Doanh nghiệp

Chủ của TikTok thà bị cấm chứ không muốn 'bán mình' ở Mỹ

Mặc dù việc bị cấm ở Mỹ sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của ByteDance, công ty sẽ không phải từ bỏ thuật toán cốt lõi của mình.

Các thuật toán TikTok được xem là cốt lõi của các hoạt động tại ByteDance. Ảnh: Shutterstock.

Nói với Reuters, nguồn tin nội bộ cho hay ByteDance, tập đoàn mẹ của TikTok, thà đóng cửa ứng dụng của mình hơn là chọn giải pháp bán cho một công ty Mỹ.

Đây là viễn cảnh xấu nhất nếu công ty Trung Quốc thua trong trận chiến pháp lý chống lại lệnh cấm áp dụng với các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ.

TikTok không quá phụ thuộc thị trường Mỹ

Thuật toán TikTok được xem là cốt lõi của các hoạt động tại ByteDance. Do đó, việc bán một nền tảng vận hành gần như phụ thuộc vào thuật toán như TikTok sẽ rất khó xảy ra, các nguồn tin thân cận với công ty mẹ cho biết.

Họ tiết lộ TikTok chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu và số người dùng hoạt động hàng ngày của ByteDance. Vì vậy, tập đoàn mẹ thà đóng cửa ứng dụng này ở Mỹ trong trường hợp xấu nhất, còn hơn là bán nó cho một người mua tiềm năng.

Việc bị cấm ở Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của ByteDance, đổi lại công ty sẽ không phải từ bỏ thuật toán cốt lõi của mình.

Tổng thống Joe Biden phát biểu sau khi ký thành luật dự luật viện trợ nước ngoài và biện pháp cấm TikTok ở Mỹ tại Nhà Trắng ở Washington. Ảnh: Guardian.

Chia sẻ trên mạng xã hội Toutiao tối ngày 25/4, tập đoàn Trung Quốc tuyên bố không có kế hoạch bán TikTok. Đây là lời đáp trả sau bài báo của The Information, nói rằng ByteDance đang tìm cách lách luật để bán TikTok tại Mỹ mà không có thuật toán đề xuất video cho người dùng.

Trước đó, ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew tuyên bố công ty hy vọng sẽ giành chiến thắng trong trận chiến pháp lý sắp tới, để ngăn chặn dự thảo cấm được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật.

Hôm 24/4 cũng là thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD thành luật. Trong đó bao gồm điều khoản buộc chủ sở hữu Trung Quốc của mạng xã hội TikTok là công ty ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ, The Verge đưa tin. ByteDance sẽ có thời hạn 9-12 tháng để thoái vốn khỏi ứng dụng mạng xã hội video này.

Theo Reuters, ByteDance không tiết lộ công khai hoạt động tài chính hoặc chi tiết tài chính của bất kỳ đơn vị nào dưới quyền mình. Công ty kiếm được phần lớn lợi nhuận ở Trung Quốc, chủ yếu từ các ứng dụng khác như Douyin. Trong đó, Mỹ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu TikTok vào năm ngoái.

Doanh thu năm 2023 của ByteDance đã tăng lên gần 120 tỷ USD vào năm 2023 từ mức 80 tỷ USD vào năm 2022. Người dùng hoạt động hàng ngày của TikTok ở Mỹ cũng chỉ chiếm khoảng 5% người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) của ByteDance trên toàn thế giới, nguồn tin nội bộ cho hay.

Thuật toán là tài sản cốt lõi của TikTok

TikTok chia sẻ thuật toán cốt lõi với các ứng dụng nội địa của ByteDance như nền tảng video ngắn Douyin. Các thuật toán này được đánh giá là tốt hơn so với các đối thủ như Tencent và Xiaohongshu, một nguồn tin cho biết.

TikTok sẽ không thể thoái vốn mà không có các thuật toán, vì giấy phép sở hữu trí tuệ của họ được đăng ký theo tập đoàn mẹ ở Trung Quốc. Do đó, nền tảng này rất khó tách khỏi công ty mẹ, nguồn tin này khẳng định.

ByteDance cũng sẽ không đồng ý bán một trong những tài sản có giá trị nhất của mình - "gia vị bí mật" của nền tảng video bậc nhất thế giới - cho các đối thủ.

Năm 2020, chính quyền tổng thống Donald Trump đã tìm cách cấm TikTok và WeChat thuộc sở hữu của Trung Quốc nhưng bị tòa án phủ quyết. Kể từ đó, ứng dụng video ngắn đã phải đối mặt với lệnh cấm một phần ở Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.

Công ty kiếm được phần lớn lợi nhuận ở Trung Quốc, chủ yếu từ các ứng dụng khác như Douyin. Ảnh: USA Today.

Trung Quốc cho biết quốc gia này sẽ từ chối yêu cầu buộc phải thoái vốn ứng dụng TikTok trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ vào tháng 3 năm ngoái.

"Trung Quốc sẽ kiên quyết phản đối việc ép buộc bán TikTok”, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào cuối tháng 3/2023. "Việc bán hoặc thoái vốn TikTok liên quan đến xuất khẩu công nghệ và phải trải qua các thủ tục cấp phép hành chính theo luật pháp và quy định của Trung Quốc", vị đại diện nhấn mạnh.

Trung Quốc vào năm 2020 đã công bố Luật kiểm soát xuất khẩu, trong đó mở rộng định nghĩa về "các mặt hàng được kiểm soát". Theo truyền thông nước này, việc sửa đổi luật nhằm đảm bảo rằng việc xuất khẩu thuật toán, mã nguồn và dữ liệu tương tự phải tuân theo quy trình phê duyệt. Với TikTok, ngoại trừ thuật toán, tài sản chính của nền tảng còn bao gồm cả dữ liệu người dùng, bán sản phẩm và quản lý.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/tiktok-tha-bi-cam-chu-khong-muon-ban-minh-cho-my-post1472465.html