Cầu vượt bằng thép đầu tiên tại Bình Dương chuẩn bị thông xe
Sau gần một năm thi công, cầu vượt thép đầu tiên tại tỉnh Bình Dương đã hoàn thành hầu hết hạng mục và sẵn sàng thông xe trong năm nay.
Cầu vượt thép ngã tư 550 được khởi công vào tháng 1/2022, có tổng mức đầu tư hơn 140 tỷ đồng, do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng tại điểm giao giữa đường ĐT 743 và đường ĐT 743B thuộc địa bàn TP Thuận An và TP Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương.
Đường ĐT 743 đoạn qua nút giao 550 là tuyến đường huyết mạch kết nối nhiều khu công nghiệp cũng như là điểm đầu mối đi Đồng Nai, TP.HCM. Do đó khu vực này thường xuyên kẹt xe nghiêm trọng, đặc biệt vào giờ cao điểm. Nhiều tài xế xe container chở hàng hóa qua đây cho biết họ phải mất rất nhiều thời gian để di chuyển qua giao lộ này.
Khi được đưa vào khai thác, công trình cầu vượt 550 được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài nhiều năm qua tại nút giao này, đồng thời tăng cường kết nối giữa tỉnh Bình Dương với TP.HCM.
Sau gần một năm thi công, dự án cầu vượt thép đã hoàn thiện toàn bộ các hạng mục, chờ hoàn thành nghiệm thu để thông xe. Cầu vượt được thiết kế với chiều dài 203 m, rộng 16 m với 4 làn xe, tuổi thọ của cầu khoảng 100 năm.
Bề mặt cầu đã được thảm nhựa, lắp đặt lan can, hệ thống đèn cao áp, thoát nước, vạch chỉ dẫn, biển báo...
Cầu vượt ngã tư 550 được thiết kế vận tốc 60 km/h, cấm các loại xe 2-3 bánh lưu thông.
Công trình có kết cấu thép liên tục, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép - khẩu độ lớn nhất 40 m bao gồm 5 nhịp.
Cầu được thiết kế gồm 4 trụ với tĩnh không cao nhất 4,5 m.
Cầu vượt thép 550 nằm trong dự án nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 743, đoạn từ ngã tư miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần, dài khoảng 1,2 km. Quy mô đầu tư 6 đến 8 làn xe, kết hợp cầu vượt và cải tạo nút giao Sóng Thần, nhằm giải quyết ùn tắc ở cửa ngõ giữa TP Dĩ An và TP Thuận An.
Sau khi cầu vượt thép thép đầu tiên thông xe, dự kiến tỉnh Bình Dương tiếp tục nghiên cứu xây dựng cầu vượt thép ở những nút giao thông quan trọng khác giúp giải quyết bài toàn giao thông theo kịp với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ở địa phương.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030, UBND Bình Dương có phương án mua lại một số trạm thu phí; tính toán xây dựng thêm một số cầu vượt thép, hầm chui tại các nút giao (ngã tư Chợ Đình, ngã năm Phước Kiến, ...) để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.