Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra ngày 16/4, cổ đông CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ (HoSE: PNJ) đã thông qua kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 37.147 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 6% lên 2.089 tỷ đồng.
Đây đều là những con số kỷ lục đối với PNJ. Tuy nhiên, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ (HoSE: PNJ) cho rằng đây vẫn là một kế hoạch thận trọng.
Nguồn cung vàng nguyên liệu gặp khó
Theo bà Dung, trong năm 2023, PNJ đã cắt giảm nhiều chi phí để tối ưu vận hành nên mới đạt mức tăng trưởng doanh thu 9% sau một năm.
"Tuy nhiên, năm nay chúng tôi không thể cắt giảm như vậy nữa. Thị trường vàng vẫn đang có nhiều biến động, những mặt hàng mới như vàng miếng có doanh số tăng nhưng biên lợi nhuận thấp hơn ảnh hưởng đến lợi nhuận chung", bà nhấn mạnh.
Mặt khác, bà cho biết quý I hàng năm thường có tăng trưởng tốt, tuy nhiên quý I/2024 lại ghi nhận lợi nhuận giảm hơn 1% do nguồn cung vàng gặp khó. "Có thời điểm không đủ để chế tác hàng hóa và thị trường chung vẫn còn là ẩn số", bà nhấn mạnh.
Bà Dung đánh giá bức tranh kinh doanh năm nay vẫn chưa "sáng", nền kinh tế có sự phục hồi nhưng chưa được như kỳ vọng. Công ty sẽ cân nhắc bất cứ biến động nhỏ nào có thể tác động đến giá vàng để có giải pháp phù hợp.
Hiện tại, thị trường vàng đang chịu ảnh hưởng bởi tình hình địa chính trị thế giới, đồng thời kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong tháng 6 dường như cũng không còn. Đồng thời, giá vàng tăng thì tài sản tăng cũng gây áp lực lớn cho doanh nghiệp.
Trả lời cổ đông về việc PNJ có dự trữ đủ lượng vàng nguyên liệu cho năm 2024 hay chưa, bà Dung cho rằng điều đó rất khó vì giá vàng luôn biến động, trong khi hiện doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng. Do đó, việc công ty có thể dừng sản xuất 1-2 ngày cũng là chuyện bình thường do thiếu nguyên liệu đầu vào.
Chẳng hạn, dịp Thần Tài vừa qua, PNJ bắt đầu chuẩn bị từ tháng 10/2023, song cũng không đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bởi công ty đang có mạng lưới cửa hàng rộng lớn và nhu cầu mua sỉ, lẻ của khách hàng rất lớn.
Trong khi đó, việc mua nguyên liệu của PNJ luôn phải đáp ứng quy định về nguồn gốc, giấy tờ đầu vào nên càng khó khăn hơn.
Tham vọng thành thương hiệu trang sức tỷ USD
Cũng tại đại hội, Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ tham vọng của doanh nghiệp là trở thành thương hiệu trang sức tỷ USD.
Theo bà, hiện giá trị thương hiệu của PNJ đã đạt gần 500 triệu USD. Để tăng thêm giá trị thương hiệu và đạt mốc 1 tỷ USD, doanh nghiệp đang xây dựng các hoạt động ESG (Environmental - Social - Governance, tạm dịch: Môi trường - Xã hội - Quản trị).
Riêng năm nay, doanh nghiệp đá quý này sẽ dành ngân sách 10 tỷ đồng để triển khai các dự án mang tính chiến lược về ESG.
Chia sẻ thêm về kế hoạch kinh doanh năm nay, CEO PNJ Lê Trí Thông cho biết sau 34 năm hoạt động, doanh nghiệp đã chuyển đổi định hướng từ công ty trang sức sang công ty bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Hành trình tiếp theo trong giai đoạn từ nay đến 2030, PNJ sẽ mở rộng từ doanh nghiệp bán lẻ trang sức số 1 Việt Nam sang nhà bán lẻ các sản phẩm và dịch vụ lifestyle hàng đầu.
"Hiện nay khách hàng đang bắt đầu chuyển hướng từ tiêu dùng ăn uống sang làm đẹp và lối sống, du lịch. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị những năng lực mới về công nghệ và sự sáng tạo để nắm bắt xu hướng này. Đó là không gian tăng trưởng rất lớn PNJ đang hướng đến", ông Thông nói thêm.