Hôm 2/1, máy bay JL516 của hãng hàng không Japan Airlines (JAL) và máy bay DHC-8 của lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã va chạm trên đường băng của sân bay Haneda, Tokyo. 5 trong 6 người trên máy bay tuần duyên thiệt mạng. Còn 379 người trên chiếc Airbus 350 của JAL được sơ tán kịp thời trước khi máy bay bốc cháy dữ dội.
Theo The Japan Times, thông tin liên lạc giữa trạm kiểm soát không lưu sân bay Haneda với hai máy bay phần nào khắc họa bức tranh về những phút cuối cùng trước thảm kịch. Tuy nhiên, cuộc điều tra chính thức vẫn đang được tiến hành để làm rõ một số câu hỏi, tìm ra nguyên nhân thực sự của vụ va chạm.
Tai nạn xảy ra như thế nào?
Vào lúc 17h43 theo giờ địa phương, phi hành đoàn của JAL đã thông báo với trạm kiểm soát không lưu sân bay Haneda rằng họ sẽ hạ cánh ở đường băng 34R.
Cơ quan kiểm soát không lưu xác nhận rằng đường băng đã sẵn sàng để hạ cánh. Hướng dẫn này đã được phi hành đoàn xác nhận.
Hai phút sau cuộc gọi, lúc 17h45, máy bay DHC-8 cứu trợ nạn nhân động đất của lực lượng tuần duyên thông báo đang di chuyển về cùng một đường băng.
Cơ quan kiểm soát không lưu đã nhận thông báo và hướng dẫn DHC-8 dừng lại ở "Charlie 5", điểm dừng bên ngoài đường băng 34R.
Theo bản ghi thông tin liên lạc do Bộ Giao thông Vận tải tải công bố hôm 3/1, phi hành đoàn máy bay DHC-8 đã nhận được chỉ thị này.
Thế nhưng, vào khoảng 17h47, trong quá trình hạ cánh, chiếc máy bay thương mại của JAL đã đâm vào DHC-8, lúc này nằm ngay phía bắc điểm hạ cánh trên đường băng 34R. JL516 bốc cháy sau khi trượt khoảng 1.000 m trên đường băng.
Chiếc DHC-8 cũng bốc cháy, khả năng cao do buồng nhiên liệu rò rỉ vì va đập mạnh.
Fumio Higuchi, cựu cơ trưởng của All Nippon Airways của Nhật Bản, cho biết: "Hình ảnh tai nạn cho thấy chiếc JL516 cháy với phần mũi hướng xuống và phần đuôi hướng lên trên, có vẻ bánh xe ở mũi đã bị mất".
Những câu hỏi cần giải đáp
Cuộc điều tra sẽ tập trung vào 3 điểm chính.
Thứ nhất, hồ sơ chuyến bay được công bố cho đến nay cho thấy không có chỉ dẫn nào từ cơ quan kiểm soát không lưu để DHC-8 tiến vào đường băng 34R. Trong số những người dự kiến được thẩm vấn có Genki Miyamoto, cơ trưởng 38 tuổi của DHC-8, người duy nhất sống sót trên máy bay cứu hộ.
Ông Higuchi, cựu cơ trưởng ANA, chỉ ra rằng thông tin sai lệch giữa phi công và nhân viên mặt đất là nguyên nhân có thể gây ra tai nạn chết người.
Thứ hai, các nhân viên kiểm soát không lưu cũng là một phần quan trọng trong cuộc điều điều tra vì họ được giao nhiệm vụ giám sát xem máy bay có di chuyển theo đúng hướng dẫn hay không.
Tại Haneda, kiểm soát viên không lưu, những người dựa vào radar để xác định vị trí của máy bay trên đường băng, làm việc theo cặp để có thể kiểm tra khả năng phán đoán của nhau và phát hiện những điểm bất thường.
"Họ có thể phải ra lệnh cho DHC-8 dừng tiến vào đường băng hay JL516 bay vòng hoặc hủy bỏ việc hạ cánh", ông Higuchi nói.
Câu hỏi thứ 3 là tại sao phi công của JL516 không chú ý đến sự xuất hiện của DHC-8 trên đường băng.
Hiroshi Sugie, nhà bình luận hàng không và cựu cơ trưởng JAL, nói rằng DHC- 8 không phải là một chiếc máy bay nhỏ.
Ông Sugie cho biết các máy bay trên đường băng được trang bị đèn chống va chạm để các máy bay khác có thể nhìn thấy chúng. Ngoài ra, chiếc Airbus 350 của JAL cũng được trang bị đèn để chiếu sáng đường đi trong quá trình cất/hạ cánh, cho phép phi công kiểm tra xem có vật cản nào hay không.
Tình trạng quá tải ở sân bay
Haneda là sân bay đông đúc nhất của Nhật Bản. Khoảng 60 triệu hành khách đã đi qua sân bay này trong 12 tháng tính đến tháng 3/2023.
Đây cũng là sân bay bận rộn thứ ba trên thế giới, sau Atlanta (Georgia, Mỹ) và Dubai, theo nhà cung cấp dữ liệu du lịch toàn cầu OAG.
Silvia Pignata, giảng viên cao cấp về hàng không tại Đại học Nam Australia, chỉ ra rằng sân bay Haneda đang hoạt động ở chế độ hỗn hợp, trong đó các chuyến bay đến và khởi hành tại cùng một đường băng, điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
Bà Sugie cũng đồng ý rằng tình trạng ùn tắc gia tăng nguy cơ va chạm. Để xử lý nhiều chuyến bay hơn, các sân bay đã thu hẹp khoảng thời gian giữa lúc cất và hạ cánh.
Theo báo cáo công bố hồi tháng 6 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, đến năm 2040, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trên toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi.
Yasuo Hashimoto, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Quản lý Hàng không thuộc Đại học JF Oberlin ở Tokyo, cảnh báo: "Rủi ro va chạm sẽ tăng lên từng ngày".
Ông Hashimoto cho rằng hoạt động kiểm soát không lưu của sân bay cần phải được thực hiện thông minh hơn với các thiết bị cảm biến và trí tuệ nhân tạo, nhằm giảm thiểu rủi ro do con người gây ra.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, trong số 64 vụ tai nạn hàng không trong năm 2022, có 3 vụ liên quan đến va chạm trên đường băng.
Năm 2015, một chiếc máy bay của JAL đã buộc phải hạ cánh tại sân bay Tokushima ở miền Tây Nhật Bản sau khi phi công phát hiện một chiếc xe tải trên đường băng. Nguyên nhân của sự cố này là sai sót của cơ quan kiểm soát không lưu.
Năm 1991, 35 người thiệt mạng sau vụ va chạm trên đường băng tại Sân bay Quốc tế Los Angeles. Vụ tai nạn xảy ra khi chuyến bay SkyWest được hướng dẫn vào vị trí cất cánh, trong khi một chuyến bay của US Air đang hạ cánh trên cùng đường băng.
Ảnh: Reuters