Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 ngày 18/3 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT, đã có những chia sẻ liên quan kế hoạch chuyển giao hoạt động điều hành tập đoàn cho thế giới tiếp theo (F2).
“Theo như ĐHĐCĐ năm ngoái, tôi đã thông báo năm 2026-2027 sẽ xuất gia. Nay đã là năm 2024, tôi vẫn còn nghĩ tới 5-10 năm nữa. Tôi là cổ đông lớn nhất, là người sáng lập và là linh hồn của tập đoàn như nhiều người nói. Nhưng đến giờ vẫn còn nhiều công trình nên chưa thể nghỉ sớm được”, ông Vũ chia sẻ.
Chuyển giao tập đoàn cho con gái út sau 10 năm
Chủ tịch Hoa Sen cũng tiết lộ kế hoạch ban đầu là giao lại tập đoàn cho một đại gia. Trong đó, các thành viên lãnh đạo của Hoa Sen đã tiến hành các cuộc gặp gỡ với vị đại gia này khoảng 3-4 lần, nhưng sau đó đều cho rằng không thể chuyển giao được.
"Không thể bán tập đoàn này chỉ để đổi lấy lợi nhuận", ông Vũ nói và cho biết trước đó có ý định thành lập một quỹ nhận cổ phần. Tuy nhiên, quỹ này vẫn hoạt động theo mô hình công ty, chỉ khác tên gọi nên không đạt yêu cầu, mong muốn của ông.
Liên quan kế hoạch chuyển giao này, ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch Hoa Sen, cũng cho biết HĐQT đang xem xét phương án khác, một trong số đó là đề xuất ông Vũ giao cổ phiếu cho thế hệ con cái kế thừa. Hiện người đứng đầu tập đoàn có 3 người con là Lê Hoàng Vũ Trí, Lê Hoàng Diệu Tâm và Lê Hoàng Diệu Thiện.
Trong đó, người con gái út sinh năm 2001 được chọn để kế nghiệp ông Vũ tại Tập đoàn Hoa Sen. Ông Vũ cho biết con gái út đang học song song 2 bằng đại học tại Australia.
“Tôi không muốn con gái thay mình bởi điều hành tập đoàn phải dấn thân. Nó là con gái, tôi không muốn nó mang gánh nặng. Tôi cũng không muốn con mình là thiếu gia, tiền bạc nhiều nhưng không kiểm soát được lòng tham thì chỉ mang họa thôi”, ông Vũ nói thêm.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hoa Sen cho biết việc tìm người thay thế để điều hành tập đoàn như "thắp đuốc giữa ban ngày" mà tìm không ra một người doanh nhân để chuyển giao. Ngoài năng lực còn đạo đức, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Ông cũng cho biết sẽ không chấp nhận phương án bán Hoa Sen.
Chia sẻ thêm về kế hoạch chuyển giao tập đoàn cho con gái, ông Vũ cho rằng kế hoạch hoạch này có thực hiện cũng phải gần 10 năm nữa. "Con gái tôi nó không thích nhận đâu, nó khóc và nói con sợ trách nhiệm. Tôi động viên con có thể khởi đầu bằng công việc của một nhân viên, xuống nhà máy để biết công việc ở nhà máy. 10 năm nữa nếu con sẵn sàng thì làm, nếu không thì tính bài khác", ông Vũ chia sẻ và nhấn mạnh với vai trò Chủ tịch HĐQT Hoa Sen, ông có trách nhiệm phải thông báo khi đã có sự thay đổi so với kế hoạch ban đầu.
Hai kịch bản kịch doanh
Cũng tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo Hoa Sen đánh giá sau năm 2023 đầy khó khăn, kịch bản thị trường năm 2024 dự báo còn khó lường và nhiều biến động. Tuy nhiên, HĐQT vẫn tiếp tục khảo sát, nghiên cứu nghiên cứu thêm nhiều ngành nghề nhằm đón đầu sự hồi phục của thị trường.
Theo đó, HĐQT Hoa Sen trình cổ đông 2 kịch bản kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính 2024.
Ở kịch bản thứ nhất, sản lượng tiêu thụ đạt hơn 1,6 triệu tấn, doanh thu thuần tập đoàn dự kiến đạt 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ.
Ở kịch bản hai, sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt hơn 1,7 triệu tấn, mang về doanh thu thuần 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 500 tỷ.
HĐQT Hoa Sen cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ lãnh đạo, quản trị, điều hành và cán bộ quản lý, nhân sự chủ chốt khác của doanh nghiệp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm.
Theo kế hoạch đưa ra, trong 5 năm tới (giai đoạn 2024-2029), Hoa Sen sẽ xem xét mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng; chứng khoán; bảo hiểm; bất động sản; cơ khí (chính xác và chế tạo); công nghệ bán dẫn; bất động sản (văn phòng, nhà ở, khu dân cư, đô thị); giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe… Tổng mức đầu tư tối đa cho các ngành nghề mở rộng không quá 5.000 tỷ đồng.