New York Times đặt câu hỏi sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley có thể dạy chúng ta điều gì về ngành công nghệ.
Ở cấp độ nào đó, không có nhiều bài học từ sự kiện này. Đúng là SVB là một tổ chức ở Thung lũng Silicon, được coi là đơn vị cho vay hàng đầu đối với các startup công nghệ. Ngân hàng làm việc với gần một nửa các công ty khởi nghiệp được đầu tư mạo hiểm, phần lớn trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe, theo Washington Post.
Do đó, ngân hàng phá sản sẽ tác động lan rộng toàn bộ lĩnh vực công nghệ trong thời gian ngắn, khi các công ty vật lộn để rút tiền gửi và trả lương cho nhân viên.
Tuy nhiên, điều dẫn đến kết cục của SVB ngày hôm nay không phải là do các công ty khởi nghiệp mạo hiểm vay tiền, đánh cược bằng tiền điện tử hay một số kế hoạch công nghệ thiếu cân nhắc khác. Nguyên nhân là SVB theo lối điều hành ngân hàng kiểu cũ, bắt nguồn từ năm 2021 với một loạt quyết định không sáng suốt đi theo lối mòn.
Phản ứng dây chuyền
Năm đó, thị trường chứng khoán bùng nổ, lãi suất gần bằng 0 và tiền đổ vào lĩnh vực công nghệ. Nhiều công ty khởi nghiệp gửi tiền tại SVB, và ngân hàng lấy số tiền đó đi đầu tư, bao gồm cả trái phiếu dài hạn. Thời điểm đó, những khoản đầu tư có vẻ tương đối an toàn, nhưng trở nên rủi ro vào năm ngoái khi lãi suất tăng và trái phiếu mất giá trị.
Năm nay, khi đầu tư công nghệ chậm lại và các công ty khởi nghiệp rút tiền mặt khỏi ngân hàng để trang trải chi phí, SVB cần bán lỗ một số trái phiếu và đi tìm nguồn vốn mới.
Ngân hàng có thể đã tồn tại qua tất cả điều này. Tuy nhiên, khi giải thích không đúng cách cho khách hàng về những gì đã xảy ra, một số người lo lắng ngân hàng đang gặp rắc rối.
Quỹ đầu tư mạo hiểm hoảng sợ và yêu cầu các công ty khởi nghiệp trong danh mục đầu tư rút mọi khoản tiền tại SVB. Những khách hàng khác chứng kiến điều này và cũng hoảng sợ theo.
Do đó, có lẽ bài học duy nhất trong câu chuyện về SBV cho các ngân hàng khác có khách hàng là công ty khởi nghiệp công nghệ là: Đừng đầu tư tiền gửi vào trái phiếu dài hạn bởi sẽ mất giá trị nếu lãi suất tăng.
Bất tiện ngắn hạn chứ không phải khủng hoảng dài hạn?
Tuy nhiên, New York Times cũng nhìn ra được một số bài học khác từ sự sụp đổ của SBV.
Đầu tiên, trong khi SVB là ngân hàng nhỏ theo tiêu chuẩn của Phố Wall, ngân hàng này chiếm vị trí đặc quyền trong cộng đồng công nghệ. Đây là ngân hàng lớn thứ 16 trong nước, với khoảng 200 tỷ USD tài sản tính đến tháng 1.
Bắt đầu hoạt động vào năm 1983, SVB có danh tiếng và được đánh giá cao trong bối cảnh khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon. Ngân hàng được biết đến với khả năng chấp nhận rủi ro từ các công ty mới thành lập mà không một ngân hàng nào khác có thể sánh bằng.
Tuần trước vào thời điểm SVB sụp đổ, nhiều người sáng lập công ty khởi nghiệp đã kể lại cách họ nhận được khoản vay kinh doanh hoặc thẻ tín dụng đầu tiên từ SVB. Một số nhân viên công nghệ đã nhận các khoản thế chấp nhà và khoản vay mua ôtô từ ngân hàng này.
Trong tương lai gần, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là một ngân hàng lớn ở Phố Wall sẽ tiếp quản SBV, đảm nhận tài sản và nợ phải trả của ngân hàng này, đảm bảo toàn bộ số tiền gửi và không ai chịu tổn thất nghiêm trọng (ngoại trừ cổ đông của SVB).
Việc chuyển tài sản và nợ của SVB sang ngân hàng mới nhanh chóng và theo trình tự là kịch bản lạc quan nhất. Trong kịch bản tồi tệ hơn, việc không bên nào muốn mua - khiến khách hàng SBV đợi hàng tuần hoặc hàng tháng để tiếp cận tiền gửi, và toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp sụp đổ vì không thể trả lương - có thể là thảm họa.
Tuy nhiên, ngay cả khi có thể ngăn chặn hậu quả từ sự sụp đổ của SVB, còn rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Ví dụ như, liệu có ngân hàng nào quan hệ chặt chẽ với ngành công nghệ cũng đang đối mặt với rủi ro lãi suất; ngân hàng lớn mua SVB liệu có thân thiện với start-up không; và sau những gì xảy ra, liệu start-up còn đặt niềm tin gửi tiền vào SVB hay bất cứ ngân hàng nào khác?
Thứ hai, có thể nhóm khách hàng của SVB đã góp phần vào sự sụp đổ của ngân hàng này.
Ở hầu hết ngân hàng khu vực hạng trung bình thường, những gì xảy ra tại SVB không dễ dẫn tới hoảng loạn. Các ngân hàng thường xuyên bán tải sản. Họ gặp vấn đề về thanh khoản và huy động vốn ngắn hạn để giải quyết. Thông thường, khách hàng không bao giờ chú ý hay quan tâm.
Tuy nhiên, khách hàng tại SVB không phải người gửi tiền bình thường. Họ là những nhà sáng lập và nhà đầu tư khởi nghiệp, nhóm xem xét kỹ lưỡng hồ sơ chứng khoán của ngân hàng, rất chú ý tới rủi ro và sự biến động, giao tiếp với nhau cả ngày trên Internet. Khi một số người trong lĩnh vực công nghệ đặt câu hỏi về khả năng thanh toán của công ty, các nhà đầu tư mạo hiểm trên Slack và Twitter dấy lên cảnh báo, khiến nhiều người hoảng sợ.
Liệu tất cả điều này có xảy ra nếu khách hàng của SVB là chủ nhà hàng hoặc người chăm sóc chó, thay vì người sáng lập công ty khởi nghiệp công nghệ? New York Times cho rằng có thể là không. Trong trường hợp này, sự sụp đổ của SVB dường như bị thúc đẩy bởi bản chất chạy theo đám đông của nhóm khách hàng mà họ phục vụ.
Bài học thứ 3 có thể nhắc tới là tính hiệu quả của các quy định trong ngành ngân hàng. Ngay vào hôm 10/3, khi SVB phá sản, Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đã tiếp quản và hành động như khi mọi ngân hàng khác sụp đổ.
FDIC đảm bảo số tiền gửi lên tới 250.000 USD. Nếu thuận lợi hơn nữa, một công ty lớn tiếp quản SVB và không gây ra hiệu ứng domino, không cần gói cứu trợ, cũng như không có sự sụp đổ hàng loạt của các công ty khởi nghiệp.
Trong những năm gần đây, một số lãnh đạo công ty công nghệ tỏ ý chê trách cơ quan quản lý và quan chức chính phủ là “chậm chạp, tham nhũng và cản trở đổi mới”. Tuy nhiên hôm 10/3, một số người đã tìm đến sự trợ giúp của chính phủ.
Tuy nhiên, vì SVB là ngân hàng - chứ không phải sòng bạc tiền điện tử hay công ty khởi nghiệp fintech - nên sự sụp đổ này khả năng cao sẽ chỉ đem lại bất tiện hơn là cuộc khủng hoảng dài hạn. Nếu đúng là vậy, Thung lũng Silicon cần cảm ơn sự tồn tại của các quy định.