Đầu tư

Bắc Giang, Thái Bình vượt Bình Dương, Bắc Ninh về thu hút vốn FDI

Năm 2023 chứng kiến sự thay đổi lớn vị trí xếp hạng các địa phương về thu hút vốn FDI. Trong đó, Bắc Giang, Thái Bình đã vượt Bình Dương, Bắc Ninh để lọt top 5 địa phương dẫn đầu.

Theo báo cáo mới được Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố trong năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.

Theo số liệu, TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI đăng ký năm 2023 với gần với 5,85 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 48,5% so với năm 2022. Trong khi đó, Hải Phòng là địa phương xếp thứ hai, tiếp theo là Quảng Ninh, Bắc Giang và Thái Bình. Nghệ An có lần đầu tiên hút vốn ngoại đạt trên 1 tỷ USD một năm.

Nhiều địa phương bứt tốc

Theo số liệu công bố trước đó, trong 11 tháng đầu năm, TP.HCM đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI với 3,08 tỷ USD. Nhưng chỉ trong tháng 12, TP.HCM đã thu hút khoảng 2,77 tỷ USD vốn FDI để bứt tốc vượt lên dẫn đầu. Con số 5,85 tỷ USD cũng là mức cao nhất kể từ 2020 đến nay của thành phố, đồng thời cũng vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm là 4,5 tỷ USD.

Nếu xét về số dự án, TP.HCM cũng là địa phương dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (37,7%), số lượt dự án điều chỉnh (23,5%) và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (67,1%).

Đáng chú ý, nếu như năm ngoái, Hải Phòng xếp thứ 4 về thu hút vốn FDI thì năm nay địa phương này đã bứt tốc lên vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,4 tỷ USD, vượt 1,75 lần so với kế hoạch và là kết quả lịch sử của TP Hải Phòng từ trước tới nay.

Trong năm 2023, Hải Phòng đã cấp mới 100 dự án với số vốn cấp mới đạt 1,3 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 46 dự án với số vốn tăng thêm hơn 1,9 tỷ USD. Tổng cộng, đến nay trên địa bàn Hải Phòng có 933 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỷ USD.

Địa phương này đã ghi nhận nhiều dự án mới của nhà đầu tư ngoại như dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao của Tập đoàn SK (Hàn Quốc) với tổng vốn 500 triệu USD; dự án Sản xuất máy và thiết bị của Tập đoàn Kyocera (Nhật Bản) tăng vốn 237,5 triệu USD nâng tổng vốn đầu tư dự án lên 425 triệu USD.

Ngoài ra còn có dự án đầu tư phát triển nhà xưởng xây sẵn BW với số vốn 61 triệu USD, dự án chế tạo phụ tùng ôtô của nhà đầu tư CCTY Bearing Company của Trung Quốc với 40 triệu USD...

Năm 2023, Bắc Giang cũng vươn lên vị trí thứ 4 với vốn FDI đăng ký ghi nhận 3,01 tỷ USD. Địa phương này cho biết đây là mức vốn cao kỷ lục từ trước đến nay và giúp Bắc Giang xếp thứ 4 cả nước, vượt qua những tỉnh vốn mạnh về công nghiệp là Đồng Nai, Bình Dương hay Bắc Ninh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có các dự án từ các tập đoàn của 30 quốc gia và lãnh thổ, trong đó Trung Quốc có trên 227 dự án với tổng số vốn khoảng 5,14 tỷ USD; Hàn Quốc với gần 300 dự án và số vốn đăng ký đạt khoảng 2,1 tỷ USD.

Một số dự án nổi bật của địa phương này trong năm qua có thể kể đến như Foxconn đầu tư 300 triệu USD để sản xuất iPad, AirPods; Luxshare - ICT đầu tư thêm 330 triệu USD mở rộng nhà máy sản xuất; hay Hana Micron - "ông lớn" ngành bán dẫn Hàn Quốc cũng đang muốn đầu tư 1 tỷ USD vào Bắc Giang.

Bên cạnh đó, một địa phương cũng đạt kỷ lục về thu hút vốn FDI trong năm vừa qua là Thái Bình. Nếu như năm 2022, tỉnh này chỉ xếp hạng thứ 18 thì đến năm 2023, vốn FDI vào Thái Bình đạt 2,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 5 cả nước.

Năm 2023, Thái Bình lần đầu gia nhập nhóm địa phương tỷ USD về thu hút vốn ngoại sau khi đón 3 dự án đổ bộ KCN Liên Hà Thái hồi tháng 9. Bao gồm dự án Nhà máy Pegavision Việt Nam (200 triệu USD); dự án Nhà máy sản xuất các cổng chuyển đổi, thiết bị kết nối, thiết bị vi tính (45 triệu USD); và dự án Nhà máy Longstar Lighting Thái Bình (25 triệu USD).

Thái Bình cũng chuẩn bị đón thêm một dự án FDI lớn từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Hiện tỉnh Thái Bình có 5 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 150 triệu USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 cũng đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Ảnh: Việt Linh.

Dù không nằm trong top 5 địa phương hút vốn FDI trong năm vừa qua nhưng Nghệ An cũng đánh dấu cột mốc lần đầu tiên thu hút vốn FDI vượt trên 1 tỷ USD, vượt qua cả Bình Dương và Đồng nai.

Tổng kết cả năm 2023, địa phương này hút hơn 1,6 tỷ USD và xếp vị trí thứ 8 trên cả nước (năm 2022 cán đích vị trí thứ 11). Đặc biệt, Nghệ An đã thu hút thành công nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất như Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny...

Một số dự án nổi bật tại địa phương này là dự án đầu tư cơ sở mới Sunny Automotive Quang học Vina cho Tập đoàn Sunny, tổng mức đầu tư 150 triệu USD. Đối tác hàng đầu của Apple - Foxconn cũng đã chính thức đăng ký đầu tư dự án 100 triệu USD vào Khu công nghiệp WHA.

Singapore, Nhật Bản tăng đầu tư vào Việt Nam

Trong năm 2023, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022.

Nhật Bản đứng thứ 2 với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Hong Kong đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,68 tỷ USD, chiếm gần 12,8% tổng vốn đầu tư, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...

Các nhà đầu tư châu Á và các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn về tổng vốn đầu tư vào Việt Nam năm qua (Singapore, Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan). Riêng 6 đối tác này đã chiếm hơn 81,4% tổng vốn đầu tư của cả nước trong năm.

Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,2%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,9%) và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (chiếm 27,8%).

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/bac-giang-thai-binh-vuot-binh-duong-bac-ninh-ve-thu-hut-von-fdi-post1452445.html