Doanh nghiệp

Cái khó của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam

Cơ khí là ngành có những đặc thù riêng, đòi hỏi vốn đầu tư, nguồn nhân lực, kỹ thuật rất cao. Nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang gặp những khó khăn riêng, cần vai trò "bà đỡ"

Cầm trên tay một chiếc ốc vít, anh Đỗ Quang Hòa, quản lý một phân xưởng cơ khí ở tỉnh Bắc Ninh, vừa cười vừa nói việc dư luận cho rằng Việt Nam không thể sản xuất được đến chiếc ốc vít là rất "oan uổng" và "không công bằng" với ngành.

Cơ khí Việt Nam giờ đã có những bước phát triển rất nhanh, hoàn toàn có thể sản xuất được nhiều sản phẩm chất lượng cao, bằng những công nghệ tiên tiến hàng đầu. Song cái khó của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam là làm sao có sản lượng đủ lớn, giúp hạ giá thành, dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây chỉ là một trong rất nhiều cái khó của ngành cơ khí, một trong những ngành mang tính chất xương sống của nền kinh tế, trong khi Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam sớm có ngành công nghiệp cơ khí ngang tầm với các nước trong khu vực trong những năm tới.

Bài toán gia nhập thị trường

Anh Đỗ Quang Hòa đã có nhiều năm làm việc trong các xưởng cơ khí, từ lớn đến nhỏ tại tỉnh Bắc Ninh. Anh nói rằng xưởng sợ nhất là thiếu đơn hàng. Khi doanh nghiệp đã đầu tư một lượng máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào, đào tạo được một số công nhân lành nghề, mà thiếu đơn hàng thì chi phí hoạt động tăng lên, giá thành sản phẩm khó cạnh tranh.

Tuy vậy, là quản lý một doanh nghiệp nhỏ, đơn vị của anh Hòa khó chủ động được đơn hàng, hoàn toàn phụ thuộc vào đơn hàng gia công của các doanh nghiệp lớn hơn. Bài toán vừa cân bằng chi phí sản xuất sao cho cạnh tranh nhất, vừa có đơn hàng để duy trì sản xuất thường xuyên làm anh Hòa đau đầu. Nhiều khi doanh nghiệp chấp nhận bán với giá thấp hơn giá thành chỉ để duy trì sản xuất.

Tình thế của doanh nghiệp anh Hòa cũng là điều mà hàng trăm doanh nghiệp cơ khí nhỏ và vừa ở Việt Nam gặp phải và lo lắng. Nhiều doanh nghiệp không thể "lớn" được do những rào cản gia nhập thị trường và phát triển.

Nhiều doanh nghiệp cơ khí không thể "lớn" được do những rào cản gia nhập thị trường và phát triển. Ảnh: Việt Linh.

Theo Bộ Công Thương, một trong những cái khó của ngành cơ khí là ngành có rào cản gia nhập thị trường lớn. Đây là những rào cản của tự nhiên do đặc thù của ngành như đòi hỏi nhiều vốn, đầu tư ban đầu lớn, thời gian quay vòng vốn dài, vốn luân chuyển chậm; đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao, người lao động có tri thức, tay nghề, kỷ luật lao động...

Ngoài ra, sản phẩm của ngành không phải dễ dàng phân phối, tiêu thụ như sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp khác. Trong thời gian qua, các điều kiện kinh tế - xã hội khách quan cũng như chủ quan của Việt Nam chưa thực sự thuận lợi cho việc phát triển ngành.

Bởi vậy mà các sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ có rất ít thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài.

Hiện tại, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất cơ khí nội địa rất khó trở thành nhà thầu phụ cung cấp máy móc, thiết bị cho các dự án đầu tư lớn như nhiệt điện, thép, hóa chất, hạ tầng giao thông...

Một xu hướng nguy hiểm hơn là, mặc dù tỷ lệ số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành cơ khí trên tổng số doanh nghiệp các ngành chế biến chế tạo khá cao (gần 30%), tuy nhiên tỷ lệ giá trị doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cơ khí so với toàn ngành chế biến, chế tạo khá thấp và có xu hướng giảm qua các năm (giảm hơn 18%).

Điều này chứng minh hiệu quả đầu tư của toàn ngành cơ khí nhìn chung chưa cao, chưa thể hiện vai trò là nền tảng cho phát triển công nghiệp.

Các chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng

Theo hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, một cái khó nữa của ngành là thiếu vốn, thiếu thị trường, lãi suất cao chưa tạo điều kiện cho cơ khí phát triển. Hiện tại, các chính sách hỗ trợ dù đã có, việc thực thi còn chậm và chưa thực sự hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Muốn tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển, Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ”. Cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước. Nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước để có thể tạo thị trường cho doanh nghiệp trong nước phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.

Trong khi đó, trong một báo cáo năm 2020, Bộ Công Thương thừa nhận ngành cơ khí còn thiếu cơ sở dữ liệu thống nhất và đầy đủ, gây khó khăn cho việc tìm kiếm thông tin thị trường của các doanh nghiệp trong ngành.

Ngành cơ khí Việt Nam vẫn gặp những khó khăn nhất định, chưa tận dụng hết tiềm năng lợi thế. Ảnh: Việt Linh.

“Còn thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, giữa các cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để có thể triển khai các chương trình đào tạo lực lượng kỹ thuật lành nghề ngành cơ khí”, cơ quan này chia sẻ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cơ khí thuộc sở hữu Nhà nước có nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn tài chính, đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm… nhưng sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, lãng phí và thất thoát nguồn lực của nhà nước trong đầu tư.

Trong khi các doanh nghiệp cơ khí thuộc các thành phần kinh tế khác xuất phát điểm thấp, yếu kém nhưng đầu tư phát triển một cách chủ quan, tự phát và không theo định hướng, thiếu liên kết, thiếu hợp tác - đặc biệt là hợp tác giữa tổ chức tư vấn thiết kế và nhà chế tạo, giữa các doanh nghiệp chế tạo với nhau, dẫn đến tình trạng đầu tư chồng chéo, hiệu quả đầu tư kém, tạo ra các sản phẩm thiếu sự cạnh tranh và không có giá trị gia tăng cao so với sản phẩm ngoại nhập.

Nếu cái nào doanh nghiệp trong nước làm được, Thaco sẽ không phải đầu tư nữa. Chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, phát triển sản phẩm, sau đó quay lại liên kết với các doanh nghiệp khác cùng phát triển.

Huỳnh Quang Nhung, Phó tổng giám đốc Thaco Industries

Ở góc độ những doanh nghiệp nhỏ và vừa, anh Đỗ Quang Hòa cho rằng vẫn rất thiếu nhân lực chất lượng cao cho ngành cơ khí. Điển hình như việc nhà máy nhỏ của anh hàng năm phải mất rất nhiều công sức để tìm kiếm công nhân mới chịu gắn bó với nghề, trong khi giữ chân được họ lại càng khó hơn. Bởi nếu có nhân lực chất lượng cao, thì doanh nghiệp mới có thể đưa ra thị trường những sản phẩm khó, sản phẩm phức tạp. Nếu không thì rất khó giải được bài toán phát triển.

Ở tầm doanh nghiệp lớn hơn, ông Huỳnh Quang Nhung, Phó tổng giám đốc Thaco Industries, cho rằng Việt Nam vẫn còn khá yếu trong việc cung cấp nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng cho các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Ngoài ra, vấn đề thiếu liên kết trong chính các doanh nghiệp cơ khí với nhau cũng là bài toán khó.

"Rất may là gần đây, chúng tôi dần phát triển được những đối tác trong nước, họ hỗ trợ, sản xuất những sản phẩm phụ trợ cho Thaco Industries. Nếu cái nào doanh nghiệp trong nước làm được, Thaco sẽ không phải đầu tư nữa. Chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, phát triển sản phẩm, sau đó quay lại liên kết với các doanh nghiệp khác cùng phát triển", ông nói.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/cai-kho-cua-nganh-cong-nghiep-co-khi-viet-nam-post1388366.html