Xu hướng

Châu Âu thông qua bộ luật về AI đầu tiên trên thế giới

Sau nhiều phiên họp kín kéo dài 3 ngày, các nhà lập pháp châu Âu đã thống nhất những quy tắc cơ bản trong việc quản lý và sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Rạng sáng ngày 9/12 theo giờ Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) đạt được đồng thuận về những quy tắc cơ bản, toàn diện đối với trí tuệ nhân tạo (AI), mở đường cho việc giám sát pháp lý đối với công nghệ được sử dụng trong các dịch vụ AI đang bùng nổ như ChatGPT.

“EU trở thành lục địa đầu tiên đặt ra các quy tắc rõ ràng cho việc sử dụng AI”, Ủy viên châu Âu Thierry Breton, người đứng sau những đề xuất cơ bản của thoả thuận, thông báo trên mạng xã hội X.

Châu Âu thông qua những quy tắc cơ bản của Đạo luật AI. Ảnh: Shutterstock.

Bộ luật AI đầu tiên trên thế giới

Đạo luật AI (AI Act) đặt ra tiêu chuẩn toàn cầu dành cho các quốc gia đang tìm cách khai thác lợi ích tiềm năng của công nghệ, đồng thời cố gắng phòng ngừa rủi ro có thể xảy như tự động hóa công việc, truyền bá thông tin sai lệch trực tuyến và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Quy định chính thức cần phải trải qua một số bước trước khi được phê duyệt và có hiệu lực trên toàn bộ các nước thành viên EU, nhưng thỏa thuận này đã định hình những nội dung cốt lõi, cơ bản nhất.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu tập trung vào những hoạt động tiềm ẩn rủi ro cao nhất đối với công ty và chính phủ, bao gồm thực thi pháp luật và vận hành các dịch vụ quan trọng như nước, năng lượng.

Những công ty đứng sau các hệ thống AI tổng quát khổng lồ, chẳng hạn ChatGPT, sẽ đối mặt với yêu cầu mới về tính minh bạch. Theo các quan chức EU và dự thảo luật trước đó, chatbot cùng phần mềm tạo ra hình ảnh dạng deepfake sẽ phải công bố rõ rằng nội dung hiển thị là do AI thực hiện.

Nhiều quy tắc cơ bản liên quan đến AI được đặt ra nhằm phòng ngừa rủi ro khi sử dụng công nghệ này. Ảnh: Reuters.

Việc sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt của cảnh sát và chính phủ sẽ bị hạn chế, ngoài một số miễn trừ an toàn và an ninh quốc gia nhất định. Các công ty vi phạm quy định phải đối mặt với mức phạt lên tới 7% doanh số toàn cầu.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu thống nhất “cách tiếp cận dựa trên rủi ro” để điều chỉnh AI, trong đó một bộ ứng dụng phải đối mặt với nhiều sự giám sát và hạn chế.

Các công ty tạo ra công cụ AI có khả năng gây tổn hại lớn cho cá nhân và xã hội, chẳng hạn như trong tuyển dụng và giáo dục, sẽ cần cung cấp cho cơ quan quản lý bằng chứng về đánh giá rủi ro, phân tích dữ liệu được sử dụng để huấn luyện hệ thống và đảm bảo phần mềm không tạo ra những tác động tiêu cực kéo dài, chẳng hạn như thành kiến chủng tộc.

Việc xây dựng và triển khai hệ thống cần phải có sự giám sát chặt chẽ của con người. Một số hành vi, chẳng hạn thu thập hình ảnh bừa bãi từ Internet để tạo cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt, sẽ bị cấm hoàn toàn.

Bản dự thảo đầu tiên của Đạo luật AI được công bố vào năm 2021. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách châu Âu nhận thấy cần viết lại luật khi những đột phá về công nghệ xuất hiện. Phiên bản đầu tiên không đề cập đến các mô hình AI tổng quát như ChatGPT.

Chặng đường phía trước

Thỏa thuận đạt được tại Brussels (Bỉ) sau 3 ngày đàm phán liên tục, bao gồm phiên họp đầu tiên kéo dài 22 giờ, từ chiều ngày 6/12 sang hôm sau. Quy định chính thức vẫn chưa được công bố. Dự kiến sẽ có thêm một số cuộc trao đổi nhằm hoàn thiện các chi tiết kĩ thuật.

Còn nhiều giai đoạn trước khi Bộ luật AI được áp dụng tại châu Âu. Ảnh: Shutterstock.

Việc bỏ phiếu sẽ được tổ chức tại Nghị viện và Hội đồng Châu Âu, bao gồm đại diện của 27 quốc gia trong liên minh, vào đầu năm 2024. Cuối cùng, nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi, Đạo luật AI sẽ có hiệu lực từ năm 2025.

Những tranh cãi trước khi thông qua Đạo luật AI tại châu Âu là dấu hiệu cho thấy giới lập pháp bối rối trước lĩnh vực này. Các quan chức EU bị chia rẽ về mức độ quản lý đối với hệ thống AI mới. Họ lo ngại quy định sẽ cản trở công ty khởi nghiệp châu Âu trong cuộc đua với những tập đoàn Mỹ như Google và OpenAI.

Thách thức pháp lý có thể xảy ra khi các công ty đệ đơn kiện quy định mới tòa. Một số bộ luật trước đây của EU, bao gồm Quy định chung về bảo vệ dữ liệu, bị chỉ trích vì được thực thi không đồng bộ tại những quốc gia trong khối.

Theo The New York Times

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/chau-au-thong-qua-bo-luat-ve-ai-dau-tien-tren-the-gioi-post1447865.html