Công nghệ

Chiến lược đánh bại nắng nóng của 'thành phố sa mạc'

Ngày càng nhiều công trình kiến trúc ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bỏ qua tòa nhà chọc trời bằng kính và tập trung vào tính bền vững, theo The New York Times.

Là 1 trong 7 tiểu vương quốc thuộc UAE và nằm ngay trong sa mạc Ả Rập, Dubai sở hữu rất nhiều tòa nhà chọc trời bằng kính mang phong cách vị lai (futuristic).

Ở góc độ bền vững, đây thực sự là vấn đề bởi nhiệt độ thành phố thường xuyên vượt quá 100 độ F (gần 38 độ C) trong nhiều tháng mỗi năm. Điều hòa vào mùa hè có thể mạnh đến mức một số người phải mặc áo khoác và quàng khăn.

Pha trộn giữa truyền thống và hiện đại

Kể từ khi dầu mỏ được phát hiện không lâu trước khi điều hòa trở nên phổ biến trong khu vực vào những năm 1970, cuộc sống cách mạng hóa đã dẫn đến sự bùng nổ xây dựng chỉ trong vài thập kỷ, điển hình là tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa (cao gấp đôi tòa Empire State).

Dẫu vậy, thiết kế của những tòa nhà khi ấy ít quan tâm đến khí hậu, sử dụng mặt tiền bằng thép, bê tông và kính. Chưa kể, nhu cầu dùng điều hòa tăng vọt, đẩy mức tiêu thụ điện bình quân đầu người "lọt" top 6 thế giới, theo công ty nghiên cứu thị trường Statista.

Tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở đằng xa.

Từ đây, Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc vào năm ngoái - hướng tới thiết kế các tòa nhà theo cách bền vững hơn, sử dụng công nghệ mới nhất nhưng không quên tận dụng lại kỹ thuật xây dựng cũ đã giúp tòa nhà tồn tại từ rất lâu trước khi điều hòa xuất hiện.

Chính sách này có thể xem là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại.

Các phương pháp bao gồm: hướng các tòa nhà tránh xa ánh nắng mặt trời, xây dựng theo hướng gió để tăng thông gió tự nhiên, giảm thiểu sử dụng kính và kết hợp kiến trúc Hồi giáo truyền thống để tạo bóng mát, theo một số kiến trúc sư tại Dubai.

Nhà thờ Hồi giáo lớn tại Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai.

AlZaina Lootah, một kiến trúc sư và nhà nghiên cứu tại Dubai, cho biết: “Thành phố của chúng tôi từng có nỗi ám ảnh với những tòa nhà chọc trời bằng kính trong 15 năm qua, khiến nơi đây trông giống tất cả thành phố khác".

Giờ đây, nhiều dự án mới quyết định "bắt tay" với lối kiến trúc truyền thống. Họ sử dụng sân trong, sân thượng, ngõ hẹp và tháp giải nhiệt bằng gió - công trình được người Ba Tư cổ đại tiên phong thiết kế để hút không khí mát mẻ xuống mặt đường.

Kỹ thuật xây dựng bền vững, công nghệ thấp và lâu đời như vậy đã được nhìn thấy xung quanh Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai, cụ thể là không gian râm mát và những lối đi hẹp.

Mở cửa vào năm 2020, Nhà thờ Hồi giáo lớn của Trung tâm có các tấm đục lỗ mô phỏng mashrabiyas, tấm bình phong truyền thống với lưới mắt cáo đã được sử dụng ở Ai Cập trong nhiều thế kỷ nhằm bảo vệ tòa nhà khỏi ánh nắng mặt trời.

Các phương pháp khác gồm xây những bức tường dày giúp hấp thụ nhiệt ban ngày và giải phóng vào ban đêm, đồng thời dùng mặt tiền đôi và vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng để phản xạ nhiệt.

Những công trình kiến trúc áp dụng kỹ thuật xây dựng cổ xưa như tháp gió, ngõ nhỏ...

Một ví dụ khác ở UAE là thành phố Masdar (ngoại ô tiểu vương quốc Abu Dhabi), nơi có một trường đại học, các căn hộ và tòa nhà văn phòng. Công ty kiến trúc Foster + Partners của Anh đã kết hợp giữa thiết kế công nghệ cao và phương pháp xây dựng cổ xưa, định vị các tòa nhà theo cách cho phép gió mạnh giúp người đi bộ luôn mát mẻ, ngay cả ở nhiệt độ cao.

Ngoài ra, các khu vực của thành phố được nâng lên, sử dụng khu đất cao để tận dụng gió mạnh hơn. Đây là một phương pháp đã được áp dụng ở các nơi khác trong khu vực suốt nhiều thế kỷ.

Thành phố Masdar hiện có 2 tòa nhà không phát thải ròng (nghĩa là lượng khí nhà kính chúng tạo ra sẽ được bù đắp bằng các hoạt động khác) và đang xây dựng thêm 3 tòa tương tự.

Điều quan trọng hơn cả

Kiến trúc bền vững chỉ có thể tiến xa ở những thành phố có quốc lộ lớn, giao thông đông đúc và mức độ ô nhiễm không khí vượt quá giới hạn lành mạnh. Và khi nhiệt độ ở Dubai tiếp tục tăng do hiện tượng nóng lên toàn cầu, hiệu quả của các phương pháp lâu đời cũng có giới hạn.

"Nhiệt độ cao hơn. Chế độ gió và dòng nước đang thay đổi. Chúng ta không thể nói về những gì nhận lại mà chỉ có thể bàn luận cách con người liên hệ với môi trường xung quanh", ông Todd Reisz, một kiến trúc sư và đồng thời là tác giả cuốn Showpiece City: How Architecture Made Dubai, chia sẻ.

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2023, gia tăng mức độ phụ thuộc vào điều hòa ngốn nhiều năng lượng sẽ đóng góp vào chu kỳ tăng nhu cầu năng lượng, làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu. Điều đó đặc biệt đúng ở Trung Đông, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng này.

Rob Cooke, giám đốc bền vững tại công ty tư vấn kỹ thuật Buro Happold, cho biết mọi người nhận thức rõ hơn về lợi ích sử dụng kỹ thuật kiến trúc để giữ cho không gian mát mẻ, và hầu hết đều muốn có thiết kế bền vững.

Hầu hết mọi người đều muốn có công trình kiến trúc bền vững.

Tuy nhiên, sự bền vững không phải lúc nào cũng được ưu tiên. Ông Cooked nhận thấy phần lớn thiết kế ở Dubai không quan tâm đến khí hậu: "Tôi coi đó là một vấn đề cơ bản. Các tòa nhà chọc trời bằng kính của Dubai có tầm nhìn ra thành phố nhưng mọi người thường kéo rèm cửa sổ vì sức nóng và ánh nắng rọi trực tiếp".

Dubai đã hưởng lợi khi dễ dàng tiếp cận dầu mỏ, giúp thành phố vượt qua cái nóng thông qua việc sử dụng máy điều hòa không khí hạng nặng. Khi nhiệt độ tiếp tục tăng, các tòa nhà không dựa trên kiến trúc làm mát thụ động, truyền thống sẽ trở nên tốn kém hơn khi vận hành. “Sẽ là vấn đề khi những tài sản 'sáng bóng' đó trở thành nợ phải trả”, ông Cooked dự báo.

Sau cùng, ông Reisz nhận định điều quan trọng hơn cả những toà nhà chọc trời bền vững là tạo ra thành phố bền vững, có thể đi bộ được. "Chúng ta có thể làm được bao nhiêu với công nghệ và cần xem xét việc thay đổi cách sống của mình đến mức nào?”, ông băn khoăn.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/chien-luoc-danh-bai-nang-nong-cua-thanh-pho-sa-mac-post1469625.html