Phương Trang (26 tuổi, quận 10) vừa trải qua một năm làm việc vất vả nhưng đầy thành tựu. Dự án mà cô tham gia vừa được công nhận là một trong những chiến dịch truyền thông xuất sắc của năm. Năm nay, Trang còn có dịp đến Singapore để làm việc và trải nghiệm. Cô thấy tự hào vì những điều mình làm được sau một năm dài.
Cận Tết Nguyên đán 2024, Trang quyết định tự thưởng cho bản thân. Cô tham gia những workshop với chủ đề Tết Giáp Thìn 2024.
“Mọi năm mình sẽ phải mua bao lì xì để tặng gia đình dịp năm mới. Do đó, khi thấy workshop tự vẽ và in bao lì xì bằng mộc bản thì mình thấy khá hay. Việc tự làm bao lì xì còn giúp lời chúc năm mới của mình có thêm giá trị tinh thần nữa. Đây cũng là dịp để mình học một kỹ năng mới”, Phương Trang chia sẻ về lý do tham gia workshop.
Cũng như Phương Trang, nhiều bạn trẻ ở TP.HCM khá hưởng ứng các workshop về chủ đề Tết. Ngoài ra, việc tham gia workshop thế này còn giúp các bạn “tìm thấy chính mình” trong các sản phẩm do bản thân làm ra.
Đi làm nến thơm, bao lì xì ‘chữa lành’ sau một năm dài
Chị Huyền Trang, co-founder của Mel Workshop, đã tổ chức workshop hơn 10 năm nay. Tết Nguyên đán 2024, chị mở workshop in bao lì xì bằng mộc bản (kỹ thuật sử dụng gỗ in hình) để tạo cơ hội cho các bạn trẻ thư giãn sau một năm nhiều biến cố. Tại đây, khách hàng sẽ tìm hiểu về kỹ thuật in mộc bản, tự tay vẽ, khắc hình mà mình muốn rồi in lên bao lì xì Tết.
“Ban đầu mình cũng không nghĩ bản thân sẽ khắc được nhưng khi cầm dụng cụ lên rồi thì mình lại quên hết lo âu và làm theo những gì mình hình dung trong đầu. Việc khắc và in bao lì xì thế này như một quá trình ‘khám phá bản thân’ vậy”, Phương Trang kể lại quá trình tham gia workshop.
Sau gần 4 tiếng vẽ, khắc và in, Phương Trang đã có cho mình một bộ bao lì xì “rồng béo”. Trang kể, ban đầu cô muốn khắc những chú rồng “hầm hố” và cầu kỳ. Dù vậy, khi cầm dao lên, cô lại đổi ý và muốn tạo ra một chú rồng thể hiện bản thân rõ nhất. Vậy là một bé rồng béo vui vẻ, dễ thương ra đời.
Phước Khánh (19 tuổi, quận Bình Thạnh) là sinh viên năm nhất của một trường đại học ở TP.HCM. Năm đầu tiên ở đại học, Khánh cũng phải trải qua nhiều khó khăn như các sinh viên khác như khó kết bạn, khó tiếp thu kiến thức ở đại học, bị áp lực đồng trang lứa…
“Hôm nay mình tham gia workshop làm nến thơm để giải trí và coi như ‘tự thưởng’ cho bản thân vì đã trải qua năm 2023 đầy biến động. Quá trình làm nến thơm thế này làm mình thấy thư giãn và được chữa lành khá hiệu quả”, Khánh chia sẻ.
Theo đại diện của Flower 1969's, đơn vị tổ chức workshop ở quận 1, các bạn trẻ thường có những phản hồi khá tích cực đối với những workshop về mùi hương.
Trên toàn thế giới, nhu cầu sử dụng mùi hương để thư giãn và giảm căng thẳng cũng ngày càng cao. Theo Grand View Research, con người đang tập trung nghiên cứu các giải pháp sử dụng hương thơm để chữa bệnh. Quy mô thị trường hương thơm đang ở mức 2 tỷ USD và được dự kiến sẽ tăng liên tục trong 5 năm tới.
Giá cao vẫn có khách
Chị Huyền Trang cho biết những workshop như thế này thu hút khá nhiều bạn trẻ trong dịp cận Tết Giáp Thìn 2024. “Các bạn tâm sự với mình việc tạo ra sản phẩm mang dấu ấn cá nhân là một trải nghiệm rất thú vị. Đặc biệt, các sản phẩm đó còn thể hiện rõ nhất cá tính, sở thích của mỗi người”.
Năm nay, với mức giá 350.000 đồng/người, Mel Workshop vẫn thu hút số đông bạn trẻ tham gia. Theo chị Trang, năm nay chị phải tổ chức lượng workshop Tết gấp đôi mọi năm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tại Flower 1969's, số lượng khách của tiệm vẫn ổn định ở mức trung bình 10-15 khách/mỗi tuần. Trung bình, tiệm thu về 3-5 triệu/tuần nhờ các workshop làm nến thơm, bao lì xì hay đồ trang trí Tết.
Phước Khánh, dù đã tham gia một workshop làm nến thơm, cho biết sẵn sàng “mở hầu bao” để tham gia thêm một hoặc hai buổi nữa. “Mình đã có trải nghiệm làm nến khá thú vị và đem về được một lọ nến để trang trí, làm thơm phòng. Nếu có những workshop khác tương tự, mình sẵn sàng chi thêm tiền để tham gia”, Khánh chia sẻ.
Với giá 300.000 đồng/lần tham gia, Khánh cho biết anh cảm thấy số tiền mình bỏ ra là xứng đáng. “Giá của một lọ nến thơm ở thị trường là 100.000-150.000 đồng. Mình tham gia workshop, được hỗ trợ nước, được hướng dẫn để làm một lọ nến riêng và mang về sử dụng”, Khánh phân tích.
Còn đối với Phương Trang, cô cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để tham gia thêm những workshop về Tết khác. “Mỗi lần tham gia workshop về Tết thì mình cũng biết thêm một kỹ năng ngày Tết. Sắp tới mình định tìm vài workshop viết thư pháp, gói bánh chưng để có thêm ‘hành trang’ ăn Tết Nguyên đán sắp tới”.
Sức khỏe tinh thần là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất sau đại dịch Covid-19. Theo Statista, trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận đến hơn 6 triệu người gặp vấn đề về tinh thần như lo lắng, trầm cảm, mất ngủ nặng…
Quy mô toàn ngành chăm sóc sức khỏe tinh thần nước ta có thể lên đến 160 triệu USD vào năm 2024. Dự kiến, cứ mỗi năm, doanh thu ngành này sẽ tăng 1 triệu USD và đạt mốc 164 triệu vào năm 2028.