Văn phòng làm việc của Hoá Chất Đức Giang – công ty có vốn hoá tỷ đô, “ngôi sao” trên sàn chứng khoán trong năm 2022 là khu xí nghiệp rất cũ được xây dựng từ những năm 1980. Phòng làm việc của Tổng giám đốc Đào Hữu Duy Anh cũng nhỏ, bên ngoài vẫn giữ nguyên tấm biển “Phòng Trợ lý Tổng giám đốc” được gắn từ 10 năm trước, khi ông Duy Anh còn là trợ lý cho sếp mình – Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT của Đức Giang, cũng là bố của Duy Anh.
“Tôi không cần trợ lý vì giờ đây các hoạt động quản trị doanh nghiệp đều đã số hoá, nhà máy đều tự động hoá. Và mặt khác, tôi không nghĩ hình ảnh bề ngoài của văn phòng là quan trọng. Điều quan trọng nhất là thực chất của công ty” – TGĐ Đức Giang nói.
Cái thực chất mà ông Duy Anh nói đến là 3 điều mà công ty này tuyên bố đặt lên hàng đầu, bao gồm kết quả kinh doanh, đời sống của cán bộ công nhân viên và bảo vệ môi trường.
Năm 2022, Đức Giang xứng đáng được chọn là “Doanh nghiệp của năm” khi lãi ròng tăng trưởng ấn tượng lên trên 1.300 tỷ đồng/quý so với mức 200-300 tỷ đồng/quý trong giai đoạn trước. Ở thời điểm đỉnh cao, giá trị thị trường của Đức Giang lên đến hơn 1,5 tỷ USD, hàng loạt người lao động trong công ty đã trở thành triệu phú đô la.
Sự bùng nổ này đến từ việc tăng giá mạnh mẽ của phốt pho vàng – sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong ngành phân bón, điện tử, chất bán dẫn, thức ăn chăn nuôi… và là sản phẩm chính của Đức Giang.
Tuy vậy quá trình thăng hoa không thể kéo dài được mãi. Giá phốt pho vàng đã hạ nhiệt. Đức Giang còn lại câu chuyện gì?
Với 4 dòng chủ đạo bao gồm Chất tẩy rửa, Hóa chất công nghiệp, Phân bón, phụ gia thức ăn chăn nuôi, hệ thống sản phẩm của Hóa chất Đức Giang nằm trong chuỗi giá trị từ quặng Apatit, xoay quanh một nguyên tố được gọi là “nguyên tố của sự sống”, đó là phốt pho.
Trong ngành này, chi phí đầu vào lớn nhất nằm ở quặng Apatit, than và điện. Đức Giang là doanh nghiệp hiếm hoi có giá bán phốt pho vàng cạnh tranh được với các doanh nghiệp của Trung Quốc. Điều đó được tạo nên nhờ một số yếu tố chủ chốt, bao gồm nguồn tài nguyên quặng sẵn có của Việt Nam và quan trọng nhất là công nghệ sản xuất.
Nhà máy của Đức Giang ở Lào Cai là nơi duy nhất có thể sử dụng cả quặng loại 1, loại 2, loại 3 ở cả dạng cục và dạng bột làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất phốt pho. Nó tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn khi giá quặng loại 2, 3 rẻ hơn hẳn loại 1, quặng bột rẻ hơn quặng cục, và càng trở nên quan trọng trong bối cảnh sản lượng quặng trên trái đất ngày càng ít đi. Công nghệ này cũng cho phép Đức Giang có thể sử dụng cả than cốc ở cả dạng cục và bột (rẻ tiền hơn) để sản xuất phốt pho vàng.
“Theo tôi biết, trên thế giới chỉ một doanh nghiệp nữa ở Hà Lan có công nghệ sử dụng quặng bột tương tự. Nhưng họ đã phá sản, nên Đức Giang hiện là duy nhất” – Ông Duy Anh nói. Rất nhiều công ty nước ngoài, gồm cả Âu, Mỹ và Trung Quốc muốn mua công nghệ của Đức Giang nhưng không được đồng ý.
Đặc biệt hơn cả, đây là công nghệ ra đời bởi một kỹ sư Việt Nam đang làm việc tại Đức Giang, từng đoạt huy chương vàng Olympic Hoá học quốc tế, nay đã trở thành một lãnh đạo cấp cao của công ty. Đức Giang trả thưởng 25 tỷ đồng cho sáng kiến xuất sắc này.
“Làm sao có thể sản xuất với giá thành thấp nhất để dù thị trường có sập thì mình vẫn có lãi, nhưng sản phẩm vẫn phải đạt chất lượng được thế giới chấp nhận? Đó là nhờ con người” – TGĐ của Đức Giang nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, các mỏ quặng Apatit tập trung ở Lào Cai. Lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên này cũng là nguồn gốc ra đời các doanh nghiệp như Công ty Apatit Việt Nam (Apatit Lào Cai) trực thuộc Tập đoàn Hóa chất chuyên khai thác và tuyển quặng Apatit để bán cho các doanh nghiệp như Đức Giang. Nhưng từ giữa năm 2021, Đức Giang đã có quyền khai thác khai trường 25 tại Bát Xát – Lào Cai với kế hoạch khai thác 3,7 triệu tấn quặng, chủ động được nguồn nguyên liệu quặng và giúp công ty giảm khoảng 35% chi phí đầu vào.
Nếu không có khai trường 25, trong 2 năm qua Đức Giang có lẽ đã phải tạm dừng sản xuất nhiều lần khi không có đủ nguồn quặng cung ứng. Mặc dù vậy, khai trường 25 cũng chỉ khai thác trong vòng 6 năm và Đức Giang đã tiếp tục tiến hành xin cấp phép khai thác một khai trường mới.
Công nghệ “kỳ diệu” nói trên sẽ không thể đi vào thực tế nếu như Đức Giang chỉ an phận làm một công ty kinh doanh hóa chất, bột giặt nhỏ.
Thành lập từ năm 1963, Công ty Hoá chất Đức Giang ban đầu là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng cục Hoá chất Việt Nam với trụ sở đặt tại quận Long Biên, Hà Nội. Đây là nơi ông Đào Hữu Huyền gắn bó trước khi ra ngoài lập nghiệp với công ty hoá chất riêng của mình thời nhà nước mở cửa.
Năm 2004, Đức Giang tiến hành cổ phần hoá với tên gọi CTCP Bột giặt và Hoá chất Đức Giang, gia đình ông Huyền đã trở lại trong vai trò cổ đông. Ông Huyền giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty từ năm 2007 – 2020 trước khi chuyển vị trí TGĐ cho ông Duy Anh.
Trong nhiều năm, Đức Giang “bình tĩnh” kinh doanh với những hoạt động đơn giản xoay quanh các loại hóa chất, bột giặt. Nhưng bước ngoặt đã đến từ một “sự cố”, sau thời gian công ty tích luỹ được lượng tài sản nhất định từ kinh doanh phốt pho và khi những nhân sự trẻ tuổi thổi vào luồng tư duy dám nghĩ dám làm.
Chuyện bắt đầu hơn 1 thập kỷ trước, khi Công ty Apatit Việt Nam thuê Đức Giang vận hành một lò phốt pho nhỏ tại Lào Cai với công suất 2.000 tấn/năm. Sau đó, Đức Giang thuê lại lò trong vòng 10 năm để tự sản xuất kinh doanh. Được 3 năm, đến 2008, phốt pho bước vào chu kỳ siêu hàng hoá và giá tăng vọt lên hơn 10.000 USD/tấn – cao hơn cả mức giá đỉnh đạt được trong năm 2021 vừa qua. Đức Giang lãi cực lớn và Apatit Việt Nam huỷ hợp đồng cho thuê, lấy lại nhà máy để tự vận hành.
Trước tình huống như vậy, năm 2009, với số tiền tích luỹ được, Đức Giang bỏ ra 200 tỷ đồng khởi công xây chiếc lò sản xuất phốt pho đầu tiên của mình với công suất gấp 5 lần chiếc lò đã thuê, tức 10.000 tấn/năm.
Khi đó, công nghệ nhà máy chỉ sử dụng được quặng cục. Quặng bột bị thừa rất nhiều và được bán lại cho đơn vị khác chỉ bằng nửa giá khai thác. Không chấp nhận, Đức Giang nghĩ cách tận dụng toàn bộ lượng quặng bột thừa để sản xuất phân bón. Thế là năm 2011, nhà máy này bắt đầu nghiên cứu về công nghệ sản xuất phân lân đơn.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu về ngành phân bón, Duy Anh và các lãnh đạo trẻ của Đức Giang nhận ra rằng không thể sản xuất ở quy mô nhỏ vì không đủ bù chi phí khấu hao, cũng như không thể chỉ sản xuất phân lân khi mặt hàng này đã trở nên “cổ lỗ” so với thế giới, nhu cầu thấp. Trong khi đó, không chỉ phân bón, chuỗi giá trị từ quặng Apatit có thể kéo dài đến những mặt hàng có giá trị cao hơn hẳn, đơn cử là Axit phosphoric trích ly với nhu cầu rất lớn từ nước ngoài.
“Đức Giang quyết định làm lớn. Một dự án cho ra sản phẩm là Axit phosphoric trích ly cùng với các nhà máy sản xuất phân DAP và MAP đi cùng. Đó là dự án lớn đầu tiên của Đức Giang với vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng” – Ông Duy Anh kể lại.
Từ quyết định làm nhỏ để tận dụng nguồn nguyên liệu thừa trở thành quyết định xây dựng nhà máy lớn nhất lịch sử, nội bộ công ty cũng xảy ra nhiều tranh luận vì văn hoá của một doanh nghiệp quốc doanh chuyển sang cổ phần vẫn cực kỳ thận trọng. Có đủ tiền không? Có năng lực để làm dự án lớn lúc này hay chưa?
“Cũng may, sếp mình tuy nhiều tuổi nhưng là người biết lắng nghe người trẻ, tiếp cận những công nghệ mới” – Duy Anh kể lại.
Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền là người ra quyết định cuối cùng, chốt làm tổ hợp nhà máy phần bón lớn tại Lào Cai.
Bằng sự hiểu biết của các kỹ sư gạo cội về thiết bị, cơ khí cũng như kinh nghiệm tối ưu các dự án nhỏ trước đó, Đức Giang vừa là chủ đầu tư, vừa làm tổng thầu đã hoàn thành nhà máy tại KCN Tằng Loỏng trong 18 tháng. Đây là tốc độ gây sốc cho đối tác quốc tế vì thông thường, nhà máy quy mô này phải làm trong 3 năm với vốn đầu tư gấp đôi.
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang Lào Cai – nơi sở hữu nhà máy “huyền thoại” nói trên - đang là công ty đem lại doanh thu lớn nhất cho Đức Giang. Năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Đức Giang là 9.550 tỷ đồng thì Đức Giang Lào Cai đem về 8.381 tỷ đồng. Nhà máy từ công suất 10.000 tấn/năm được mở rộng dần lên 20.000, 40.000 và bây giờ là 60.000 tấn.
“Sau dự án đó thì bây giờ, khi làm 2 dự án lớn tới đây, chúng tôi rất tự tin” – Ông Duy Anh tự hào nói.
Sự tự tin ấy dành cho 2 “cú nhảy vọt” mới tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) và bauxite (Đăk Nông). Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang Nghi Sơn có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng sẽ mở ra một giai đoạn mới không chỉ cho Đức Giang mà còn cho ngành hoá chất của Việt Nam khi sản xuất các mặt hàng chính là Xút NaOH, Chloramin B, PVC… Đây cũng là đầu vào cho chuỗi sản xuất sử dụng quặng bauxite để tạo ra Alumin tại dự án đang xin giấy phép tại tỉnh Đắk Nông.
“Có thể thấy trong những năm gần đây, Đức Giang không có thêm nhà máy mới, không có thêm sản phẩm mới. Điểm nhấn cho kết quả kinh doanh kỷ lục năm 2022 chính là nhu cầu thị trường rất mạnh và giá phốt pho vàng rất cao” – Ông Duy Anh thẳng thắn.
Nói cách khác, kỷ lục kinh doanh mà Đức Giang đạt được trong năm qua đến từ “thiên thời” khi đà tăng phi mã của giá phốt pho vàng kéo dài từ cuối năm 2021 sang nửa đầu năm 2022, trước khi hạ nhiệt trong nửa cuối năm. Đỉnh lợi nhuận của Đức Giang được thiết lập vào quý 2 với gần 1.900 tỷ đồng – tăng 4 lần so với cùng kỳ năm trước và giảm xuống 1.500 tỷ đồng trong quý 3 năm nay.
“Đúng là nhờ thiên thời, nhưng nó chỉ đóng góp 30% cho thành công của công ty, còn lại địa lợi và nhân hoà đều là do chúng tôi tích luỹ và phấn đấu suốt nhiều năm. Rất may chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng tư thế, chỉ chờ đến thời là phất” – Ông Duy Anh nói.
Điều này không thể phủ nhận khi sau những năm làm ăn ổn định, Đức Giang tập hợp được đủ công nghệ, con người, nguồn nguyên liệu từ khai trường 25 và sẵn sàng cung ứng cho thị trường tại thời điểm nhu cầu đột biến. Thiên thời mà không có địa lợi và nhân hoà, Đức Giang cũng không thể đạt được những kết quả nói trên.
“Chúng tôi đã trải qua 2 lần thiên thời chứ đâu phải lần đầu tiên” – Vị TGĐ trẻ nhắc lại thời điểm năm 2008, khi giá phốt pho tăng mạnh giúp Đức Giang tích luỹ được lượng vốn lớn để có đủ nguồn lực xây dựng nhà máy đầu tiên. Lần này cũng vậy, qua thời kỳ bùng nổ, Đức Giang lại tập trung sản xuất, tích luỹ tài nguyên và đầu tư phát triển mảng sản xuất mới.
“Trong 2 năm Covid, Đức Giang không chi tiêu gì, đến hiện tại đã tiết kiệm được khoảng 8.200 tỷ tiền mặt để phục vụ cho dự án mới ở Nghi Sơn cũng như dự án bauxite. Khi đó cái tầm của hoá chất Đức Giang sẽ lớn hơn rất nhiều” – Ông Duy Anh khẳng định.
Giữa tháng 11/2022, khi thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào thời điểm đen tối nhất, lần đầu tiên trong lịch sử niêm yết, cổ phiếu DGC của Đức Giang giảm sàn 5 phiên liên tục. Ông Đào Hữu Huyền viết một bức tâm thư gửi đến cổ đông.
Trước đó, với sự thăng hoa của cổ phiếu Đức Giang, câu chuyện được chia sẻ rầm rộ là về một nhân viên vệ sinh môi trường của công ty có 35 tỷ đồng, một kỹ sư có hơn 100 tỷ đồng nhờ sở hữu cổ phiếu DGC, Tập đoàn 2.000 nhân sự trong năm 2021 có thêm vài trăm ô tô mới nhờ nhân viên trở nên giàu có hơn.
Ông Duy Anh cho biết, bức tâm thư của Chủ tịch được viết từ trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp đối với cổ đông bên ngoài. Còn với cán bộ công nhân viên của Đức Giang, thời điểm cổ phiếu lao dốc, mọi người đều “bắt đáy” và vui mừng vì có thể mua thêm. Theo vị TGĐ, các cán bộ công nhân viên của Đức Giang mua cổ phiếu DGC như một tài sản để tích cóp, không quá quan tâm đến diễn biến giá cả hàng ngày vì phần lớn mọi người đều quyết tâm gắn bó với công ty cả đời.
“Từ ngày còn đi học, mỗi mùa hè về đây thực tập, tôi luôn bất ngờ vì mọi người ở công ty này sống tình cảm như gia đình. Họ đã công tác, làm việc cùng nhau hàng chục năm. Họ quan tâm một cách tình cảm, biết rõ về cuộc sống của nhau, coi công ty như gia đình và cống hiến cho gia đình đó. Tôi rất trân trọng và muốn giữ văn hóa ấy” – Ông Duy Anh kể lại.
Ông Duy Anh là thế hệ thứ 3 trong nhà làm việc tại Hoá Chất Đức Giang và Đức Giang là câu chuyện mà ông được nghe mỗi ngày từ khi sinh ra.
Mới đây, Đức Giang đưa ra quyết định yêu cầu tất cả nhân viên phải tan làm lúc 5 giờ chiều để đi tập thể thao, không được về nhà ngay mà cũng không được đi nhậu. Quyết định này nhằm mục đích nâng cao sức khỏe cho tất cả nhân sự.
TGĐ Đức Giang cũng tiết lộ, dù các công ty chi nhánh ở khu mỏ không có nhu cầu nhân sự nữ, nhưng Đức Giang vẫn tạo điều kiện tuyển dụng vợ của các nhân sự nam vào làm việc, cũng như cho thuê căn hộ chung cư rộng 72m2 với giá 1 triệu đồng để các gia đình được sống cùng nhau.
“Nghĩ xa ra một chút, mọi người phải có sức khỏe thì mới làm được lâu với mình. Và nếu vợ con họ không hạnh phúc thì họ cũng không thể gắn bó với công ty được” – Ông Duy Anh nhấn mạnh.
Cùng với kết quả kinh doanh và cuộc sống của nhân sự thì điều “thực chất” còn lại của doanh nghiệp được ông Duy Anh nói đến là bảo vệ môi trường. Đối với một công ty hóa chất, chi phí xử lý chất thải là khoản chiếm tỷ trọng lớn.
Đức Giang đã chi trên 500 tỷ để xây dựng những công trình bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn. Cho đến hiện tại, toàn bộ các ống khói phát thải của doanh nghiệp này đã được đo thông số online, kết nối thẳng 24/7 đến Sở Tài nguyên môi trường của tỉnh để kiểm soát.
Riêng về chất thải rắn, thông thường các doanh nghiệp xử lý bằng cách đem chôn ở bãi thải theo quy định, phải trả tiền cho bãi thải cùng các chi phí đổ thải. Đức Giang đã bỏ ra tầm 200 tỷ đồng để nghiên cứu cách xử lý chất thải rắn thành sản phẩm cho ngành xi măng, thạch cao, sản xuất gạch không nung…
Đến nay, 100% chất thải rắn từ quá trình sản xuất phốt pho và 50% từ quá trình sản xuất phân bón đã được xử lý theo hướng không đổ bỏ ra bên ngoài. Đức Giang đang tìm phương án để nâng tỷ lệ xử lý lên 100%.
Khi gia đình ông Đào Hữu Huyền tham gia mua cổ phần của Hóa Chất Đức Giang, doanh thu của công ty chỉ khoảng 15 tỷ/năm. Giờ đây, đó là một công ty có vốn hóa tỷ đô với doanh thu năm 2022 dự kiến là 15.000 tỷ đồng, tăng 1.000 lần.
Đúc kết những điều đã làm nên hành trình 16 năm thành công đó, ông Duy Anh cho rằng, yếu tố đầu tiên là tầm nhìn của người lãnh đạo. Từ tầm nhìn của người lãnh đạo, định hướng phát triển của công ty, chính sách xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng như điều kiện làm việc cho người lao động, Đức Giang mới thu hút được những nhân sự chất lượng. Và nhờ con người tài năng mà công ty có công nghệ đột phá để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho mình.
“Nhiều khi tôi nghĩ, việc đào tạo tôi từ bé đến lớn đều học Hóa và sống trong môi trường hóa chất cũng nằm trong chiến lược dài hơi của “cụ”, để khi về đây làm, tôi không hề bỡ ngỡ mà bắt nhịp mọi thứ rất nhanh” - TGĐ Đức Giang chia sẻ - “Giờ tôi cũng đào tạo bọn trẻ con nhà mình như vậy. Đi nhà máy, ngồi máy xúc từ nhỏ cho quen. Đức Giang làm chậm và chắc như vậy một phần cũng là để cho đời sau. Bung nhanh quá mà không quản lý được là… sập hết. Tôi là Đức Giang đời thứ ba, tôi phải cố gắng giữ đến đời 4, đời 5 trong 40-50 năm nữa chứ”.