Công nghệ

Cái giá rẻ mạt cho trí thông minh của ChatGPT

Đằng sau chatbot AI hay robot giao hàng là đội ngũ nhân công với chi phí 0,9 USD/giờ và khối lượng công việc khổng lồ.

Được ra mắt vào cuối năm 2022, ChatGPT là trí tuệ nhân tạo có khả năng cung cấp thông tin và trả lời câu hỏi dựa trên việc tập hợp những kiến thức có sẵn.

Sự vượt trội của ChatGPT là đưa ra được câu trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, cũng như thực hiện các công việc phức tạp như lời khuyên y tế, phân tích thị trường, viết luận văn hay lập trình… Nhiều cuộc tranh luận sôi nổi về tác động của AI, cho rằng công nghệ tự động sẽ thay đổi thị trường việc làm.

Chatbot AI và robot giao hàng được cho là sẽ thu hẹp cơ hội việc làm trong tương lại. Ảnh: Business Insider.

Thông điệp "AI sẽ lấy đi cơ hội việc làm" ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, và thậm chí còn được thúc đẩy khi những video về cửa hàng McDonald's và Taco Bell tự động hóa thu hút gần 53 triệu lượt xem trên Twitter.

Đằng sau bức tranh

Mặc dù vậy, trong nhiều trường hợp, những video cùng nỗi sợ hãi mà chúng gây ra về viễn cảnh AI sẽ thay thế loại người, lại thiếu ngữ cảnh quan trọng.

Chẳng hạn như video của McDonald's là một cửa hàng được thử nghiệm bên ngoài Fort Worth, Texas với mục đích cải thiện tốc độ, sự chính xác của dịch vụ bằng cách tách biệt mối quan hệ giữa nhân viên và khách hàng.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với chuyện không có ai trong cửa hàng. Nếu để ý kỹ video, người dùng có thể dễ dàng nhận thấy vẫn có nhân viên ở phía sau một ô kính.

Cửa hàng mới của McDonald's không cần nhân viên đưa đồ ăn cho khách hàng. Ảnh: McDonald's.

Phía McDonald's sau đó cũng thừa nhận cửa hàng này không "hoàn toàn tự động" và vẫn có một số lượng nhân viên tương tự như cửa hàng truyền thống.

Đội ngũ nhân viên chỉ ở phía sau làm thức ăn và duy trì hoạt động mọi thứ. Dù thực tế là khách hàng có thể sẽ không còn nhìn thấy nhân viên Taco Bell tại cửa hàng mới này, vẫn có rất nhiều người làm việc trong khu bếp.

Ngay cả khi những công cụ này có thể phức tạp hơn, thì đây cũng không phải lần đầu những thứ do robot điều khiển gây lo ngại. Chưa đầy 10 năm trước, những phát triển mới trong công nghệ đã làm dấy lên nỗi sợ hãi tương tự rằng robot sẽ thay thế con người làm việc.

Một phân tích năm 2014 ước tính rằng việc tự động hóa sẽ giảm 47% tổng số việc làm vào năm 2034 và nhu cầu về tài xế taxi và giao hàng của con người sẽ không còn với công nghệ tự lái. Những tài xế xe tải đường dài cũng được cho là sẽ hết thời.

Công nghệ tự lái từng được dự đoán sẽ là dấu chấm hết cho nhu cầu tuyển dụng tài xế, nhưng cho đến nay chúng vẫn chưa được cấp phép chính thức. Ảnh: Bloomberg.

Nhưng gần một thập kỷ sau, những dự báo thảm khốc này vẫn chưa xảy ra. Các công ty vẫn có nhu cầu tuyển thêm tài xế xe tải, trong bối cảnh công nghệ tự lái còn chưa được cấp phép và không thể thay thế công việc của con người.

Trên thực tế, báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2020 ước tính 85 triệu việc làm sẽ bị thay thế bởi máy móc năm 2025. Tuy nhiên, đổi lại sẽ có thêm 97 triệu việc làm được tạo ra trong nền kinh tế mới.

Con người vẫn làm chủ công nghệ

Mọi người thường bỏ quên một sự thật rằng máy móc dù thông minh đến đâu vẫn cần một đội ngũ nhân công đằng sau để hoạt động.

Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp đã cố gắng cắt giảm chi phí bằng cách thay thế tổng đài viên bằng các chatbot có thể trò chuyện tự động với khách hàng.

Tuy nhiên, các chatbot này không hoàn toàn thay thế nhân viên chăm sóc khách hàng. Trong các tình huống phức tạp cần sao lưu hoặc sửa lỗi, con người vẫn phải can thiệp trực tiếp.

Laura Preston, một nhân viên hỗ trợ chatbot Brenda tại một công ty ở New York, cho biết việc cố gắng trả lời một loạt câu hỏi tự động đã dẫn đến tổn thất tinh thần nghiêm trọng.

Những chatbot AI không hoàn toàn tự động mà vẫn cần sự can thiệp của con người với những tác vụ phức tạp. Ảnh: Roberto Marossi.

"Những ngày tháng đóng giả Brenda đã làm cạn kiệt nguồn cảm xúc của tôi. Tôi chợt nhận ra rằng bản thân không thực sự huấn luyện Brenda suy nghĩ như một con người mà ngược lại, Brenda đang huấn luyện tôi suy nghĩ như một con robot. Có lẽ đó mới chính là điểm mấu chốt trong suốt thời gian qua", Preston nói.

Theo Business Insider, trong nhiều trường hợp, việc tự động hóa chỉ là cách để công ty cắt giảm nhân sự hiện tại để có thể thuê ngoài những nơi có giá lao động rẻ hơn.

Robot giao đồ ăn là ví dụ điển hình. Mặc dù chúng được mô tả là hoàn toàn tự động, nhưng thực tế vẫn luôn được điều khiển từ xa. Tiny Mile, người điều hành một dịch vụ ở Toronto có tên Geoffrey, tiết lộ những chú robot này phụ thuộc hoàn toàn vào các nhân viên từ Philippines.

Trong khi đó, robot giao hàng Kiwibots được sử dụng trong một số trường đại học ở Mỹ, sử dụng công nhân ở Colombia điều khiển từ xa với mức lương dưới 2 USD/giờ.

Nhiều công ty hàng đầu đang phát triển phương tiện tự lái, từng đe dọa một ngày nào đó sẽ thay thế hàng loạt công việc lái xe, thực chất hoàn toàn dựa vào đội ngũ công nhân giấu mặt.

Đằng sau những dịch vụ giao hàng tự động là đội ngũ nhân viên điều khiển từ xa trên khắp thế giới. Ảnh: Adobe Stock.

Vẫn có những kỹ sư được trả lương cao ở Mỹ để phát triển phần mềm và công cụ lập bản đồ và hướng dẫn ôtô, nhưng đó không phải là bức tranh toàn cảnh.

Công nghệ xe tự hành thực tế phụ thuộc rất lớn vào những người lao động được trả lương thấp trên khắp thế giới chỉ để "dán nhãn" cho hàng nghìn dữ liệu đầu vào mà các cảm biến của ôtô thu được.

Nếu không có công tác phân loại dữ liệu từ con người, máy tính sẽ không thể xác định những gì các cảm biến đang thu nhận, thứ cho phép hệ thống tìm hiểu và đưa ra quyết định về cách điều hướng xe trên đường.

Một cuộc điều tra của MIT Technology Review vào tháng 4/2022 thậm chí còn phát hiện các công ty xe tự lái, bao gồm cả Tesla, đã lợi dụng sự sụp đổ của nền kinh tế Venezuela bằng cách thuê công nhân ở nước này "dán nhãn" cho dữ liệu xe tự hành với mức lương trung bình chỉ hơn 0,9 USD/giờ.

Để “dán nhãn” cho từ ngữ độc hại, OpenAI gửi hàng chục nghìn đoạn văn bản đến một công ty gia công phần mềm ở Kenya từ tháng 11/2021 có tên là Sama.

Hình ảnh minh họa những nhân viên da màu thực hiện dán nhãn dữ liệu, được tạo ra bởi AI Dall-E. Ảnh: Dall-E.

Công ty này có trụ sở ở San Francisco, nhưng dùng chủ yếu nhân lực tại Kenya, Ấn Độ và Uganda để dán nhãn cho dữ liệu của khách hàng từ Thung lũng Silicon như Google, Meta và Microsoft.

Nội dung của chúng như được lấy từ nơi tối tăm nhất của Internet. Nó chứa đầy các tình huống gợi về lạm dụng tình dục, thú tính, giết người, tự tử, tra tấn, tự làm hại bản thân và loạn luân.

Một nhân viên của Sama nói với Time rằng anh ta bị ám ảnh khi đọc mô tả hình ảnh về người đàn ông quan hệ với con chó trước mặt một đứa trẻ. Không chịu nổi tình trạng này, người đàn ông quyết định kết thúc công việc vào tháng 2/2022, sớm hơn 8 tháng so với hợp đồng.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/cai-gia-re-mat-cho-tri-thong-minh-cua-chatgpt-post1405262.html