Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, chị Hà Linh, chủ một đại lý vé máy bay tại Hà Nội cho biết gần đây lượng khách hàng quan tâm, muốn mua vé máy bay chặng Hà Nội - Côn Đảo tăng vọt.
Lý do là hãng hàng không Bamboo Airways đã tuyên bố sẽ huỷ các đường bay đến Côn Đảo sau khi trả nốt 3 chiếc máy bay Embraer E190 từ ngày 1/4.
Như vậy sau thời điểm này, chỉ có đường bay thẳng TP.HCM - Côn Đảo do Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines và VASCO) khai thác. Khách hàng từ khu vực miền Bắc muốn đến Côn Đảo đều phải bay nối chuyến tại TP.HCM.
Đường bay thẳng cạn vé
Chị Hà Linh cho biết có 2 đoàn khách đã "xuống tiền" chốt lịch đi ngay trong tháng 3 dù trước đó mới chỉ hỏi giá và dự định đi trong tháng 5.
"Thông tin hãng huỷ đường bay khiến khách hàng gấp rút lên lịch đi luôn trong tháng 3. Họ ngại cảnh phải bay nối chuyến ở TP.HCM rồi kéo dài lịch trình lê thê, mệt mỏi", chị chia sẻ thêm.
Hiện, chặng Hà Nội - Côn Đảo đang "cháy vé" bay thẳng trong nhiều ngày từ 27/2 đến tận cuối tháng 3. Với một số ngày hiếm hoi còn vé bay thẳng, giá vé lên đến 15 triệu đồng khứ hồi ghế hạng thương gia.
Còn lại, hành khách đều phải bay nối chuyến ở TP.HCM với giá từ 6 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng của Bamboo Airways và Vietnam Airlines.
Anh Đức Chương (34 tuổi, quận Hoàng Mai) cho biết kể từ khi Bamboo Airways mở đường bay thẳng Côn Đảo, gia đình anh thường ra đây đi lễ và nghỉ dưỡng ở resort Six Senses Côn Đảo. Tuy nhiên hiện tại, kế hoạch đi nghỉ vẫn đang được bỏ ngỏ vì anh có con nhỏ, không thuận tiện trong việc bay nối chuyến.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty Du lịch BestPrice cho rằng việc đường bay này bị đóng cửa là một điều rất đáng tiếc. Hiện đơn vị này đang có kế hoạch điều chỉnh việc bán tour Côn Đảo hay combo vé máy bay - khách sạn cho hành khách.
Nguyên nhân khiến Côn Đảo bị "ngó lơ"
Trên thực tế, đường bay đến Côn Đảo dù hút khách nhưng vẫn không đủ hấp dẫn với các hãng hàng không. Các hãng dù muốn khai thác đường bay này nhưng "lực bất tòng tâm".
Vấn đề chủ yếu đến từ tình trạng của sân bay Côn Đảo. Sân bay này do người Pháp xây dựng vào thế kỷ 19, có đường băng ngắn, bao quanh là biển và núi. Hiện đây là sân bay dân sự cấp 3C và quân sự cấp 2, chỉ đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương.
Do đó, nếu khai thác đường bay này, các hãng sẽ phải tốn chi phí đầu tư một loại tàu bay mới, cộng thêm chi phí đào tạo phi công, thợ máy...
Bamboo Airways cho biết trung bình mỗi năm, chi phí vận hành một máy bay Embraer 190 vào khoảng 5 triệu USD. Trong đó, máy bay phải mang đi bảo dưỡng ở Ba Lan, phi công phải được đào tạo ở Nhật Bản. Ngoài ra, loại máy bay này tiêu thụ xăng dầu rất lớn, ngang ngửa với máy bay Airbus A320 nhưng chỉ chở được bằng phân nửa số khách.
Trong khi đó, các hãng hàng không bao gồm cả Bamboo Airways, Vietjet Air và Vietravel Airlines hiện đều chỉ tập trung vào dòng máy bay Airbus A320, A321 để giảm chi phí khai thác, đào tạo phi công, kho vật tư phụ tùng... nhằm cạnh tranh về giá vé.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM, giải pháp cho các đường bay ngách như Côn Đảo chính là việc bỏ giá trần vé máy bay.
Nếu không có giá trần, hãng hàng không có thể bán giá vé cao mà người mua bằng lòng chi trả, hãng không phải chịu lỗ vì chi phí đắt đỏ khi phải bay một dòng máy bay riêng.
Mặt khác, các sân bay cũng không cần phải đầu tư, cải tạo ngay để đón nhận những máy bay phản lực chở hàng trăm hành khách.
CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam cũng cho biết một trong những lý do khiến hãng dừng bay Côn Đảo là chi phí cao nhưng không thể tăng giá vé để bù lỗ.
"Chúng ta vẫn đang duy trì trần giá vé máy bay. Người dân có thể chấp nhận giá vé cao hơn, nhưng hiện tại cơ quan quản lý không cho phép. Bamboo Airways vì thế buộc phải lựa chọn ngừng khai thác máy bay Embraer E190", vị này chia sẻ.
Ông Lương Hoài Nam nói Bamboo Airways chắn chắn sẽ quay lại đường bay này với dòng máy bay Airbus A320/A321 khi sân bay Côn Đảo mở rộng, kéo dài đường băng sân bay theo chủ trương quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo quy hoạch, vào năm 2030, sân bay Côn Đảo sẽ được mở rộng để đạt công suất 2 triệu khách/năm với 8 vị trí đỗ máy bay (thêm 6 vị trí mới), bổ sung đèn tín hiệu, công trình quản lý bay để có thể khai thác vào ban đêm.