Sau nhiều năm tăng trưởng thần tốc, một số tập đoàn công nghệ hùng mạnh nhất của Mỹ đã bắt đầu trượt dốc nhanh chóng tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Mối quan hệ giữa chính phủ Trung Quốc với các doanh nghiệp nước ngoài dần đi vào ngõ cụt, trong khi các công ty trong nước tăng tốc, trở thành những lựa chọn thay thế. Tất cả đã tạo nên một cuộc chạy đua đầy nguy hiểm để lấy lòng người tiêu dùng.
Không có gì ngạc nhiên khi các công ty Mỹ, từng coi đây là “thế kỷ của Trung Quốc”, lại phải nhận một bài học đau đớn về việc kinh doanh ở quốc gia tỷ dân, Business Insider nhận định.
Doanh số sụt giảm, vốn hóa bị thổi bay
Chỉ cần nhìn vào lĩnh vực công nghệ cũng đủ để biết các công ty Mỹ đang gặp khó khăn như thế nào ở Trung Quốc.
Apple đang phải vật lộn để thuyết phục người dùng Trung Quốc mua iPhone mới. Nghiên cứu của Counterpoint Research cho thấy doanh số bán hàng đã giảm mạnh 24% trong 6 tuần đầu năm 2024.
Trong khi đó, lô hàng từ siêu nhà máy của Tesla Thượng Hải sụt giảm mạnh vào tháng trước khi chỉ có 60.365 xe được xuất xưởng, Bloomberg đưa tin. Con số này thấp hơn 16% so với số lô hàng của hãng trong tháng 1 và thấp hơn 19% so với cùng tháng năm ngoái, dữ liệu từ Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc cho biết.
Trước mắt, điều này có thể vẫn chưa gây ra nhiều hỗn loạn.
Doanh thu ròng của Apple tại Trung Quốc có thể đã giảm 13% trong 3 tháng cuối năm 2023 so với một năm trước, nhưng họ vẫn nhận tổng doanh thu 20,8 tỷ USD. Tesla cũng không phải là công ty xe điện duy nhất bị cuốn vào sự suy giảm doanh số.
Nhưng những con số này báo hiệu một giai đoạn trượt dốc dành cho 2 công ty lớn nhất của Mỹ ở Trung Quốc, Business Insider nhận định.
Người Trung Quốc không còn chuộng đồ Mỹ
Trong trường hợp của Apple, Gene Munster, đối tác quản lý tại Deepwater Asset Management, cho rằng sự sụt giảm liên quan đến việc “các sản phẩm của Mỹ không còn được ưa chuộng ở Trung Quốc”.
Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã cấm sử dụng iPhone tại các cơ quan chính phủ, khiến việc sở hữu một chiếc iPhone không còn đáng tự hào như trước. Các nhà đầu tư đã phản ứng bằng cách thổi bay 200 tỷ USD giá trị thị trường của Apple.
Trùng hợp thay, lệnh cấm cũng xảy ra cùng thời điểm với sự ra mắt của Huawei Mate 60 Pro - smartphone 5G được sản xuất nội địa được nhiều người đánh giá là một thiết bị đột phá cạnh tranh với iPhone. Sản phẩm được ra mắt bất chấp lệnh cấm xuất khẩu bán dẫn sang Trung Quốc của Mỹ.
Theo khảo sát của Counterpoint, doanh số smartphone Huawei đã tăng 64% trong cùng giai đoạn doanh số bán iPhone giảm gần 1/4. “Cả Mỹ và Trung Quốc đang dần biệt lập với nhau. Điều này có lợi cho các thương hiệu nội địa", Muster nói nhận định.
Trong trường hợp của Tesla, tình trạng suy thoái trên diện rộng của thị trường xe điện đã manh nha từ năm ngoái, nhưng sẽ đặc biệt rõ ràng vào tháng 2/2024 do doanh số bán hàng giảm sút trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo Business Insider, sự trượt dốc của cả 2 ông lớn công nghệ Mỹ cũng là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến giữa Trung Quốc với Mỹ trong việc giành quyền thống trị công nghệ đang ngày càng nghiêm trọng.
Đã qua thời Trung Quốc sao chép Mỹ
Suốt nhiều năm qua, các công ty Trung Quốc đã áp dụng chiến lược sao chép công nghệ của các hãng phương Tây. Sở hữu hàng loạt nhà máy gia công các thiết bị điện tử tiêu dùng, xe điện và các ngành công nghiệp khác, quốc gia tỷ dân dễ dàng sao chép những gì các đổi thủ đang làm, nhưng thường có tiêu chuẩn kém hơn.
Nhưng điều này không còn đúng ở hiện tại. Đơn cử như Mate 60 Pro của Huawei cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đã có một chiếc smartphone “cây nhà lá vườn” mang lại trải nghiệm so sánh được với iPhone.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ôtô điện nội địa như BYD đang bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt trội, nhờ giành được người tiêu dùng với các mẫu xe rẻ hơn nhiều so với Tesla.
Bằng chứng là báo cáo tài chính BYD cho thấy doanh số tăng 43%. Hãng cũng giảm giá trung bình 17% các mẫu xe bán chạy nhất, Reuters đưa tin.
Cuộc chiến tranh giành thị phần của các công ty công nghệ Trung Quốc dự kiến cũng sẽ nhận được sự thúc đẩy lớn từ chính quyền Bắc Kinh.
Với mục tiêu tăng trưởng 5% hàng năm do Thủ tướng Lý Cường đặt ra trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Bắc Kinh sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ trong nước, và siết chặt bất kỳ công ty nước ngoài nào cản đường họ.
Wall Street Journal đưa tin Nghị định 79 sắp được chính phủ Trung Quốc ban hành nhằm đẩy lùi các công ty phương Tây. Nghị định yêu cầu các công ty nhà nước liên quan đến một loạt lĩnh vực như tài chính và năng lượng sẽ “thay thế phần mềm nước ngoài trong hệ thống CNTT vào năm 2027”.
Theo Business Insider, cách các công ty phương Tây phản ứng cần được theo dõi chặt chẽ vì Trung Quốc vẫn còn nhiều giá trị. Điều đó được thể hiện rõ ràng khi Suzanne Clark, Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ, đến Trung Quốc vào cuối tháng 2 để giúp bình thường hóa quan hệ kinh doanh. Tuy nhiên, từ "bình thường" này từ nay sẽ không còn giống xưa.