ EyeSight sẽ hiển thị đôi mắt và biểu cảm của người dùng thông qua màn hình ngoài để dễ dàng giao tiếp.
Quá nhiều thông tin được Apple chia sẻ trong phần giới thiệu dài khoảng 30 phút. Tuy nhiên, điểm yếu thường thấy trên kính VR là cảm giác đeo vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn trên Vision Pro, ít nhất là trong bản thử nghiệm mà ông Bob O'Donnell, Chủ tịch công ty nghiên cứu công nghệ TECHnalysis, dùng thử tại sự kiện.
“Thiết bị này khiến tôi nhớ lại lý do bản thân không phải fan trung thành của sản phẩm thông minh đeo lên mặt và che mắt. Chúng có thể khiến đôi mắt và tinh thần mệt mỏi khá nhanh”, ông O'Donnell cho biết.
Apple có giải pháp nhằm hạn chế điểm yếu khi trang bị hàng loạt công nghệ lên kính. Ví dụ, chip R1 sẽ nhận tín hiệu, xử lý thông tin từ camera và cảm biến để giảm độ trễ, khiến người dùng bớt chóng mặt như các loại kính VR khác.
Chưa thể khẳng định cảm giác đeo thực tế của người dùng bởi Vision Pro chưa lên kệ. Tuy nhiên, viết trên TechSpot sau khi trải nghiệm sản phẩm, ông O'Donnell cho rằng nhiều người sẽ rất hứng thú, nhưng có thể nhanh mệt mỏi.
“Thời gian sử dụng bị giới hạn ở 2 giờ thông qua bộ pin có kích thước bằng bộ bài, cắm dây vào Vision Pro sẽ không giúp ích nhiều. Tuy nhiên, tôi rất tò mò xem mọi người muốn dùng thiết bị liên tục trong bao lâu. Nếu thời gian dài, bạn có thể cắm điện nhưng sẽ hạn chế tính di động”, ông O'Donnell nói thêm.
Theo nhà phân tích Le Xuan Chiew, sự tiện lợi và cảm giác cũng là thách thức lớn của Apple nhằm thuyết phục người dùng sẵn sàng đeo Vision Pro một cách thoải mái.
Một trong những rào cản lớn khiến nhiều người ngại đeo kính VR là thiết kế cồng kềnh, có phần kỳ dị khi che gần hết khuôn mặt. Vấn đề kích thước đã được Apple giải quyết phần nào, nhưng lại xuất hiện sợi dây kết nối với pin rời.
Đồng quan điểm, ông O'Donnell nhận định Vision Pro mang đến nhiều công nghệ mới, nhưng không phải ai cũng muốn dùng.
“Việc đeo chiếc kính lớn lên mặt sẽ không thoải mái và có thể khiến bạn bối rối, bất chấp chất lượng màn hình cao đến đâu”, chủ tịch của TECHnalysis chia sẻ với Tri thức trực tuyến.
Ai sẽ mua Apple Vision Pro?
Với giá 3.500 USD, Vision Pro không dành cho mọi người. Theo ông Chiew, thiết bị sẽ củng cố vị trí của Apple với nhóm người dùng chuyên nghiệp và những nhà sáng tạo nội dung, đóng vai trò như công cụ hỗ trợ làm việc.
Với thời gian lên kệ sớm nhất vào đầu năm 2024, Apple còn ít nhất 6 tháng để hoàn thiện Vision Pro.
Sự thành công của iPhone hay iPad một phần đến từ kho ứng dụng, và lập trình viên còn thời gian xây dựng, thử nghiệm app nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất, phục vụ người dùng và cả doanh nghiệp trên nền tảng visionOS mới.
Theo ông Walia, lợi thế cho Apple còn đến từ mối quan hệ rộng rãi. Sự hợp tác với Disney, Unity hay Zeiss khiến Táo khuyết thêm phần tự tin để khuyến khích người dùng thử một công nghệ chưa quá quen thuộc. Về phần nội dung 3D, Apple có thể nhận sự hỗ trợ từ các hãng phim Hollywood.
Vision Pro chỉ là bước đầu trong hành trình dài nhằm phổ biến thị trường kính thông minh. Cho đến khi bán ra chính thức, những vấn đề đầu tiên đã được nhìn thấy trên Vision Pro gồm cảm giác đeo và thời lượng pin kém.
Ngoài ra, quyền riêng tư cũng là yếu tố đáng cân nhắc bởi Táo khuyết cần tạo ra sự yên tâm cho người dùng, điều mà Google Glass đã thất bại.
Cơ hội để phát triển thị trường kính VR rất lớn. Tuy nhiên theo nhà phân tích Le Xuan Chiew, Apple cần tạo ra các tình huống phù hợp để người dùng cần đến thiết bị, đồng thời chứng tỏ mức giá của Vision Pro là hợp lý.
“Chiến lược sản phẩm của Apple với Vision Pro là củng cố vị trí với nhóm khách hàng chuyên nghiệp. Chúng sẽ là màn thử nghiệm tại phân khúc cao cấp để định hình hướng đi cho Táo khuyết trong trong tương lai.
Vision Pro xuất hiện để tăng giá trị cho chiến lược phát triển hệ sinh thái Apple. Hãng có thể tận dụng phần mềm và dịch vụ hiện có để mang đến trải nghiệm liền mạch cho nhóm khách hàng mục tiêu. Ngoài ra, visionOS sẽ đóng vai trò là nền tảng sáng tạo, chủ yếu hướng đến nhà phát triển để tạo ra trải nghiệm người dùng tốt hơn”, ông Chew nói với Tri thức trực tuyến.
Trước mắt, sự xuất hiện của Vision Pro đã thu hút lượng lớn người dùng quan tâm đến kính VR. Điều đó có thể giúp tăng doanh số thị trường. Những người hứng thú nhưng chưa có điều kiện mua Vision Pro, hoặc không thể kiên nhẫn đến năm sau có thể chọn các model của Meta hay HTC.
"Ngay cả khi màn ra mắt sản phẩm được Apple miêu tả 'thiết bị điện tử cá nhân tiên tiến nhất từ trước đến nay' có thể không phải khoảnh khắc iPhone thứ 2, đó vẫn là bước đi tích cực để ngành công nghiệp phát triển", ông Harmeet Singh Walia nhấn mạnh.