Tiêu tiền

Cha mẹ Trung Quốc ngày càng 'keo kiệt' với con

Khủng hoảng kinh tế, kéo theo sa thải hàng loạt buộc các gia đình Trung Quốc phải thắt lưng buộc bụng và cắt hết khóa học thêm thể thao, nghệ thuật của con.

Liu Hongyu từng có khoảng 70 học sinh tham gia lớp piano nhưng hiện tại con số chỉ còn 30. Ảnh: Reuters.

Chi tiền cho các hoạt động sau giờ học của con từng là điều rất bình thường và phổ biến ở các gia đình trung lưu một con tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phụ huynh nước này không còn muốn chi trả cho những hoạt động đó.

Lý do là thu nhập của nhiều người Trung Quốc đang suy giảm. Khủng hoảng kinh tế, kèm theo việc lương không tăng khiến những gia đình ở xứ tỷ dân phải suy nghĩ lại về câu chuyện tiêu dùng.

Tầng lớp trung lưu là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất nên họ buộc phải cắt giảm những chi tiêu không cần thiết, trong đó có các khóa piano, thể thao, hội họa... của con mình, theo Reuters.

Khủng hoảng kinh tế khiến trẻ em cũng bị ảnh hưởng vì bị "cắt" lớp học thêm. Ảnh: Sixth Tone.

Cha mẹ căng thẳng

Tháng 8/2023, Zhang Zhaolin (41 tuổi) đã phải cho con trai 10 tuổi nghỉ học ở lớp bóng đá yêu thích sau khi bà bị sa thải tại một công ty Internet của Trung Quốc.

Không riêng Zhang, hàng chục đồng nghiệp của bà cũng bị cho thôi việc trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

Thất nghiệp, gia đình người phụ nữ buộc phải cắt giảm mọi chi phí không cần thiết vì còn phải gánh khoản nợ mua nhà 30.000 nhân dân tệ (khoảng 4.100 USD) mỗi tháng.

"Chúng tôi có tiền tiết kiệm nhưng tôi không tự tin là tôi sẽ tìm được công việc với mức lương tương đương. Thậm chí tôi còn không chắc tôi có tìm được việc hay không", Zhang nói.

Không riêng bóng đá, các lớp học thêm về piano, khiêu vũ, bơi lội cũng đứng trước nguy cơ đóng cửa vì thiếu học sinh.

Liu Hongyu, giáo viên dạy piano ở Bắc Kinh, nhận thấy lượng học sinh giảm một nửa kể từ khi cô bắt đầu dạy học từ năm 2018.

Thời gian đầu, khi lượng học sinh dồi dào, Liu tuyển 2 giáo viên toàn thời gian và 2 giáo viên bán thời gian để phụ trách 70 học sinh. Nhưng hiện tại, cô đã phải trả mặt bằng để chuyển đến cơ sở nhỏ hơn và hiện chỉ còn 2 giáo viên bán thời gian làm việc.

Phụ huynh Trung Quốc cũng không còn chi tiền mạnh tay như trước. Liu cho biết trước đây, phụ huynh thường đóng học phí "cả cục" cho khóa học của con. Nhưng hiện tại, họ dè chừng hơn, cô giáo buộc phải cho phụ huynh đóng theo buổi với mức học phí khoảng 300-350 nhân dân tệ (tương đương 40-48 USD).

"Tôi đang lo vì không biết 30 học sinh hiện tại có đăng ký khóa học tiếp theo hay không", Liu chia sẻ.

Piano từng là biểu tượng của giới trung lưu Trung Quốc nhưng giờ cũng bị "thất sủng". Ảnh: Reuters.

Trung tâm khủng hoảng

Theo ThinkChina, ít nhất 30% trường và trung tâm dạy piano ở Trung Quốc đã phải đóng cửa từ cuối năm 2022 và con số này vẫn đang tăng lên.

Hai công ty bán đàn piano lớn nhất Trung Quốc là Pearl River và Hailun cũng thua lỗ kỷ lục vì các gia đình từ bỏ bộ môn "quý tộc" này.

Vào năm 2023, báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận của Pearl River giảm mạnh 90% và lợi nhuận của Hailun cũng giảm gần 25%.

Bàn về vấn đề này, phóng viên mảng tài chính Li Chochai nêu rằng đàn piano từng là biểu tượng địa vị của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc vào những năm 1980. Hồi đó, gia đình có cây đàn đồng nghĩa với việc nắm giữ tấm vé bước chân vào tầng lớp thượng lưu.

Chính phủ Trung Quốc cũng từng khuyến khích học sinh học piano thông qua các chương trình "ưu đãi" tuyển sinh đại học. Nhưng sau khi chính phủ cắt giảm chương trình tuyển sinh vào năm 2018, cùng với đó là suy thoái kinh tế hậu Covid-19, các gia đình cảm thấy không nhất thiết phải đầu tư vào piano nữa.

Ngoài câu chuyện khủng hoảng kinh tế, lệnh cấm học thêm của chính phủ cũng khiến những trung tâm dạy kèm, dạy năng khiếu bị ảnh hưởng.

Các trường học cũng được lệnh đóng cửa muộn, vì vậy phụ huynh bận đi làm có thể yên tâm gửi con ở trường thay vì cuống cuồng tìm chỗ cho con học thêm như trước đây.

Trong thời gian ở trường chờ cha mẹ đến đón, trẻ không phải tham gia tiết học nào, nhưng các em có thể tranh thủ làm bài tập về nhà để tiết kiệm thời gian buổi tối.

He Baosong, huấn luyện viên tại một câu lạc bộ bơi lội ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, cho biết cho biết trước đây giờ tan học ca chiều của học sinh là 15h30. Nhưng hiện tại, các em được ở trường đến 17h30. Đó chính là lý do trẻ gần như không có thời gian cho các lớp học thể thao và nghệ thuật như trước.

Với những huấn luyện viên như He, thời gian này thực sự khó khăn vì nhiều trường dạy bơi đóng cửa, nơi anh làm việc cũng thiếu học sinh đến mức lỗ khoảng 200.000 nhân dân tệ (tương đương 27.700 USD).

"Khủng hoảng thực sự, không riêng trung tâm của tôi, những trung tâm dạy bơi khác, hay nói đúng hơn là mọi trung tâm thể thao và nghệ thuật đều bị như vậy", He nói.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/cha-me-trung-quoc-ngay-cang-keo-kiet-voi-con-post1465014.html