Công nghệ

Các nhà xuất bản đang ứng dụng nền tảng công nghệ nào cho sách điện tử

Một số nhà xuất bản xây dựng nền tảng riêng cho sách số, trong khi nhiều đơn vị kết hợp với Waka, Fonos... để phát hành sách điện tử, sách nói.

Bạn trẻ trải nghiệm thiết bị đọc sách số tại triển lãm của NXb Chính trị quốc gia Sự thật. Ảnh: Thụy Trang.

Với tầm nhìn đẩy mạnh số hóa ngành xuất bản, các đơn vị làm sách được khuyến khích mạnh dạn làm sách điện tử. Có đơn vị lựa chọn liên kết với công ty công nghệ để bán bản quyền, triển khai làm sách điện tử, có đơn vị lại tự phát triển nền tảng riêng.

Dự kiến, thị trường sách điện tử thời gian tới được đa dạng hóa với phong phú đầu sách, phong phú loại hình từ e-book, sách nói đến sách tóm tắt.

Chủ động phát triển nền tảng riêng

Hưởng ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã chủ động số hóa sách lý luận chính trị, đầu tư xây dựng hạ tầng thông tin như thư viện điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản và phát hành sách điện tử, sách nói.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - từ năm 2021 đến nay, nhà xuất bản đã tổ chức ra mắt hơn 10 tủ sách điện tử như Tủ sách điện tử Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với khoảng 50 đầu sách, Tủ sách Nhà nước và pháp luật, Tủ sách thông tin đối ngoại...

Đặc biệt, các ấn phẩm sách giấy, nhà xuất bản cũng in kèm mã QR-Code dẫn đến bản sách điện tử.

Năm ngoái, Nhà xuất bản cũng đã phát hành bản audio Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bản Audio này do đội ngũ nhà xuất bản phối hợp với Học viện Báo chí & Tuyên truyền thực hiện, sử dụng giọng đọc của các giảng viên đang công tác. Trao đổi với Zing, đại diện nhà xuất bản cho biết thời gian tới, sẽ nỗ lực đẩy mạnh sách nói, để tăng lượng sách nói, tiếp cận nhiều độc giả hơn.

Chia sẻ tại Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản 2022, đại diện Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM cũng cho biết đã xây dựng hạ tầng ebook trên trang sachweb.vn, đồng thời có kế hoạch mở rộng hình thức kết nối với các đơn vị như Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn để liên kết phát hành sách điện tử.

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cũng cho biết đã phát triển hệ thống xuất bản trực tuyến ebook365.vn dành cho bất cứ nhà xuất bản nào có nhu cầu phát hành xuất bản phẩm điện tử nhưng không xây dựng hệ thống riêng. Hệ thống này được giới thiệu là hỗ trợ xuất bản sách điện tử theo mức độ từ đơn giản đến cao cấp, có thể gồm các nội dung đa phương tiện như audio, video, tương tác, với các định dạng Epub và PDF; ngoài ra còn có thiết lập bản quyền như không cho in, giới hạn số thiết bị đọc...

Được biết, nhà xuất bản này đang đầu tư nâng cấp hệ thống thành Nền tảng xuất bản điện tử, bổ sung tính năng mới.

Chia sẻ với Zing, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng - cho biết đơn vị này cũng dự định ra mắt app đọc truyện tranh e-manga riêng trong năm nay, phục vụ cho độc giả hiện đại có thể đọc nhiều truyện trên một thiết bị điện thoại.

Hình minh họa: Audible.

Phát hành sách điện tử qua đối tác liên kết

Trong thời gian đó, Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn hợp tác với Waka để làm e-book và với Voiz FM, Fonos để phát hành sách nói. Liên kết với công ty công nghệ, thực tế, là lựa chọn được nhiều đơn vị làm sách ưu tiên không kém.

Theo bà Nguyễn Minh - Tổng biên tập Thái Hà Books, kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, người dân dành thời gian ở nhà và đọc sách nhiều, việc mua sách giấy lại không thuận tiện, nhiều người đã chọn đọc sách điện tử. Chính trong thời gian này mà ngành xuất bản có động lực chuyển đổi số nhanh chóng.

“Chúng tôi cũng không nằm ngoài xu thế phát triển của thị trường. Tuy nhiên định hướng của chúng tôi là phát hành có chọn lọc, tức là chọn lọc đối tác hợp tác và chọn lọc thể loại sách", bà Nguyễn Minh chia sẻ. Bà cho biết hiện tại, Thái Hà Books hợp tác với các đơn vị phát hành sách số như Fonos, Voiz FM (WeWe) và Waka, cho rằng đây là những đối tác liên kết uy tín.

Bà chia sẻ: "Chúng tôi kỳ vọng năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của sách số và việc đầu tư phát triển thể loại sách này chắc chắn là một trong những mục tiêu lớn của Thái Hà Books”.

Thị trường xuất bản điện tử tăng trưởng mạnh trong năm 2022 (tăng trưởng 59% so với năm 2021 với 3.200 đầu sách điện tử được xuất bản và khoảng 15 triệu lượt người dùng, theo thống kê của Cục Xuất bản). Nhiều người làm xuất bản cho rằng ta hoàn toàn có thể trông đợi vào một năm bùng nổ hơn nữa ở thị trường tiềm năng này.

Nhìn chung, khi lựa chọn đối tác làm sách điện tử, sách nói, Fonos, Voiz FM (WeWe) và Waka là 3 đơn vị được nhiều công ty phát hành tin tưởng.

Chia sẻ tại Hội thảo giới thiệu các nền tảng số hỗ trợ cho xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử tại TP.HCM, đại diện ứng dụng sách nói Voiz FM cho biết trong năm vừa qua, trung bình mỗi người dùng nghe trên 6 cuốn sách/năm, tương đương với số sách trung bình của người Việt Nam trong 2022.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Zing, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đã bày tỏ niềm tin vào các nội dung số, đặc biệt là âm thanh số. Ông nhận xét: "Chỉ trong thời gian ngắn, sách nói đã có bước phát triển rất mạnh. VoizFM tăng trưởng gấp 5 lần, Fonos cũng tăng 3-5 lần, Waka cũng có bước nhảy mạnh… Ngoài ra, có cả những đơn vị mới nổi, đang dần thu hút được sự chú ý của độc giả. Điều này cho thấy những cơ hội, những tiềm năng để các nhà đầu tư công nghệ bước vào thị trường xuất bản".

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/cac-nha-xuat-ban-dang-ung-dung-nen-tang-cong-nghe-nao-cho-sach-dien-tu-post1406346.html