Chủ trương giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) có từ năm 2010, với kinh phí đầu tư gần 2.500 tỉ đồng nhằm mục tiêu cải tạo môi trường sống cho hơn 300.000 người dân tại khu vực tiếp giáp nghĩa trang, gồm phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A của quận Bình Tân và phường Tân Quý, phường Sơn Kỳ, phường Phú Thọ Hòa của quận Tân Phú.
Thông báo di dời nghĩa trang được UBND quận Bình Tân đặt tại một số khu vực dễ nhìn thấy. Chính quyền yêu cầu thân nhân có mộ người thân chôn cất tại nghĩa trang đăng ký bốc mộ theo 3 giai đoạn. Đến nay đã vận động thân nhân bốc 29.789 mộ, còn lại 24.167 mộ chưa bốc.
Không chỉ là nơi an nghỉ của người đã khuất, nằm lọt thỏm giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa còn là một xóm trọ với khoảng hơn 10 hộ dân sinh sống hàng chục năm tại đây.
Họ chủ yếu là lao động phổ thông, một số hộ sống bằng nghề buôn bán ve chai, hàng rong hoặc bẫy chim, thú.
Người dân tận dụng đất còn trống để nuôi bò, gà xen kẻ những ngôi mộ chưa di dời.
Ông Công có hơn 30 năm ông sống trong căn nhà lá xập xệ bên trong nghĩa trang, làm bạn với những ngôi mộ. Trước đây, ông sống cùng vợ, từ khi vợ qua đời, người đàn ông này sống lủi thủi một mình. Nhiều năm trước, ông Công sống bằng nghề trông coi, chăm sóc hàng trăm ngôi mộ xung quanh nhà. Khi chính quyền có chủ trương di dời nghĩa trang, công việc của ông dần ít đi.
Thuê trọ tại khu vực này đã hơn 10 năm, ông P. thường mắc võng giữa khu nghĩa trang, bên cạnh những ngôi mộ để nghỉ trưa. "Lúc đầu tới đây tôi còn sợ, bây giờ quá quen thuộc nên thấy bình thường. Có khi đêm muộn tôi vẫn còn nằm ngoài này cho mát", ông P. bày tỏ.
Trẻ em từ xóm trọ vẫn vô tư đạp xe, chơi đá bóng, rượt đuổi bên những khoảng đất trống bên cạnh những ngôi mộ.
"Dạo này bốc mộ rầm rộ, chỉ có mộ vô danh thì mới còn lại nhiều. Ở đây lâu năm, lần đầu tôi chứng kiến cảnh tượng này", ông S., một cư dân của xóm trọ nói và cho biết 2 bố con ông thường ra nghĩa trang để hóng mát mỗi buổi tối.
Đây là ngôi mộ của bố chồng bà Kim Anh (58 tuổi, ngụ quận Tân Phú). Bà Anh đã nghe thông tin nghĩa trang giải tỏa để làm công viên, trường học hơn 10 năm trước và từng nhiều lần nói chuyện với chồng về phương án thủy táng hài cốt của bố chồng hoặc đem hỏa thiêu gửi tro cốt vào chùa, nhưng gia đình chưa đưa ra được quyết định cuối cùng.
Trong lần tới viếng mộ lần này, người phụ nữ có phần bất ngờ khi thấy hàng trăm ngôi mộ ở lối vào khu văn phòng của ban quản lý nghĩa trang đã được di dời. “Người đã khuất nằm xuống, tưởng mồ yên mả đẹp nhưng phải di dời thì gia đình tôi rất đau lòng. Nhưng Nhà nước tính thế nào thì mình phải theo, mong có phương án hợp lý về nơi an nghỉ của bố tôi sau này để gia đình được yên lòng”, bà Kim Anh nói.
Ghi nhận của Zing cho thấy nhiều phần mộ tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã được bốc. Mộ bốc xong để lộ những phần đất trống. Thời gian tới, UBND quận Bình Tân sẽ tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng để tìm thân nhân đến bốc mộ. Bên cạnh đó, địa phương cũng kiến nghị TP.HCM chủ trương bốc mộ theo diện vắng chủ.
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Ảnh: Google Maps.