Vy Tô (26 tuổi, sống tại TP.HCM) bắt đầu những chuyến du lịch một mình từ tháng 1/2022. Khi đó, cô chọn Đà Lạt - một thành phố đủ gần và đủ yên tĩnh cho tuýp người ngại giao tiếp.
Vy Tô từng nghĩ mình hướng nội. Cô không thường kết bạn với người lạ, lo ngại những phiền toái không đáng có. Nhưng rồi cứ một chuyến đi, cô càng nhận ra mình dễ dàng kết nối cùng mọi người.
Từ đó, cô tiếp nối hàng loạt hành trình độc hành đến Hà Giang, Hà Nội, Mai Châu (Hòa Bình), Phú Yên… Gần đây nhất, cô có chuyến trekking đến thác K50 (Gia Lai) và điểm cực Đông Tổ quốc (Mũi Đôi, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa).
Vy Tô luôn xuất phát một mình và chờ đợi xem có người bạn mới nào đang chờ mình tại điểm đến.
Kết nối
Theo báo cáo “Vietnam Travel Market Tracker” (Theo dõi thị trường du lịch Việt Nam) quý II/2023 của The Outbox Company, có tới hơn 83% du khách Việt Nam lựa chọn đi tự túc (không thông qua đơn vị lữ hành). Trong đó, xu hướng du lịch một mình (solo travel) cũng lên tới 26%, gấp đôi tỷ lệ hồi quý I cùng năm.
Đồng thời, báo cáo “Du lịch Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023” của công ty nghiên cứu thị trường du lịch và khách sạn nêu trên cũng chỉ ra cuộc sống bận rộn hơn là lý do khiến du lịch một mình phát triển. Không dễ sắp xếp được thời gian cùng đi du lịch với gia đình, bạn bè, nhiều người lựa chọn solo travel tránh việc bị phụ thuộc và phải chờ đợi.
Trước đó, theo số liệu năm 2019 của The Outbox Company, trong số khách du lịch một mình ở Việt Nam, 60% là phụ nữ. Họ ưu tiên trải nghiệm và kết bạn.
Quay trở lại với câu chuyện của Vy Tô, trong chuyến du lịch một mình đến Đà Lạt, cô thuê một homestay nhỏ cách chợ Đà Lạt khoảng 2 km. Sự tử tế của vợ chồng chủ homestay giúp cô dần mở lòng kết bạn với những người lạ trên hành trình.
“Biết tôi đi một mình, chủ nhà giúp đỡ rất nhiều. Buổi sáng, họ chuẩn bị cho tôi món ăn nóng hổi. Buổi trưa và chiều, họ cũng hỏi tôi có muốn ăn cùng không, thích món gì. Tôi cũng có cơ hội gặp gỡ, nướng BBQ với đoàn khách khác từ TP.HCM. Nếu đi với bạn bè, tôi không có cơ hội kết nối với nhiều người như vậy”, cô nói với Tri Thức - Znews.
Tương tự, với Phạm Nguyễn Tường Vi (24 tuổi, sống tại TP.HCM), những chuyến du lịch độc hành giúp cô có cơ hội gặp gỡ nhiều người bạn mới.
Tháng 9/2023, trên chuyến tàu hỏa từ Đà Nẵng đến Huế, Vi gặp Duyên - một người cũng ở TP.HCM và đi Huế một mình. Cả hai trò chuyện và đồng hành cùng nhau trong đa số thời gian ở cố đô.
“Bỗng dưng tôi có thêm một người bạn”, Tường Vi kể lại.
Cũng trên chuyến tàu, cô trở thành người trông trẻ khi gặp Thư - một bé gái 5 tuổi, cùng bố mẹ về quê.
Trước đó, Tường Vi có chuyến du lịch Malaysia một mình. Khi buổi tham quan đền Masjid Wilayah Persekutuan kết thúc, nữ hướng dẫn viên ôm cô để chào tạm biệt.
“Không hiểu sao một cái ôm từ người lạ làm tôi hạnh phúc đến bật khóc. Đôi khi cùng một nơi, cùng một trải nghiệm, nhưng cảm xúc khi đi cùng bạn bè và một mình hoàn toàn khác”, cô tâm sự.
Theo Tường Vi, điều thú vị của du lịch một mình là gặp những người chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến và lắng nghe những câu chuyện từ họ.
Hay như với Nghiêm Thu Hiền (27 tuổi, sống tại TP Đà Lạt), việc một mình đặt chân đến vùng đất mới khiến sức khỏe và tinh thần cô như được làm mới lại.
“Đến một nơi mình không biết ai, cũng không ai biết mình, bản thân tự khắc bộc lộ điều đang cần”, cô nói.
Từ năm 2017, Hiền bắt đầu du lịch một mình. Cô tham quan Nha Trang, Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, rồi đến Hà Nam, Ninh Bình.
Ấn tượng nhất với Hiền là chuyến đi Nha Trang và Quy Nhơn, nơi cô được hòa mình vào nhịp sống của người dân, cùng họ ăn cơm nhà và tìm hiểu về nghề truyền thống của miền biển.
Từ khi du lịch một mình, việc làm quen với những người lạ trở nên dễ dàng.
“Tôi như bước ra khỏi 'vỏ bọc'. Trước giờ tôi nghĩ mình không phải tuýp người hướng ngoại hay thích chia sẻ. Hóa ra việc tâm sự với người khác lại làm tôi vui đến vậy. Mỗi nơi đi qua, tôi đều quay lại vài lần để gặp lại những người từng gặp”, cô chia sẻ.
Tự do nhưng nhiều rào cản
Tự do làm mọi thứ, không phụ thuộc bất kỳ ai, cảm giác “cuộc đời do chính mình tạo ra” là những điều thôi thúc người trẻ du lịch một mình.
“Cái hay của những chuyến đi không người đồng hành là thoải mái về lịch trình. Buổi sáng, tôi có thể dậy thật sớm đón bình minh hoặc ngủ đến trưa mới mở mắt. Có lúc ra quán cà phê ngồi làm việc cả ngày, cũng có lúc xách xe máy dạo mọi ngõ ngách, không cần đợi nhóm bạn hay hỏi ý kiến ai. Nhưng sự tự do cũng có mặt trái”, Vy Tô nói.
Khi đi một mình, cô phải tự lên kế hoạch từ A-Z, mất khá nhiều thời gian để tìm chỗ nghỉ và chỗ chơi. Chi phí cũng đội lên cao vì tiền phòng, thuê xe, ăn uống… đều phải chịu 100%. Nếu chọn ở homestay, chi phí càng tăng vì mỗi phòng thường nhận tối thiểu 2 khách.
“Tôi thích khung cảnh hoang sơ nên quay lại Đà Lạt 4-5 lần. Đến một nơi mới, tôi muốn khám phá rất nhiều thứ nhưng vì sự an toàn nên đành bỏ lỡ. Thường tôi quay về homestay trước 20h chứ không dám ra đường một mình”, cô trải lòng.
Không riêng Vy Tô, Thu Hiền cũng phải “né” những nơi vắng vẻ khi đi du lịch một mình. Cô cho biết: “Du lịch với tôi là phải lên rừng xuống biển, khám phá khắp nơi. Nhưng tôi chỉ chọn những địa điểm đông người để giữ an toàn, dẫn đến trải nghiệm có phần hạn chế”.
Ngoài ra, việc trải nghiệm ẩm thực địa phương cũng khiến nhiều người trẻ lăn tăn. Các quán hầu như bán phần ăn từ trung bình đến lớn, đi một mình không thể ăn hết. Chưa kể, ngồi một mình trong quán dễ bắt gặp nhiều cái nhìn lạ lẫm, bữa ăn cũng trở nên gượng gạo.
Trong khi đó, nỗi lo lắng lớn nhất của Tường Vi là ngủ một mình ở chỗ lạ. Đôi khi, cô phải bật đèn cả đêm để cảm thấy yên tâm hơn. Thế nhưng, qua nhiều chuyến đi một mình, cô xem nỗi sợ là một trải nghiệm.
Nỗi sợ trong từng chuyến đi cho Tường Vi bài học về cách đón nhận sự giúp đỡ của mọi người, cách đối diện với cảm xúc và chuẩn bị cho chuyến đi sau suôn sẻ hơn.
“Du lịch một mình thật sự không cô đơn và đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Hành trình nào cũng có khó khăn, ngay cả đi với bạn bè. Cởi bỏ được những lắng lo, tìm hiểu thật kỹ về nơi mình muốn đến và lên lịch trình cẩn thận, chuyến đi sẽ thuận lợi”, cô bày tỏ.