Trong nước

Cổ phiếu bất động sản, tài chính sụt giảm, vốn ngoại tiếp tục bán ròng

Những nỗ lực phục hồi đã không thành công chiều nay, VN-Index chớm vượt tham chiếu trong vài chục phút rồi lại đổ đèo. Áp lực bán tiếp tục duy trì ở vùng giá thấp khiến độ rộng thị trường hẹp. Thêm nữa, nhóm cổ phiếu dẫn dắt và tạo cảm hứng là bất động sản, chứng khoán, ngân hàng đã nắm tay nhau giảm...

Những nỗ lực phục hồi đã không thành công chiều nay, VN-Index chớm vượt tham chiếu trong vài chục phút rồi lại đổ đèo. Áp lực bán tiếp tục duy trì ở vùng giá thấp khiến độ rộng thị trường hẹp. Thêm nữa, nhóm cổ phiếu dẫn dắt và tạo cảm hứng là bất động sản, chứng khoán, ngân hàng đã nắm tay nhau giảm.

Đỉnh cao nhất VN-Index đạt được chiều nay chỉ tăng 0,35% so với tham chiếu, tức à thấp hơn đáng kể so với đỉnh cao ngày. Tại thời điểm này độ rộng cũng khá tốt với 248 mã tăng/149 mã giảm. Như vậy cũng có nỗ lực phục hồi trên diện rộng. Tuy nhiên đến hết phiên, VN-Index lại quay đầu giảm 0,41% tương đương -4,46 điểm và chỉ còn 182 mã tăng/234 mã giảm.

Với biến động độ rộng nói trên, thị trường có những xung lực ở cổ phiếu cụ thể, nhưng phần lớn là không thành công. Mặt bằng cổ phiếu phiên chiều thấp hơn hẳn buổi sáng. Ví dụ riêng rổ VN30, có tới 22 mã đóng cửa thấp hơn giá chốt phiên sáng, chỉ 7 mã lên cao hơn.

Sức ép khá mạnh xuất hiện ở nhiều cổ phiếu lớn nên ngay cả nỗ lực đẩy giá VIC, VHM trong đợt ATC cũng không đem lại hiệu ứng gì. VIC từ giá 5.000 đồng – dưới tham chiếu – được kéo lên 54.300 đồng, tăng 0,37%. VHM cũng được giật trở về tham chiếu trong giao dịch cuối cùng. Mức thay đổi là nhỏ, cộng với loạt mã lớn khác như BID, VPB, CTG HPG, MBB giảm sâu đã triệt tiêu lẫn nhau. VN-Index kết phiên ở ngưỡng điểm thấp nhất ngày.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đã suy yếu đáng kể. Chỉ có 8/27 cổ phiếu ngân hàng ở các sàn là tăng. Trừ HDB thuộc nhóm VN30 là còn khá, tăng 1,06%, các mã khác đều nhỏ. Chứng khoán cũng chỉ có HCM là xếp vào hàng blue-chips và còn tăng nhẹ 0,58%, trong khi SSI giảm 1,45%, VCI giảm 1,39%, VND giảm 1,94%, MBS giảm 1,35%, FTS giảm 1,49%...

Trong khi đó cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa mạnh. Số ít cổ phiếu có tính đầu cơ cao vẫn đang tăng khỏe: LDG, HQC, FDC, IJC kịch trần. Nhóm NVL, SCR, TCH, HPX, DIG cũng tăng hơn 1%. Số khác giảm sâu trên 2% như DXS, BII, CEO, NBB, SGR...

Cổ phiếu bất động sản đã phân hóa thay vì tăng cả loạt giống hôm qua.

Hiện tượng suy yếu từ sáng và càng yếu hơn buổi chiều cho thấy các đợt chốt lời xuất hiện liên tục, đủ lớn để chặn đứng nỗ lực tăng giá trở lại. Đây là diễn biến không khó đoán vì trước hôm qua, thị trường cũng đã có nhịp tăng T+3 khá tốt, nhiều mã tăng tới T+5. Hôm qua giá lại có biên độ tăng đột biến, càng đẩy cao hơn lợi nhuận.

Khối ngoại cũng có thêm một ngày bán ròng nữa, dù quy mô chỉ -73,5 tỷ đồng. Dù nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua vào tốt, nhưng tốc độ bán tăng nhanh hơn khiến vị thế thay đổi. DXG -45,1 tỷ, DPM -35,4 tỷ, VND -26,3 tỷ, DCM -20,4 tỷ là đáng kể nhất. Phía mua có HDB +25,2 tỷ, HSG +16 tỷ, SSI +16,9 tỷ, HCM +16,5 tỷ là nhiều nhất.

Chiều nay thanh khoản không tăng thêm được nhiều, hai sàn niêm yết giao dịch gần 5.993 tỷ đồng, chỉ cao hơn buổi sáng khoảng 5%. Trong khi đó cổ phiếu lại hạ độ cao đồng nghĩa với khả năng mua đẩy giá đã suy yếu, trong khi bán hạ giá có phần lấn lướt. Dù độ rộng thu hẹp, cổ phiếu giảm giá nhiều hơn tăng, nhưng biên độ thay đổi cũng không quá nhiều. Trong 182 cổ phiếu còn tăng giá ở HoSE cuối ngày, 88 mã tăng trên 1%. Trong 234 mã giảm, 104 mã giảm trên 1%. Đà giảm áp đảo hoàn toàn ở nhóm blue-chips khi VN30-Index giảm 0,59% và chỉ 9 mã tăng/18 mã giảm.

HoSE ghi nhận 28 cổ phiếu thanh khoản trên trăm tỷ phiên này thì số còn giữ được đà tăng chỉ có 8 mã. Loạt cổ phiếu thép bị xả rất lớn, HPG thanh khoản dẫn đầu thị trường với 452,5 tỷ đồng giá rơi 1,37%; HSG giao dịch 351,9 tỷ đồng, giá giảm 2,47%; NKG giao dịch 217,6 tỷ đồng, giá giảm 2,86%... Ngân hàng, chứng khoán cũng thuộc nhóm thanh khoản nhất và giá cũng rơi sâu.

Áp lực chốt lời là khác nhau với từng cổ phiếu, nhưng chừng nào độ rộng vẫn duy trì phân hóa, thị trường còn có cơ hội để dòng tiền hoạt động riêng lẻ. Tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn hôm nay đạt trên 11.660 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với hôm qua thể hiện dòng tiền vẫn vào khá tốt. Nếu lực cầu đủ để hấp thụ khối lượng bán ngắn hạn, thị trường vẫn có cơ hội đi tiếp.

Link bài gốcLấy link
https://vneconomy.vn/co-phieu-bat-dong-san-tai-chinh-sut-giam-von-ngoai-tiep-tuc-ban-rong.htm