Xu hướng

Áp lực ngoại hình khi sống giữa kinh đô sắc đẹp

Ngành công nghiệp sắc đẹp của Hàn Quốc kết hợp với văn hóa đại chúng đã đưa tên tuổi của nước này nổi tiếng thế giới.

Nếu muốn phẫu thuật thẩm mỹ, Hàn Quốc là một trong những điểm đến đầu tiên nhiều người nhắc đến. Ảnh: NYtimes.

Hồi tháng 8/2023, giới chức Hàn Quốc cho biết sẽ nới lỏng thủ tục nhập cảnh cho du khách đến nước này để phẫu thuật thẩm mỹ.

Đây được xem như động thái nhằm phục hồi ngành công nghiệp sắc đẹp nổi tiếng toàn cầu của Hàn Quốc sau những khó khăn từ đại dịch.

Nước này đặt mục tiêu có 700.000 khách đến "du lịch y tế" vào năm 2027. Ngành công nghiệp thẩm mỹ kỳ vọng 15% trong số đó sẽ tìm đến các dịch vụ làm đẹp tại Hàn Quốc.

Korea Herald cho hay vào năm 2022, có khoảng 82.000 du khách quốc tế đến quốc gia này để phẫu thuật chỉnh hình hoặc điều trị da liễu.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng nhận những ý kiến trái chiều tại Hàn Quốc. Một mặt, phẫu thuật thẩm mỹ làm nổi bật ảnh hưởng toàn cầu từ ngành mỹ phẩm và trình độ cao của bác sĩ phẫu thuật Hàn Quốc.

Mặt khác, điều này dường như đã đặt ra những chuẩn mực khắt khe và cạnh tranh khốc liệt, khiến nhiều người trẻ thiếu tự tin khi không có đủ điều kiện phẫu thuật hoặc miễn cưỡng làm đẹp không mong muốn.

"Sức mạnh mềm" của Hàn Quốc

Hàn Quốc thường được mệnh danh là “thủ đô phẫu thuật chỉnh hình của thế giới”, có số lượng bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ bình quân đầu người cao nhất thế giới. Theo Expert Market Research, thị trường phẫu thuật chỉnh hình của Hàn Quốc đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2023.

Ngoài ra, ảnh hưởng từ văn hóa đại chúng của Hàn Quốc cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều du khách quốc tế muốn đến đây để thực hiện dịch vụ làm đẹp.

Theo khảo sát của Viện Phát triển Công nghiệp Y tế Hàn Quốc, 1.200 bệnh nhân là du khách nước ngoài nói rằng họ muốn đến Hàn Quốc nhờ tiếp xúc với văn hóa nước này. Chính phủ cũng thúc đẩy sửa đổi luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều trị từ xa cho bệnh nhân quốc tế trước và sau khi ở Hàn Quốc điều trị.

Bác sĩ Lee Ik Jun, Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Hàn Quốc, nói rằng ảnh hưởng từ âm nhạc và truyền hình Hàn Quốc (K-pop và K-drama) là điểm hút khách nhất. Ngoài ra, trình độ và chất lượng của phẫu thuật thẩm mỹ nước này cũng thuộc hàng đầu thế giới.

Lượng khách quốc tế đến cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật chỉnh hình tại Hàn Quốc giai đoạn 2009-2022. Đồ họa: Statista.

Áp lực vô hình

Là ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, song người Hàn Quốc có cái nhìn đối lập khi việc làm đẹp vốn bị vướng vào những áp lực xã hội phức tạp, những yêu cầu hình ảnh “hoàn hảo” khi vào đại học, nơi làm việc hoặc thậm chí khi tìm bạn đời.

Trong văn hóa đại chúng, tiêu chuẩn sắc đẹp được ghi nhận rộng rãi của Hàn Quốc là ưu tiên khuôn mặt chữ V nhỏ nhắn, trẻ trung, lông mày cân đối, thân hình thon gọn và mắt hai mí. Phẫu thuật mắt hai mí là một trong những lựa chọn phổ biến nhất Hàn Quốc, theo Telegraph.

Nữ nhân viên văn phòng rời khỏi tòa nhà ở trung tâm thành phố Seoul. Ảnh: Bloomberg.

Jennifer, một phụ nữ hơn 20 tuổi, nói rằng việc đỗ vào trường đại học trong mơ của cô là chưa đủ với gia đình. Gia đình Jennifer đã gây áp lực buộc cô phải phẫu thuật mắt hai mí trước khi nhập học.

“Tôi biết bản thân không quá đẹp nhưng tôi hài lòng với vẻ ngoài của mình. Tuy nhiên, mẹ và bà tôi không vui vì ngoại hình của tôi trước khi phẫu thuật. Tôi bị ép phải thấy biết ơn bố mẹ có thể chi trả phí phẫu thuật dù tôi chưa bao giờ yêu cầu”, cô chia sẻ.

Trước khi bắt đầu công việc tại một tập đoàn lớn, Jennifer lại bị mẹ ép phẫu thuật, lần này là hút mỡ ở chân. Cô nói thêm nhiều người trẻ cảm thấy cần phải phẫu thuật mắt hai mí vì áp lực đồng trang lứa hoặc từ chính gia đình.

Dù phẫu thuật mắt hai mí thường an toàn, quá trình này đôi khi xảy ra tác dụng phụ, như không thể nhắm mắt. Điều này cũng dấy lên câu hỏi về tính đạo đức khi phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ vị thành niên.

Kelly Reddy-Best, giáo sư Đại học bang Iowa, Mỹ, cho rằng người lớn cần có trách nhiệm trao đổi với con trẻ để chúng hiểu sâu hơn ý tưởng về sắc đẹp, cũng như hiểu về cơ thể bản thân.

Trong nghiên cứu năm 2021, GS Reddy-Best đã viện dẫn "Lý thuyết so sánh xã hội của Festinger" ở thế kỷ XX để lý giải động lực thúc đẩy ngành phẫu thuật thẩm mỹ càng phổ biến.

Lý thuyết giải thích rằng càng nhìn kỹ một ai đó, chúng ta càng có khả năng so sánh bản thân và cố bắt chước họ. Điều này được cho là lý giải việc nhiều người muốn phẫu thuật để giống như thần tượng xuất hiện trong văn hóa Hàn Quốc.

Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và chuyên gia thẩm mỹ nước này cho rằng công việc của họ mang lại những lợi ích trong một xã hội mà ở đó, giáo dục và thị trường việc làm vốn cạnh tranh gắt gao, và mọi người thường bị đánh giá dựa trên ngoại hình.

“Nếu lòng tự trọng của ai đó tăng lên thông qua phẫu thuật và giúp họ đẹp hơn, tôi nghĩ đó là sự tích cực”, bác sĩ Lee Ik Jun, Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Hàn Quốc, nói.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/ap-luc-ngoai-hinh-khi-song-giua-kinh-do-sac-dep-post1454239.html