Cảnh trái ngược tại các phố ẩm thực ở trung tâm TP.HCM dịp cuối tuần
Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền rơi vào cảnh ế ẩm, vắng vẻ khách sau 3 tháng hoạt động. Trong khi đó, phố Hồ Thị Kỷ và Vĩnh Khánh vẫn luôn đông đúc, náo nhiệt vào buổi tối.
Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (phường 1, quận 10) dài 300 m, nằm trong con hẻm nhỏ giữa hai con đường lớn là đường Lý Thái Tổ và đường Lê Hồng Phong. Đây là khu ẩm thực nổi tiếng ở TP.HCM, thu hút nhiều bạn trẻ vào mỗi tối, đặc biệt dịp cuối tuần.
Mở cửa từ 15h hàng ngày, phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ thu hút bởi nhiều món ăn đa dạng, mức giá bình dân chỉ 10.000-100.000 đồng/món. Bất cập lớn nhất của khu phố là diện tích nhỏ, lòng đường hẹp nên thường xảy ra tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm.
Anh Nam (chủ cửa hàng) cho biết khu phố nổi tiếng với các món ẩm thực đặc trưng như đồ chiên, nướng, nước giải khát... "Lãnh đạo UBND phường hỗ trợ an ninh, đồng thời có chủ trương bình ổn giá nên việc kinh doanh trong phố Hồ Thị Kỷ khá thuận lợi", người đàn ông vui mừng nói.
Bà Nguyễn Thị Lâm Tuyền, Chủ tịch UBND phường 1 (quận 10), cho biết trong thời gian tới, địa phương sẽ mở rộng thêm hẻm 382 Lê Hồng Phong và hẻm 51 Hồ Thị Kỷ để kéo dài không gian ăn uống tại phố ẩm thực này.
Được ra mắt vào năm 2018, phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4) cũng luôn trong cảnh đông đúc mỗi tối. Phố ẩm thực dài khoảng 1 km, tập trung hơn 170 hộ kinh doanh ăn uống. Du khách có thể gửi xe ngay ngoài cổng với giá 10.000 đồng/xe máy, 50.000 đồng/ôtô.
Khu phố nổi tiếng với các món nhậu, đặc biệt là hải sản. Đức Minh (25 tuổi, quận 7) cùng bạn bè chọn quán ốc vào ngày cuối tuần. "Tôi thường đến phố Vĩnh Khánh ăn uống lúc 19h vì muốn né khung thời gian đông nhất của các quán là 21-22h. Hầu hết cửa hàng đều có chỗ gửi xe miễn phí, rất tiện", Minh cho biết.
Anh Tuấn Ngọc (chủ quán ốc) cho hay bên cạnh khách địa phương, nhiều quán trên đường Vĩnh Khánh còn đón thêm du khách quốc tế, chủ yếu đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc. "Họ biết đến quán nhờ các tour du lịch hướng dẫn. Quán tôi có đến 5 menu với các ngôn ngữ khác nhau để cho hành khách tha hồ lựa chọn", anh Tuấn Ngọc chia sẻ.
Trái ngược với hai địa điểm trên, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu khách sau hơn 3 tháng mở cửa. Khu phố kéo dài từ giao lộ Điện Biên Phủ đến đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 4), thời gian hoạt động 18h-22h hàng ngày.
Lãnh đạo quận đã vẽ vạch màu xanh là vạch giới hạn, người dân có thể kê bàn ghế phục vụ khách ngồi ăn tại chỗ ở bên trong vạch (rộng 1,5 m tính từ lề đường). Tuy nhiên, một số chủ quán cho biết xe cộ đi qua thường lấn vào phần vạch xanh nên hành khách cũng e ngại, không dám ngồi lại trong khu vực.
Chị Nguyễn Hoan, quản lý một cơm gà trên đường Nguyễn Thượng Hiền, cho biết lượng khách giảm gần 50% so với thời điểm phố mới khai trương. "Quán của tôi đóng cửa sớm hơn thường lệ vì vắng khách. Có lẽ khi kinh tế ổn định, người dân sẽ tới quán nhiều hơn", chị Hoan tự trấn an.
Trong khung giờ tổ chức phố ẩm thực, tuyến đường này cấm xe 4 bánh lưu thông, xe 2 bánh lưu thông một chiều theo hướng từ đường Điện Biên Phủ ra đường Nguyễn Đình Chiểu. Một số du khách cho biết họ gặp khó khăn khi đi ăn uống ở phố Nguyễn Thượng Hiền do bãi gửi xe khu phố không có người trông, trong khi một số quán có diện tích quá nhỏ, chỉ thích hợp mua mang về.
Vị trí các phố ẩm thực ở TP.HCM. Ảnh: Google Maps.