"Với quy mô rất nhỏ và một lịch sử làm ăn thua lỗ, Pacific Airlines không có triển vọng tái cơ cấu thành công để hoạt động hiệu quả. Hãng chỉ có thể phá sản luôn, hoặc đóng cửa và sáp nhập toàn bộ vào Vietnam Airlines", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM đánh giá.
Vietnam Airlines đang "đèo bòng" Pacific
Nói với Tri Thức - ZNews, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết qua hai năm bị “bão” Covid-19 càn quét, Pacific Airlines lại rơi vào thảm cảnh khi không có doanh thu.
Đến cuối năm 2022, ước tính lỗ lũy kế của hãng bay này đã lên đến hơn 10.700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 6.700 tỷ đồng. Chưa kể, Pacific Airlines đang nợ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hơn 874 tỷ đồng.
Trước đó, hãng cũng trải qua nhiều lần tái cơ cấu, thậm chí có sự đầu tư, giúp sức từ Tập đoàn Qantas (Australia) nhưng vẫn không thể "vút bay".
Mặt khác, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Vietnam Airlines mặc dù là cổ đông lớn của Pacific Airlines nhưng cũng đang phải chật vật để thoát khỏi tình trạng thua lỗ. Kết thúc năm 2023, Vietnam Airlines vẫn lỗ sau thuế 5.517 tỷ đồng.
Nhìn một cách tích cực, khoản lỗ này đã giảm hơn một nửa so với năm 2022. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã thua lỗ 4 năm liên tiếp, khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối năm 2023 âm gần 41.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng âm gần 17.000 tỷ đồng.
Đáng nói, việc lỗ ròng 4 năm liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu đã đặt cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vào nguy cơ bị hủy niêm yết.
Sau khi trả hết máy bay để xóa khoản nợ 220 triệu USD, Pacific Airlines dự định thuê khô 3 máy bay của Vietnam Airlines để tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, chính hãng hàng không quốc gia cũng đang phải vật lộn với cơn "ác mộng" thiếu máy bay khi 20 chiếc Airbus A321 của hãng sẽ phải tạm dừng khai thác để kiểm tra theo thông báo của Pratt & Whitney.
"Vietnam Airlines đã khó khăn vẫn phải tiếp tục 'đèo bòng' Pacific Airlines", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhìn nhận.
Chưa thể thoái vốn
Cũng theo vị chuyên gia hàng không, với tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm gần như tuyệt đối, việc thoái vốn khỏi Pacific Airlines hoặc để hãng bay này mở thủ tục phá sản cũng không phải chuyện dễ dàng.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines - doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở lên - không thể thoái vốn tại các doanh nghiệp đang bị lỗ, lỗ lũy kế, ảnh hưởng đến vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Vietnam Airlines đã khó khăn vẫn phải tiếp tục đèo bòng Pacific Airlines
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM
"Để được thoái vốn, hoạt động kinh doanh của Pacific Airlines phải có 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Điều này rất khó trở thành hiện thực", PGS.TS Tống khẳng định.
Do đó, một trong những điểm Bộ Tài chính muốn sửa đổi tại Nghị định số 91 là liên quan đến quy định thoái vốn khỏi các doanh nghiệp đang bị lỗ, nhằm gỡ nút thắt cho Vietnam Airlines và các trường hợp khác.
Song, dự thảo Nghị định sửa đổi đang trong quá trình lấy ý kiến, tổng hợp trước khi trình lên Chính phủ xem xét phê duyệt. Vì vậy hiện tại, Pacific Airlines vẫn phải hoạt động ở trạng thái "què quặt".
Hãng bay quốc tế ra sao khi mở thủ tục phá sản?
Thực tế trên thế giới, việc một hãng hàng không xin mở thủ tục phá sản không mới. Đã có nhiều hãng bay quốc tế vì nhiều lý do mà nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau 2 năm đại dịch Covid-19, trong đó có nhiều hãng tên tuổi như Thai Airways, Air Italy, Alitalia hay Virgin Atlantic.
Theo thống kê của AllPlane.tv, trong giai đoạn từ 2020 đến tháng 5/2023, đã có tổng cộng 72 hãng hàng không trên thế giới đệ đơn phá sản, ngừng hoạt động, thanh lý toàn bộ tài sản hoặc tái cấu trúc.
Vào tháng 5/2020, khi Thai Airways nộp đơn xin phá sản lên tòa án, Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan cho biết tài sản của hãng bay này được định giá khoảng 256 tỷ baht (khoảng 8 tỷ USD) cho đến cuối năm 2019, trong khi tổng nợ phải trả là 245 tỷ baht (khoảng 7,7 tỷ USD).
Nội các Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch tái cấu trúc tài chính của Thai Airways sau khi hãng đệ đơn phá sản lên toà án. Hãng hàng không Thái Lan được các tòa án bảo vệ và một chuyên gia được chỉ định để giám sát việc tái cấu trúc, nhân viên của hãng hàng tiếp tục có việc làm.
Nhờ được bảo hộ phá sản, Thai Airways đã có thời gian phục hồi hoạt động kinh doanh. Doanh thu của công ty này đã tăng gấp 4 lần vào năm 2022, lên 2,69 tỷ USD. Ngoài ra, hãng hàng không quốc gia của Thái Lan cũng đang có kế hoạch mua sắm thêm tàu bay.
Một cái tên khác thành công nhờ bảo hộ phá sản là Virgin Atlantic. Hãng hàng không của tỷ phú Richard Branson vào năm 2020 đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Đến năm 2022, theo Giám đốc tài chính Oliver Byers, Virgin Atlantic đã đạt số chuyến bay như trước đại dịch.
Thai Airways và Virgin Atlantic là hai trong số những hãng bay nhờ quá trình bảo hộ phá sản mà đã tái cơ cấu thành công và trở lại bầu trời. Từ đây có thể thấy bảo hộ phá sản không đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho một hãng hàng không.
Trong khi đó, hãng bay Alitalia của Italy hồi tháng 8/2021 cũng đã chính thức phá sản hoàn toàn và chấm dứt lịch sử 75 năm hoạt động. Tài sản và dịch vụ của Alitalia được rao bán, trong đó phần lớn được mua để tái cơ cấu trong hãng hàng không quốc gia mới là Italia Transporto Aereo (ITA).