Trong năm 2022 áp lực lạm phát tăng cao trên toàn cầu đã khiến hầu hết các Ngân hàng Trung ương lớn đảo chiều sang thắt chặt tiền tệ sau giai đoạn nới lỏng từ 2019-2021.
Ngày 16/3/2022, Fed đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,25%, đánh dấu lần đầu tiên Cục dự trữ Liên Bang Mỹ tăng lãi suất kể từ tháng 3/2020 và là sự kết thúc quá trình duy trì mức lãi suất thấp gần 0% kể từ thời điểm bùng phát Đại dịch Covid-19. Chỉ sau đó 9 tháng, lãi suất chuẩn của Mỹ đã tăng lên vùng 4,25 - 4,5% - cao nhất kể từ năm 2007 nhằm đối phó với tình trạng lạm phát ở mức đỉnh 40 năm.
7 lần tăng lãi suất mạnh và liên tục của Fed đã gây ra áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi, tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia này và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải tung ra loạt công cụ chính sách mang tính đặc biệt để ổn định thị trường tiền tệ trong nước, đồng thời vẫn phải duy trì điều kiện thuận lợi để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Các đợt tăng lãi suất không ngừng nghỉ từ cuối quý I của Fed đã kích hoạt đợt tăng giá mạnh nhất của đồng bạc xanh trong nhiều năm qua, đưa chỉ số USD Index lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ và “điểm chịu lực” đầu tiên là tỷ giá USD/VND.
Trước sức ép liên tục gia tăng, NHNN đã phải bán ra lượng lớn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để ổn định thị trường. Theo thống kê của giới phân tích, trong 9 tháng đầu với tâm điểm là quý III, lượng ngoại tệ mà NHNN đưa ra can thiệp đã vượt ngưỡng 20 tỷ USD, tương đương hơn 20% tổng dự trữ ngoại hối.
Cùng với các động thái tác động lên cung ngoại tệ, NHNN thực hiện đồng thời biện pháp từ phía cầu tiền. Cụ thể, nhà điều hành đã lần đầu tiên mở lại kênh tín phiếu từ sau 2 năm đóng băng nhằm hút bớt nội tệ, duy trì chênh lệch lãi suất giữa VND - USD trên thị trường liên ngân hàng, tạo sự hấp dẫn cho tiền Đồng. Ở giai đoạn cao điểm vào giữa tháng 7, lượng tín phiếu lưu hành có lúc lên tới hơn 191.000 tỷ, tương ứng với số tiền bị hút ra khỏi hệ thống qua kênh này.
Dù NHNN đã triển khai nhiều công cụ hỗ trợ, tỷ giá trong nước vẫn liên tục leo thang. Theo đó, trong quý III, giá USD tại các ngân hàng đã tăng thêm khoảng 600 đồng, cao hơn cả mức tăng lũy kế của cả 6 tháng đầu năm và chính thức vượt mốc 24.000 đồng. Chưa đầy 1 tháng sau đó, giá USD đã leo lên mức kỷ lục gần 24.900 đồng, đưa mức mất giá của tiền Đồng kể từ đầu năm lên 8,6% - cao nhất trong nhiều năm qua.
Diễn biến tỷ giá trong năm 2022 (Nguồn: Wichart)
Nhằm đối phó với diễn biến căng thẳng trên thị trường ngoại tệ, vào giữa tháng 7, NHNN chuyển từ hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn sang hợp đồng giao ngay và tăng giá bán thêm 150 đồng, lên mức 23.400 đồng/USD, dù trước đó đã tăng 200 đồng vào trung tuần tháng 5.
Chưa dừng lại, liên tục trong tháng 9 và tháng 10, cơ quan này đã có thêm 6 lần đưa ra thông báo về việc can thiệp tỷ giá. Trong đó, giá bán USD được điều chỉnh tăng lên mức 24.870 đồng; đồng thời, NHNH cũng dừng niêm yết giá USD mua vào và kéo dài kỳ hạn các hợp đồng bán ngoại tệ trước đó từ 3 tháng lên 6 tháng.
Ngoài ra, từ ngày 17/10/2022, NHNN quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +3% lên +5%, nhằm tạo dư địa cho tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thu các cú sốc bên ngoài.
Tỷ giá tăng gây ra một số lo ngại, đặc biệt là lạm phát thông qua kênh nhập khẩu do Việt Nam là quốc gia có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu với thị trường quốc tế.
Để kìm hãm đà tăng của biến số này, bên cạnh hoạt động can thiệp trên thị trường ngoại tệ, từ ngày 23/9, NHNN đã tăng thêm 1 điểm % các loại lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng. Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý tiền tệ nâng lãi suất điều hành kể từ tháng 5/2011. Mức điều chỉnh 1 điểm % cao hơn nhiều dự báo của thị trường và tương đối lớn so với các quyết định trước đó thể hiện sự quyết liệt và mang tính phòng thủ cao của nhà điều hành. Đến ngày 25/10, cơ quan này tiếp tục tăng thêm 1 điểm % các loại lãi suất điều hành, bao gồm cả trần lãi suất huy động.
NHNN nhấn mạnh, các quyết định tăng lãi suất điều hành trên nhằm tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Sau một loạt động thái mang tính quyết liệt của cơ quan quản lý tiền tệ cùng với việc Fed phát tín hiệu giảm cường độ tăng lãi suất, tỷ giá đã nhanh chóng hạ nhiệt trong tháng 11 và tháng 12.
Tính đến hết phiên 28/12, giá USD tại Vietcombank đã giảm về còn 23.400 đồng ở chiều mua vào và 23.750 đồng ở chiều bán ra, tương ứng mức tăng 3,6% so với cuối năm trước và giảm khoảng 4,5% so với mức đỉnh ghi nhận vào cuối tháng 10.
Với những diễn biến tích cực trên, chỉ trong hơn 1 tháng qua, NHNN đã có 5 lần giảm giá bán USD tại Sở Giao dịch, tổng cộng 90 đồng. Mức điều chỉnh trên là tương đối nhỏ so với 6 lần tăng mạnh trước đó nhưng phát đi tín hiệu quan trọng rằng “mặt trận” tỷ giá đã không còn căng thẳng như giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, NHNN cũng nối lại hoạt động mua ngoại tệ với việc đưa ra giá chào ở mức 23.450 đồng/USD, sau hơn 3 tháng tạm dừng. Động thái này cho thấy sự tự tin của NHNN về dòng ngoại tệ trong giai đoạn tới đi kèm với khả năng có thể tiến hành mua bổ sung dự trữ ngoại hối vốn đã giảm sút đáng kể trong giai đoạn vừa qua.
Dù đã rục rịch nhích tăng từ đầu năm nay, lãi suất huy động chỉ đồng loạt nổi sóng sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành bao gồm trần lãi suất tiền gửi 6 tháng vào cuối tháng 9. Ngay sau quyết định của NHNN, hầu hết ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ thông báo tăng lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn với mức tăng phổ biến 0,4 – 1 điểm %; tiếp đó các ngân hàng thương mại Nhà nước và các ngân hàng tư nhân lớn cũng nhập cuộc với mức tăng còn mạnh mẽ hơn 0,8 – 1 điểm %.
Trong tháng 10, tiếp tục có tới một nửa số ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động 2 - 3 lần. So với cuối tháng 9, lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn đã tăng từ 0,7 - 1%/năm, mức cao nhất phổ biến quanh 7,6 - 8,2%/năm tại các ngân hàng tư nhân lớn và 6,4% tại các ngân hàng quốc doanh.
Diễn biến lãi suất huy động tại các ngân hàng trong 3 năm qua (Nguồn: Wichart)
Trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng), đầu tháng 10, lãi suất cho vay VND qua đêm tăng vọt lên 8,44%/năm – mức cao nhất trong 10 năm qua.
Trước diễn biến đó, NHNN đã đẩy mạnh cung cấp thanh khoản ngắn hạn thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) giúp lãi suất thị trường 2 nhanh chóng hạ nhiệt. Đến cuối tháng 11, lãi suất qua đêm đã giảm về còn hơn 5,3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn dài hơn cũng đều hạ nhiệt rõ rệt.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có nhịp giảm dài hơi hơn trong tháng 12. Lãi suất cho vay qua đêm bình quân tháng 12 là 4,98%/năm, thấp hơn 0,63 điểm %so với tháng 11. Nếu xét tại thời điểm cuối tháng, lãi suất cho vay qua đêm đã giảm 1,83 điểm % so với cuối tháng 11, lãi suất cho vay các kỳ hạn từ 1-6 tháng cũng giảm từ 0,48 – 1,59 điểm %.
Diễn biến này cho thấy tình hình thanh khoản hệ thống đã có bước ổn định trở lại. Thực tế, từ đầu tháng 12 đến nay, NHNN đã chuyển sang hút ròng trên thị trường mở với quy mô khoảng 75.500 tỷ đồng, đảo ngược xu hướng bơm ròng gần 72.000 tỷ đồng trong tháng 10 và 11.
Việc rút ròng mạnh diễn ra vào tuần gần cuối năm khi thanh khoản hệ thống cho thấy sự cải thiện. Trong đó, nghiệp vụ phát hành tín phiếu NHNN được sử dụng với tần suất nhiều hơn từ 20/12 với quy mô hút ròng mỗi phiên là 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở chiều bơm tiền vẫn có tín hiệu đáng chú ý từ nhà điều hành, thể hiện qua việc NHNN hỗ trợ thanh khoản cho các bên có nhu cầu với kỳ hạn lên đến 91 ngày, là hiện tượng hiếm có từ trước đến nay.
Tính đến ngày 28/12, số dư nghiệp vụ mua kỳ hạn và tín phiếu lần lượt là 49.480 tỷ đồng và 110.000 tỷ đồng.
NHNN liên tục con thoi bơm hút thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng trong năm 2022 (Nguồn: Wichart)
Dù thanh khoản hệ thống đã ổn định trở lại, lãi suất huy động tiền gửi vẫn neo ở mức cao trong bối cảnh các ngân hàng bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm và chuẩn bị cho room tín dụng năm 2023. Theo đó, cuộc đua lãi suất huy động tiếp tục kéo dài sang tháng 11 và đầu tháng 12, đặc biệt là sau khi NHNN tăng mạnh lãi suất điều hành lần 2 từ ngày 25/10 và quyết định nới chỉ tiêu tín dụng toàn hệ thống thêm 1,5 – 2%.
Đến giữa tháng 12, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã chạm mức 7,4%/năm theo hình thức gửi tiền tại quầy và lên tới 8% đối với hình thức gửi tiền trực tuyến. Trong khi các ngân hàng tư nhân lớn huy động kỳ hạn này với lãi suất phổ biến quanh vùng 8,5 - 9%/năm, cá biệt lên trên 9%/năm với số tiền gửi lớn. Tại các ngân hàng tư nhân nhỏ, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng thậm chí đã chạm ngưỡng 10%/năm, thậm chí là 11% đối với các khoản tiền gửi lớn.
Sau nhịp tăng mạnh vào quý III và quý IV, lãi suất huy động tại các ngân hàng đều đã tăng từ 2 – 3 điểm % so với cuối năm 2021 và cao hơn 1 – 1,5 điểm % so với giai đoạn trước dịch Covid-19.
Trong bối cảnh lãi suất huy động chịu áp lực tăng, lãi suất cho vay cũng khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định. Tuy nhiên, sức ép tăng lãi suất cho vay có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động, và có sự phân hoá về mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề.
Trước diễn biến trên, ngày 15/12 Hiệp hội Ngân hàng đã có buổi họp nhằm kêu gọi các ngân hàng thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất).
Cũng tại buổi cuộc họp, 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm.
Về phía NHNN, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
''Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ'', ông Tú nhấn mạnh tại cuộc họp.
Trong ngày 22/12/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã có văn bản số 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Đồng thời, NHNN cho biết sẽ theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các TCTD này.
Phản ứng sau các chỉ đạo “rắn”của NHNN, đà tăng lãi suất huy động chững lại rõ rệt và một số ngân hàng nhỏ đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động cao nhất xuống dưới mức 9,5%/năm.
Phát biểu tại hội nghị Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng năm 2023, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết 2022 là năm ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động cộng hưởng bởi những biến động phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới và trong nước.
Thống đốc chỉ ra ba bài toán khó của ngành ngân hàng năm 2022. Thứ nhất, làm thế nào để điều hành chính sách tín dụng hỗ trợ kinh tế trong khi phải đảm bảo an toàn hệ thống trong bối cảnh một số chỉ tiêu tiền tệ như tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/ GDP đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.
Bài toán khó thứ hai là ổn định thị trường ngoại hối khi nền kinh tế có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, USD tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của phía Mỹ.
Một nhiệm vụ khác khá quan trọng là phải ổn định được thị trường tiền tệ và thanh khoản hệ thống khi chịu tác động bởi sự cố SCB và niềm tin thị trường suy giảm.
Trong tình thế khó khăn đó, bà Hồng cho biết, bằng sự ứng phó linh hoạt, dựa trên diễn biến tình hình, cân nhắc thời điểm, liều lượng phù hợp của từng công cụ đã giúp hoá giải ba bài toán khó về tín dụng, tỷ giá và thanh khoản hệ thống đã phần nào được hoá giải.
Trước đó, tại cuộc họp báo Triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng năm 2023, phía NHNN cho biết năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.
NHNN cho hay sẽ tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia…