Cầm vé trên tay, chị Lê Thị Anh Đào (47 tuổi) kiểm tra thông tin chuyến bay, bao gồm giờ và ngày khởi hành là 19h45, ngày 2/2.
Tuy nhiên sau đó, chị Đào nhận được thông báo của hãng hàng không về việc thay đổi giờ bay sang 20h30. Đến trưa, giờ bay một lần nữa bị đổi sang 23h15 khiến chị Đào ngán ngẩm. Tuy nhiên, hai thông báo kịp thời này đã giúp chị chủ động điều chỉnh thời gian đến sân bay.
Tối đó, trên đường ra sân bay, chị đinh ninh sẽ bay chuyến 23h15 từ Hà Nội đến Huế, song mới biết giờ giấc tiếp tục bị dời xuống 0h30. Thực tế, 15 phút sau chị Đào mới được lên máy bay.
“Tưởng đi trong ngày, thành ra hôm sau mới về đến nhà”, nữ hành khách thở dài.
Chị Đào là một trong nhiều hành khách rơi vào tình trạng delay khi bay chuyến giáp Tết, cộng thêm yếu tố thời tiết không mong muốn đã ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, tâm trạng và kế hoạch ban đầu của mỗi người.
Không hài lòng cách xử lý của hãng hàng không
Hà Nội đi Huế thường là chuyến bay thẳng, song vừa qua chị Đào phải chấp nhận hạ cánh ở Đà Nẵng với lý do hãng hàng không chưa thể liên hệ với nhân viên mặt đất ở sân bay Phú Bài (Huế).
Theo chị Đào, “nghìn năm mới có chuyện trung chuyển ở cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng”.
Ban đầu, hành khách được yêu cầu giữ nguyên vị trí trên máy bay. Sau đó, đội ngũ tiếp viên điều động hành khách xuống máy bay, di chuyển tới phòng chờ của sân bay Đà Nẵng, nhưng không thông báo cụ thể giờ bay đến Huế.
“Đỉnh điểm bức xúc là cách xử lý của hãng hàng không khi máy bay đáp xuống Đà Nẵng. Khách hàng chúng tôi cứ đợi chờ trong vô vọng mà không nhận được bất kỳ thông báo nào về giờ bay đến Huế. Chúng tôi đã vạ vật tại đó 3, 4 tiếng đồng hồ. Gần một nửa số hành khách mất kiên nhẫn đã chuyển sang đi ôtô vì hai nơi chỉ cách nhau khoảng 100 km”, chị Đào bày tỏ.
Phải đến khi một số người nổi giận, nhân viên mới cho tất cả khách hàng còn lại lên máy bay. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế để trấn an khách hàng, thực tế họ vẫn phải đợi một giờ trước khi máy bay chính thức cất cánh.
Khoảng 7h20, chị Đào có mặt ở Huế sau 12 tiếng rã rời.
Thiệt hại của chuyến đi này là tinh thần rệu rã, tốn phí đặt xe đưa đón mới. Nhiều người thậm chí phải hủy khách sạn, mất tiền vé cao để bay sớm nhưng vẫn phải chờ đợi, theo chia sẻ của chị Đào.
Ngoài thiếu sót trong khâu thông báo, hướng dẫn hành khách, hãng hàng không này cũng không có sự bù đắp thỏa đáng như xin lỗi, cung cấp phần ăn nhẹ…
“Tôi rất thông cảm cho vấn đề delay vì yếu tố khách quan, song không đồng ý cách giải quyết của hãng hàng không. Giá vé một chiều tôi phải bỏ ra không thấp nhưng dịch vụ nhận lại thì chưa tương xứng. Việc delay cũng khiến chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào sự sắp xếp của hãng. Trước đó, tôi đã liên hệ tổng đài, thậm chí soạn email gửi hãng hàng không để đổi vé nhưng hai bên đùn đẩy cho nhau mà không thực sự giải quyết vấn đề của tôi”, chị Đào bức xúc.
“Quay như chong chóng”
Sát giờ bay, Thùy Linh (24 tuổi) mới nhận được email thông báo delay của hãng hàng không.
Theo đó, Linh bay từ TP HCM đến Vinh vào lúc 2h15. Trưa cùng ngày, Linh nhận được thông báo dời lịch lần một lên 0h55 - khung giờ này không có vấn đề gì đối với nữ khách hàng.
“Điều đáng nói là khi tôi đến sân bay lúc 22h, nhân viên thông báo giờ bay thành 2h15 (giờ ban đầu), nhưng email thứ hai của hãng lại ghi là 6h40. Lúc ấy, tôi đã qua cổng an ninh nên không thể ra ngoài dù bị delay 6, 7 tiếng. Tôi hỏi thăm nhân viên về sleep box (hộp ngủ) nhưng ga quốc nội không có mô hình này. Thế là tôi chờ thêm một lát, sau đó mới biết hành khách vẫn có thể ra ngoài hoặc được hỗ trợ bữa ăn tại nhà hàng của sân bay. Tôi chọn ở lại vì sợ bên ngoài không an toàn”, Linh nói.
Cảnh tượng hành khách các hãng chen chúc, vạ vật ở sân bay từ đêm khuya đến sáng khiến Linh không thể nào quên. Tâm trạng mọi người đều bực bội dù hiểu rằng đây là lỗi thời tiết, không phải điều hãng hàng không mong muốn.
Hãng cũng đã xin lỗi, tìm cách trấn an và bồi thường cho hành khách bằng suất ăn. Tuy nhiên, Linh cho rằng hãng cần cập nhật tình hình nhanh chóng hơn để hành khách chủ động sắp xếp kế hoạch.
“Hôm ấy, tôi mượn chăn của hãng, ngồi cạnh máy bán hàng tự động để cắm sạc điện thoại, xung quanh thì đông người và ồn ào tiếng trẻ con khóc khiến đầu tôi ‘đau như búa bổ’. Những ngày sau, tôi rơi vào jet lag (trạng thái rối loạn giấc ngủ) nên khó tập trung làm việc, luôn cần ngủ bù”, Linh thuật lại trải nghiệm “nhớ đời”.
Tết năm nay, chị Phạm Thị Thu Hường (52 tuổi, quê ở Hà Nội, sinh sống tại TP.HCM) bay sang Đài Loan đón Giao thừa cùng con gái và trở về Việt Nam vào mùng 3 Tết Âm lịch.
Nhớ lại khoảnh khắc trông thấy con sau nhiều giờ delay và làm thủ tục nhập cảnh, chị Hường chia sẻ: “Khoảnh khắc đó khiến tôi quên hết mệt mỏi, thật may vì cuối cùng tôi có thể rời sân bay và về nhà cùng con".
13h35 ngày 2/2, chị Hường nhận thông báo từ người quen rằng chuyến bay TP HCM đi Đài Loan bị delay đến 15h50 vì thời tiết xấu. Đây là chuyến bay thẳng, song máy bay cần đi ngang bầu trời Hà Nội - thời điểm ấy đang dày đặc sương mù - nên chị chấp nhận delay tại sân bay Tân Sơn Nhất để đảm bảo an toàn.
Sau đó, chị kiểm tra bảng thông tin điện tử tại sân bay cho chắc thì phát hiện giờ khởi hành đã đổi thành 17h40. Điều này kéo theo sự chờ đợi hơn 1,5 giờ của con gái tại sân bay Đài Loan.
Suốt thời gian delay, chị Hường phải liên tục xem bảng thông tin chứ hoàn toàn không nghe thông báo phát từ loa.
Chấp nhận yếu tố khách quan không thể can thiệp, chị được hãng hàng không phát cho một phần thức ăn, nước uống nhỏ để lót dạ. “Giá đồ ăn sân bay cao gấp 7, 8 lần bên ngoài, trong khi tôi lại ăn ít nên phần ăn như vậy là chấp nhận được với tôi. Tuy nhiên, nhiều thanh niên hoặc gia đình có con nhỏ thì không thấy đủ, họ phải cắn răng bỏ tiền mua thêm đồ ăn sân bay”, chị chia sẻ.
Chưa hết, khâu nhập cảnh tại hải quan Đài Loan cũng đông đúc hành khách khiến chị Hường tiếp tục chờ đợi. Vì thế, đồng hồ điểm 1h thì chị mới từ sân bay về nhà con gái, dù 21h30 đã có mặt tại sân bay.
Đợt này, chị Hường bỏ ra khoảng 5,4 triệu đồng cho vé hai lượt đi - về, phí hành lý ký gửi (tổng 50 kg) và bảo hiểm du lịch.
Hiện với thời tiết Đài Loan dễ chịu, chị đã kịp trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị cùng con như đạp xe, đi tàu, check-in với hoa anh đào… và quên đi trải nghiệm delay gây mệt mỏi hôm nào.
Sau lần này, chị Hường sẽ rút kinh nghiệm bằng cách mang thêm đồ khô để lót dạ, “thủ sẵn” một chai nước - uống hết nước sẽ giữ vỏ lại để lấy nước ở các vòi công cộng, đồng thời đem theo sách hoặc tai nghe để tranh thủ “giết” thời gian phòng trường hợp delay kéo dài.