Tài chính

Chuyên gia: Mặt bằng lãi suất có thể tăng trở lại năm nay

Theo các chuyên gia tài chính, sau năm 2023 giảm lãi suất liên tục. Trong năm 2024, lãi suất huy động và cho vay có thể tăng trở lại.

Theo các chuyên gia tài chính, sau năm 2023 giảm lãi suất liên tục. Trong năm 2024, lãi suất huy động và cho vay có thể tăng trở lại.

Trong tháng đầu năm 2024, các ngân hàng vẫn ghi nhận xu hướng tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay.

Với lãi suất huy động, tính từ đầu tháng 1 đến nay, đã có 13 ngân hàng thông báo điều chỉnh giảm biểu lãi suất áp dụng với các khách hàng cá nhân. Gần nhất, Vietcombank đã có bước điều chỉnh giảm lãi suất ở tất cả kỳ hạn.

Sau đợt điều chỉnh này, lãi suất tiết kiệm tại Vietcombank đã xác lập mức đáy mới của tiền gửi kỳ hạn ngắn 1-2 tháng ở 1,7%/năm. Tương tự, các kỳ hạn gửi khác tại Vietcombank đều chỉ được trả mức lãi suất cực thấp. Như gửi 3-5 tháng chỉ hưởng lãi suất 2%/năm; gửi 6 tháng trả 3%/năm và 12 tháng trở lên khách hàng cá nhân chỉ được hưởng lãi 4,7%/năm.

Lãi suất huy động và cho vay đã giảm liên tục trong năm 2023 và đầu năm 2024. Ảnh: Việt Linh.

Lãi suất thấp kỷ lục

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, hiện vẫn có một số ngân hàng như HDBank, NCB, VietBank, VietABank, KienlongBank... còn huy đông lãi suất vào khoảng 6%/năm trở lên. Tuy nhiên, mức lãi suất này cũng chỉ được áp dụng với các kỳ hạn dài 18 tháng trở lên.

Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần như SCB, Techcombank, ACB đã đưa lãi suất huy động về ngang với các ngân hàng quốc doanh. Nhìn chung, so với cuối năm 2022, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm tới 3-5%.

Lãi suất huy động là thế, lãi suất cho vay cũng được Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua và nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa.

Ông Tú cho biết trong năm 2023, với việc liên tục 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, mức giảm 0,5-2%/năm đã tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2%/năm so với cuối năm 2022.

Lãi suất giải ngân mới các khoản cho vay mua nhà đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Ảnh: SSI.

Phân tích kỹ hơn về câu chuyện lãi suất, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nói hiện tại thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng), lãi suất qua đêm giữa các ngân hàng đang rất thấp, chỉ ở mức 0,2-0,5%. Điều này tạo điều kiện rất tốt để các ngân hàng thương mại có dư địa cho vay với lãi suất thấp.

Còn ở thị trường 1 (ngân hàng với doanh nghiệp, người dân), hiện lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại áp dụng với các giao dịch mới phát sinh chỉ khoảng 3,9%/năm, lãi suất cho vay bình quân tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,7%/năm, giảm trên 2% so với thời điểm cuối năm 2022.

“Có thể nói, cả lãi suất huy động lẫn cho vay tại các ngân hàng thương mại thời điểm hiện tại đang thấp hơn khá xa so với trước đại dịch Covid-19”, ông Quang nói.

Kịch bản lãi suất sẽ tăng năm nay

Bối cảnh trên khiến dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay trong năm nay rất thấp. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu: “Lãi suất huy động và cho vay trong năm 2024 sẽ tăng. Cụ thể, với lãi suất cho vay tăng bình quân cả năm 2024 sẽ là 2%. Còn lãi suất huy động cũng có thể tăng khoảng 2-3%/năm. Tuy nhiên, diễn biến này có thể không xảy ra ngay đầu năm mà bắt đầu từ quý II”.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính. Ảnh: NVCC.

Theo vị chuyên gia, về lãi suất huy động, nếu các ngân hàng điều chỉnh giảm quá thấp sẽ tạo ra lãi suất thực âm (do lãi suất thấp hơn mức lạm phát - PV). Điều này sẽ khiến dòng tiền chảy ra khỏi ngân hàng để vào những kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn. Điều này đồng nghĩa dư địa cho các ngân hàng hạ lãi suất huy động là không còn nhiều.

Về lãi suất cho vay từ các ngân hàng, kịch bản cho năm nay tăng nhiều hơn giảm. Điều này căn cứ vào việc nền kinh tế trong năm 2024 có thể tăng trưởng tốt hơn so với năm 2023, từ đó kéo hoạt động tín dụng tốt lên. Khi người dân và doanh nghiệp vay tiền nhiều hơn thì kéo lãi suất cho vay tăng.

Thứ hai, cơn địa chấn sau Covid-19 vẫn còn dai dẳng và trong năm 2023 đã có rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa cùng những rủi ro tín dụng tăng cao. Bối cảnh đó khiến lãi suất cho vay trong năm nay có thêm dư địa tăng.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị thêm rằng mức tăng của lãi suất sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế. Trường hợp các doanh nghiệp đi vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn còn trường hợp sức khỏe doanh nghiệp vẫn ở mức lưng chừng như năm 2023, có thể lãi suất sẽ chỉ tăng đôi chút.

Còn theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán MB (MBS), lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý I năm nay và khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024.

"Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 25-50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25-5,5%/năm trong năm 2024", MBS dự báo.

Trong khi đó, Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của Công ty Chứng khoán VinaCapital dự báo trong năm 2024, lãi suất của Việt Nam sẽ bình ổn và hỗ trợ cho nền kinh tế.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/chuyen-gia-mat-bang-lai-suat-co-the-tang-tro-lai-nam-nay-post1454622.html