Mỗi dịp Tết Nguyên đán, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) lại tất bật hoàn thiện hàng nghìn tác phẩm sơn mài về con giáp là những linh vật đại diện cho năm mới. Nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024, anh cho ra mắt bộ sưu tập với 1.000 tạo tác mang tên “con Rồng cháu Tiên”, trong đó có bộ ghế hình rồng 5 móng nổi bật, lấy ý tưởng phát triển từ rồng thời nhà Lý.
Anh Phát cho biết bộ sưu tập 1.000 tạo tác “con Rồng cháu Tiên” được thể hiện bằng nhiều cách như sơn mài, gốm, điêu khắc... làm từ nhiều chất liệu như gỗ, gốm, kim loại, thể hiện sự đa dạng của nghề truyền thống, sắp đặt thể hiện câu chuyện từ truyền thuyết nói về xuất thân của người Việt và biểu tượng rồng qua các thời kỳ trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
Để chế tác từ khúc gỗ và hoàn thiện thô mộc bản một chiếc ghế hình tượng rồng thuộc bộ sưu tập, nghệ nhân thường phải mất nhiều tháng trời và qua nhiều công đoạn phức tạp, từ lên ý tưởng, rồi đục, đẽo tạo dáng hình khối, sau đó phủ lên nhiều lớp sơn, phơi khô, đánh bóng, khảm trai, vẽ tạo tác...
Ngoài hình tượng rồng thời nhà Lý được điêu khắc xuyên suốt trong bộ sưu tập lần này thì những hình tượng ý nghĩa khác như "cá chép hóa rồng" cũng được sử dụng. Các chi tiết bề mặt của các tạo tác trong bộ sưu tập được thực hiện tỉ mỉ và chi tiết.
Bộ ghế rồng được làm bằng phương pháp khảm các chất liệu như vỏ trứng, vỏ trai, sau khi mài sẽ được bọc bạc lá và cuối cùng là vàng lá. Phần đầu rồng được tạo tác theo nguyên mẫu rồng thời nhà Lý, đuôi rồng được làm dựa trên hình mẫu của lá Bồ Đề, mang theo ý nghĩa biểu tượng của Phật giáo. Cùng đó là sự cách điệu về “rồng 5 móng” tạo nên sự vững chãi cho hình tượng rồng.
Chiếc ghế được anh Phát định giá 2 tỷ đồng cao 1,65 m, dài 2 m và được mạ khoảng 2.500 lá vàng, tương đương với 500 g vàng 24K. Tác phẩm được thể hiện bằng chất liệu sơn mài trên gỗ lũa. Sự kỳ công, tỉ mỉ của sơn mài cùng thủ thuật dát vàng đã tạo nên giá trị đặc biệt và những ấn tượng về thị giác.
Hình tượng “tiên” cũng là một điểm nhấn trong bộ sưu tập với hàng trăm tạo tác phối cảnh bay lơ lửng trong không trung.
Các tác phẩm của họa sỹ Phát có tính ứng dụng cao trong cuộc sống như bộ hộp đựng sách với các biểu tượng rồng Việt qua các thời kỳ khác nhau gồm rồng thời Lý, rồng thời Lê Sơ, rồng thời Trần...
Chum gốm với biểu tượng rồng cuốn quanh thân.
Các chi tiết bề mặt của các tạo tác trong bộ sưu tập được thực hiện theo phương pháp sơn mài truyền thống, quét lớp sơn mài phủ bề mặt sau đó khảm vỏ trứng hoặc vỏ trai và quét thêm 7-10 lớp màu một cách tỉ mỉ và chi tiết. Tùy vào tác phẩm, kích thước, kiểu dáng mà có thể mất vài ngày cho đến cả tháng để hoàn thành.
Những tạo tác rồng, rồng đẻ trứng vàng... mang đậm ý nghĩa về văn hóa của người Việt trong năm mới 2024 với mong muốn bình an, tài lộc trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.