Dự án

Cận cảnh dự án 25.000 tỷ đồng của đại gia Nguyễn Cao Trí

Dự án hàng nghìn ha này sau hơn 13 năm cấp phép mới chỉ xây dựng vài hạng mục. Tuy nhiên, do bị bỏ hoang, các hạng mục đều đã xuống cấp, đất đai cũng dần xơ xác.

Mới đây, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã ban hành công văn đề nghị ngăn chặn giao dịch đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ông Nguyễn Cao Trí (53 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM).

Ông Trí được biết đến là doanh nhân sở hữu hàng loạt điểm ăn chơi sang trọng tại TP.HCM cũng như tham gia vào nhiều lĩnh vực như địa ốc, giáo dục... Tại Lâm Đồng, ông là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh - chủ đầu tư của Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án khu đô thị Nam Đà Lạt).

Khu đô thị có diện tích gần 3.600 ha, nằm trải dài trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan thuộc huyện Đức Trọng (trong đó diện tích thuê rừng trên 1.000 ha).

Đây cũng được xem là một trong những siêu dự án tại Lâm Đồng khi có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 25.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai từ năm 2010 đến 2018 với 6 phân khu chức năng, khi hoàn thành có quy mô dân số lưu trú thường xuyên gần 20.000 người.

Tuy nhiên, sau 13 năm được cấp phép xây dựng, đến nay dự án vẫn còn dang dở.

Hiện siêu dự án này mới xây được 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng của chuyên gia, hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20 km đường nội bộ và trồng hơn 10 ha rừng trên diện tích lấn chiếm đã được giải tỏa.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện các hạng mục trên đã xuống cấp trầm trọng, đa phần diện tích dự án bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Một số khu vực đã được đổ trụ bê tông cốt thép nhưng rồi cũng bỏ hoang.

Bên trong dự án chỉ có vài bảo vệ trông giữ và gần như không còn công nhân thi công.

Dự án cũng thành lập Ban quản lý rừng để quản lý diện tích rừng được giao, cho thuê. Tuy nhiên, hiện nơi này cũng đóng cửa và không có cán bộ nào làm việc.

Dù dự án thi công dang dở, chủ đầu tư đã để xảy ra tình trạng mất rừng, lấn chiếm đất rừng kéo dài nhiều năm, gây nhiều hệ lụy cho địa phương.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Lâm Đồng hồi 2018, trong dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt, tổng diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm hơn 166 ha (bị phá 140 ha, bị lấn chiếm gần 26 ha). Đến năm 2020, tình trạng này không được khống chế, mà còn tăng lên gấp đôi lên hơn 368 ha rừng bị phá và đất rừng bị lấn chiếm.

Tháng 9/2021, Sở Tài chính Lâm Đồng xác định dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt có 257 ha rừng bị mất, trong đó 140 ha được phê duyệt giá trị bồi thường tài nguyên rừng hơn 6,6 tỷ đồng và chủ đầu tư là Công ty Sài Gòn - Đại Ninh nộp đủ.

Đối với 116,7 ha rừng bị mất xác định giá trị bồi thường tài nguyên rừng là 12,1 tỷ đồng, chủ đầu tư không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị xem xét.

Trước đó, tháng 6/2020, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra 929 yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án. Tuy nhiên, đến tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ lại rút yêu cầu thu hồi này, UBND tỉnh hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/can-canh-du-an-25000-ty-dong-cua-dai-gia-nguyen-cao-tri-post1445508.html