Thị trường ôtô Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn tương đối khó khăn. Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy dù doanh số cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiêu thụ xe của người Việt ở tháng đầu năm 2024 đã thấp hơn kỳ báo cáo liền trước đến 50%.
Giữa bối cảnh chậm chạp chung của thị trường, các hãng xe tại Việt Nam đang phải tìm cách thích ứng bằng nhiều phương án khác nhau.
Hạ giá xe, đua ưu đãi
Ngay trong tuần đầu năm, Toyota đã thông báo áp mức giá niêm yết mới cho các dòng xe Toyota Raize, Toyota Yaris Cross đồng thời bổ sung nâng cấp cho Toyota Fortuner và điều chỉnh giá niêm yết của mẫu SUV cỡ lớn.
Sau điều chỉnh, Toyota Raize tại thị trường Việt Nam hiện có giá niêm yết 498 triệu đồng, thấp hơn 58 triệu đồng so với giá bán cũ và được đánh giá dễ tiếp cận hàng đầu phân khúc SUV hạng A. Trong khi đó, mức giá mới 650-765 triệu đồng dành cho Toyota Yaris Cross cũng được nhiều khách hàng đánh giá là dễ chịu hơn so với khoảng giá 730-838 triệu đồng ở giai đoạn đầu ra mắt.
Mazda cũng đôi lần điều chỉnh giá bán cho các mẫu xe của mình tại thị trường Việt Nam theo những chiều hướng khác nhau. Điển hình là Mazda2 biến thể sedan khi giá niêm yết vừa giảm xuống còn 410 triệu đồng ở phiên bản Tiêu chuẩn đã nhanh chóng tăng lên thành 420 triệu đồng trong đợt điều chỉnh đầu năm.
Toàn bộ phiên bản Mazda CX-5, Mazda CX-3 và Mazda CX-30 có giá niêm yết tăng thêm 10 triệu đồng. Trong khi đó, bán tải Mazda BT-50 lại được điều chỉnh giá niêm yết giảm đi 30 triệu đồng ở cả 2 phiên bản.
Cá biệt, 2 phiên bản Mazda2 Sport sau các đợt điều chỉnh giá bán liên tiếp đã tăng thêm 38-43 triệu đồng so với thời điểm cuối năm ngoái, hiện dao động từ 517 triệu đến 562 triệu đồng.
Xu hướng điều chỉnh giá bán lẻ đề xuất của các hãng xe tại Việt Nam thậm chí cũng ảnh hưởng đến mẫu xe tân binh vốn còn chưa kịp ra mắt thị trường.
Mới đây, Mitsubishi thông báo áp dụng mức giá ưu đãi dành cho khách hàng đặt cọc sớm các phiên bản của mẫu SUV đô thị Xforce. Từ khoảng giá 620-699 triệu đồng, gương mặt mới trong phân khúc SUV cỡ B hiện có giá niêm yết 599-680 triệu đồng.
Hyundai cũng nhanh chóng điều chỉnh giá niêm yết của Creta trước sức ép tạo ra từ Toyota Yaris Cross và Mitsubishi Xforce. Giá niêm yết mẫu SUV cỡ B thương hiệu Hyundai được giảm cao nhất 41 triệu đồng, đưa giá xe Hyundai Creta bản Tiêu chuẩn về mốc 599 triệu đồng, trong khi bản Cao cấp cũng có giá bán mới là 699 triệu đồng.
Song song với chính sách hạ giá niêm yết, không ít hãng xe từ phổ thông đến cao cấp cũng triển khai ưu đãi, khuyến mại nhằm hỗ trợ một phần ngân sách mua xe cho khách hàng, hướng đến kích cầu và gia tăng doanh số.
Trong số này, Honda CR-V các phiên bản G và L sản xuất trong năm 2023 sẽ được hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, cộng với 30 triệu đồng tiền mặt hoặc một năm bảo hiểm thân vỏ. Honda City có số VIN 2023 cũng được hỗ trợ tối đa 100% lệ phí trước bạ kèm ưu đãi 30 triệu đồng tiền mặt hoặc một năm bảo hiểm thân vỏ, tùy phiên bản.
Các mẫu xe nhập khẩu như Honda HR-V, Honda Civic và Honda Accord cũng được hãng xe Nhật Bản áp dụng ưu đãi tương đương 50% lệ phí trước bạ cùng quà tặng đi kèm.
Suzuki cũng triển khai ưu đãi tối đa 100% lệ phí trước bạ dành cho toàn bộ ôtô du lịch tại thị trường Việt Nam. Mức ưu đãi cao nhất 89 triệu đồng thuộc về Ertiga Hybrid bản MT, trong khi Suzuki Swift có giá trị ưu đãi thấp nhất, tương đương 40 triệu đồng. Theo Việt Nam Suzuki, toàn bộ quà tặng trong đợt khuyến mại lần này đều có thể quy đổi thành tiền mặt.
Bên cạnh các hãng xe phổ thông, Mercedes-Benz Việt Nam mới đây cũng thông báo áp dụng ưu đãi cho khách hàng mua các dòng xe sang của thương hiệu được sản xuất trong năm cũ.
Các mẫu xe thuộc dòng C-Class hiện có giá khuyến mại từ 1,388 tỷ đến 1,888 tỷ đồng, tương đương mức giảm 210-260 triệu đồng tùy phiên bản. Đối với Mercedes-Benz E, giá trị ưu đãi rơi vào khoảng 270-320 triệu đồng và đưa giá xe về mức 1,888-2,888 tỷ đồng.
Mercedes-Benz cũng giảm giá cho toàn bộ phiên bản của mẫu SUV 7 chỗ hạng sang GLE của hãng trong đợt khuyến mại này. Cả 3 phiên bản đều được giảm 669 triệu đồng, đưa giá xe về khoảng 3,889-3,999 tỷ đồng.
Mẫu xe được Mercedes-Benz Việt Nam áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong đợt khuyến mại này là GT 53 4MATIC Couple FL với giá trị khuyến mại 719 triệu đồng. Sau khi ưu đãi, giá bán của mẫu coupe thể thao này đang xấp xỉ ở mức 5,999 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Mercedes-Benz Việt Nam cho biết giá trị ưu đãi nói trên chỉ áp dụng cho các xe sản xuất trong năm 2022. Phần lớn xe khuyến mại được nhập khẩu với số lượng giới hạn, thậm chí một số mẫu gần như không còn đủ màu sắc và phiên bản trong kho.
Hạn chế nhập xe, giảm sản lượng
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 2 ước tính có khoảng 15.900 ôtô xuất xưởng từ các dây chuyền lắp ráp và sản xuất tại Việt Nam.
So với sản lượng 21.600 xe từng đạt được trong tháng đầu năm, hoạt động sản xuất ôtô tại Việt Nam theo ước tính đã sụt giảm gần 26,4% ở tháng 2.
Tính lũy kế từ đầu năm, tổng sản lượng ôtô nội địa của Việt Nam ước đạt 37.500 xe các loại. Lượng ôtô lắp ráp trong nước của 2 tháng đầu năm nay chỉ tương đương 90,2% sản lượng từng đạt được ở cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng đầu năm, Việt Nam đã hoàn tất nhập khẩu 6.955 ôtô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch vượt hơn 145 triệu USD. So với tháng 1/2023, ôtô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam đã giảm 51,8% về lượng và thấp hơn 53,7% về tổng giá trị kim ngạch.
Trước tình hình suy yếu của nhu cầu thị trường Việt, nhiều khả năng động thái hạn chế nhập khẩu cũng như giảm sản lượng xe nội địa mà các hãng xe đưa ra nhằm hướng đến mục tiêu hạn chế lượng tồn kho, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng khi thị trường cho thấy dấu hiệu phục hồi.
Khi trao đổi với Tri thức - Znews, Toyota Việt Nam nhận định 3 tháng đầu năm là giai đoạn nhu cầu thị trường ở mức thấp hơn so với các tháng còn lại trong năm. Những tháng đầu năm 2024 thậm chí còn ảnh hưởng nhiều hơn bởi phần đông khách hàng ưu tiên mua xe trong năm 2023, thời điểm chính sách ưu đãi phí trước bạ dành cho xe lắp ráp còn hiệu lực.
Trong khi đó, TC Motor lại nhận định tháng đầu năm 2024 trùng với thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Điều này gây ra tâm lý hạn chế mua sắm ở khách hàng, dẫn đến doanh số của ôtô thương hiệu Hyundai nói riêng cũng như toàn thị trường xe Việt nói chung bị suy giảm.
TC Motor cũng kỳ vọng sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, thị trường ổn định trở lại dẫn đến doanh số tăng trưởng cao hơn, không chỉ cho tháng 2 mà cả phần còn lại của năm 2024.
Năm ngoái, nguồn cung ôtô bao gồm xe lắp ráp trong nước và ôtô nhập khẩu từng trồi sụt khá mạnh trong các tháng đầu năm. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi phí trước bạ dành cho xe lắp ráp trong nước đã trở thành chất xúc tác hiệu quả, khiến hoạt động sản xuất ôtô nội địa phục hồi và tăng trưởng mạnh trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.
Do vậy, dù toàn thị trường ôtô Việt Nam đang phải đối diện với một khởi đầu tương đối chậm chạp, việc các hãng xe chủ động thích ứng với tình hình khó khăn là tín hiệu khả quan cho thấy thị trường xe Việt sẽ sớm tìm lại sự sôi động.
Dù nền kinh tế còn tương đối khó khăn dẫn đến những tác động không nhỏ lên khả năng chi tiêu của khách hàng, việc các hãng xe mạnh tay ưu đãi, giảm giá ôtô có thể sẽ giúp phục hồi nhu cầu thị trường, kích thích sức mua và gia tăng doanh số.