Doanh nghiệp

Bộ mặt thật của quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Mất cân bằng quyền lực và bất bình đẳng giới được xem là nguyên nhân cơ bản của quấy rối tình dục nơi công sở, trong đó đa phần nạn nhân là phụ nữ.

Theo Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng (EEOC), quấy rối tình dục bao gồm những hành vi tán tỉnh tình dục không được hoan nghênh, yêu cầu quan hệ tình dục và các hành vi quấy rối bằng lời nói hoặc thể xác khác có tính chất tình dục ở nơi làm việc hoặc môi trường học tập.

Tại Việt Nam, khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động sửa đổi quy định: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là các hành vi có bản chất tình dục của bất cứ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.

Những con số

Cuộc khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Lloyd's Register (LRF) và Gallup vào năm 2022 đưa ra đánh giá toàn cầu đầu tiên về những trải nghiệm của 74.000 người lao động ở 121 quốc gia về 3 hình thức bạo lực hoặc quấy rối: thể chất, tâm lý và tình dục.

Kết quả khảo sát này cho thấy 23% người trưởng thành có việc làm cho biết họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực và quấy rối.

Phụ nữ có nhiều khả năng bị bạo lực và quấy rối tình dục hơn nam giới, chẳng hạn như động chạm; nhận bình luận, hình ảnh, email hoặc yêu cầu tình dục không mong muốn.

ILO nhấn mạnh rằng người trong độ tuổi 15-24, phụ nữ nhập cư, những người bị ảnh hưởng bởi sự phân biệt đối xử và phụ nữ làm công ăn lương là những nhóm nhân khẩu học có nhiều khả năng bị bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc nhất.

Cuộc khảo sát chỉ ra rằng gần một nửa số nạn nhân bị bạo lực/quấy rối tại nơi làm việc không báo cáo vụ việc. Khi được hỏi lý do, hầu hết tin rằng việc báo cáo chỉ lãng phí thời gian, lo sợ ảnh hưởng danh dự hoặc cảm thấy các thủ tục hiện tại không rõ ràng.

Các khảo sát cho thấy đa phần nạn nhân của quấy rối tình dục nơi làm việc là phụ nữ.

Tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu, khảo sát chính thức về tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Theo nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc vào năm 2013 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của ILO, đa số nạn nhân bị quấy rối tình dục là nữ (tỷ lệ 78,2%) và ở độ tuổi 18-30.

Năm 2014, nghiên cứu do Tổ chức ActionAid Việt Nam thực hiện với hơn 2.000 phụ nữ và trẻ em gái ở Hà Nội, TP.HCM cho kết quả "nơi làm việc thường xuyên diễn ra hành vi quấy rối".

Mỗi nhóm nghề nghiệp và mỗi nhóm tuổi khác nhau thường gặp phải những hành vi quấy rối tình dục khác nhau. Nghiên cứu chỉ ra rằng, 73% học sinh, sinh viên trong độ tuổi 16-23 thường gặp phải hành vi huýt sáo trêu ghẹo. Trong khi đó, công chức nhà nước thường bị bình luận về hình thức bên ngoài hoặc về cơ thể họ và nhân viên văn phòng chủ yếu bị quấy rối bằng những tin nhắn, email, hình ảnh và đôi khi bằng lời nói có mục đích ve vãn, tán tỉnh.

Nguyên nhân và giải pháp

Để ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, điều quan trọng là phải hiểu được những nguyên nhân cơ bản dẫn đến quấy rối tình dục. Khái niệm mất cân bằng quyền lực và bất bình đẳng giới là trọng tâm để lý giải vấn đề.

Một số nghiên cứu thậm chí nhấn mạnh rằng quấy rối tình dục thực chất là "biểu hiện của quan hệ quyền lực". Giáo sư Sara Charlesworth, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về bất bình đẳng giới ở nơi làm việc, cho biết: "Khi bạn có những mối quan hệ quyền lực không bình đẳng, trong một tổ chức hoặc trong một ngành nghề rộng hơn, thì bạn có nhiều khả năng gặp phải các vụ bạo lực hoặc quấy rối hơn".

Ngay cả những trường hợp nam giới báo cáo bị quấy rối tình dục, họ cũng có sự mất cân bằng quyền lực giới tính cơ bản. "Thông thường, họ bị coi là không có đủ nam tính cho công việc hoặc nơi làm việc đó", bà Charlesworth nói.

Bất bình đẳng, mất cân bằng quyền lực có thể là nguyên nhân sâu xa của quấy rối tình dục nơi công sở.

Còn bất bình đẳng giới được xem là động lực chính hoặc nguyên nhân cơ bản dẫn đến quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Bất bình đẳng giới xảy ra khi quyền lực, cơ hội và nguồn lực không được chia sẻ đồng đều giữa các giới trong xã hội. Nhiều năm qua, phụ nữ đã gia tăng sự hiện diện tại nơi làm việc, nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự bình đẳng. Điều này thể hiện ở khoảng cách tiền lương, cơ hội thăng tiến hay khả năng nắm giữ các vị trí lãnh đạo giữa nam và nữ.

Tất cả dẫn đến việc phụ nữ thường xuyên bị quấy rối hơn vì họ thường có ít quyền lực hơn nam giới ở nơi làm việc.

Ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi làm việc không chỉ là thay đổi hành vi của các cá nhân, mà còn cần thay đổi văn hóa và môi trường nơi làm việc. Điều quan trọng là phải nhận ra các vấn đề mang tính hệ thống, bối cảnh thúc đẩy những hành vi này để ngăn chặn ngay từ đầu.

UN Women, cơ quan của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đề xuất 4 hành động để xây dựng nơi làm việc không có quấy rối tình dục:

- Xây dựng chính sách chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Người sử dụng lao động có nghĩa vụ quan tâm đến việc bảo vệ nhân viên thông qua các chính sách rõ ràng và toàn diện nhằm hỗ trợ nạn nhân và thúc đẩy môi trường an toàn.

- Tạo nơi làm việc an toàn thông qua cộng tác: Chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan khác phải hợp lực để xây dựng nơi làm việc không có mọi hình thức bạo lực, lạm dụng, quấy rối và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

- Tiến hành nghiên cứu về bạo lực trên cơ sở giới tại nơi làm việc: Nghiên cứu và thu thập dữ liệu về bạo lực trên cơ sở giới là cần thiết cho các nỗ lực phòng ngừa, ứng phó và vận động chính sách.

- Trao quyền cho người lao động bằng cách xây dựng năng lực: Cần có những sáng kiến, chương trình tích cực giải quyết vấn đề bạo lực và quấy rối tình dục ở nơi việc làm, thúc đẩy môi trường an toàn không có thành kiến. Trên thực tế, điều này sẽ giúp nhân viên được trao quyền và có đầy đủ thông tin, công cụ và khuôn khổ để thăng tiến trong sự nghiệp bất kể giới tính của họ.

Ảnh: iStock

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/bo-mat-that-cua-quay-roi-tinh-duc-tai-noi-lam-viec-post1471083.html