Nhắc đến những lý do khiến người trẻ hiện nay ngại sinh con, chi phí luôn là một trong những yếu tố hàng đầu.
Theo khảo sát của NerdWallet, có khoảng 30% những cha mẹ gen Y tại Mỹ đã có con cho rằng chi phí là rào cản khiến họ không thể có thêm con. Ngoài ra, cũng có khoảng một phần ba cặp đôi chưa có con đưa chi phí vào những lý do khiến họ ngại đón thêm thành viên mới.
"Trải nghiệm quý báu mà mỗi người đều có quyền được hưởng nếu muốn làm cha mẹ, trở thành một dấu hiệu đặc quyền trong nền kinh tế hiện nay. Những đánh đổi khi làm cha mẹ còn cao hơn nếu xét đến những điều họ phải từ bỏ khi có con, chẳng hạn quỹ khẩn cấp, tiền hưu hay các mục tiêu tài chính", Sarah Foster, biên tập viên của Bankrate (Mỹ), cho biết.
Chi phí nuôi con cũng là trở ngại tương tự tại Trung Quốc, khi một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Dân số YuWa có trụ sở tại Trung Quốc công bố hồi tháng 2, cho biết chi phí nuôi con ở nước này cao thứ hai thế giới.
Nghiên cứu cho biết chi phí trung bình để nuôi một đứa con từ khi sinh ra đến 17 tuổi là 74.800 USD, lên đến hơn 94.000 USD nếu tính thêm thời gian học đại học.
Con số này tại Trung Quốc cao gấp 6,3 lần GDP bình quân đầu người ở nước này, và chỉ xếp sau Hàn Quốc (7,79 lần) trong số những nước có chi phí nuôi con tốn kém nhất so với thu nhập của người dân.
Tại Mỹ, chi phí nuôi con cao gấp 4 lần GDP bình quân đầu người nước này, khi những cha mẹ có thể phải mất hơn 300.000 USD để nuôi một đứa con đến 18 tuổi.
Bài toán chi phí
Tỷ lệ sinh giảm có thể tăng chi phí nuôi mỗi đứa trẻ tại Trung Quốc. Tỷ lệ sinh ở quốc gia tỷ dân năm 2023 là 6,39 trẻ trên 1.000 người.
Viện YuWa đã dẫn báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) rằng với các gia đình có một con, chi phí nuôi mỗi đứa trẻ sẽ cao hơn 27% so với chi phí trung bình ở gia đình có hai con. Điều này đến từ việc những gia đình có hơn một con thì những người con có thể chia sẻ phòng ngủ, đồ chơi hay những vật dụng khác.
Nơi sống cũng ảnh hưởng đáng kể đến chi phí nuôi con của mỗi gia đình, đặc biệt ở các thành phố lớn thì tỷ lệ sinh càng giảm. Thượng Hải và Bắc Kinh là hai thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc khi nuôi con, với khoảng 130.000-140.000 USD từ khi đứa con chào đời đến lúc 18 tuổi.
Tại Mỹ, một gia đình ở thành phố Sumer, bang Nam Carolina, có thể mất 4.800 USD/năm cho chi phí chăm sóc trẻ em, nhưng con số này có thể lên đến 22.000 USD/năm nếu ở Ann Arbor, bang Michigan, theo Parents.
Nghiên cứu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ ra các cặp đôi có con sẽ gánh khoản nợ 168.000 USD từ các khoản vay, thế chấp và tín dụng so với những gia đình không con là 100.000 USD.
Khi đứa trẻ càng lớn thì càng nhiều loại chi phí xuất hiện. Bộ Tài chính Mỹ cho biết mỗi gia đình sẽ mất khoảng 10.000 USD/năm để nuôi đứa trẻ đến 4 tuổi.
Khi đến trường, học phí, sách giáo khoa và các thiết bị công nghệ hỗ trợ học tập có thể tiêu tốn 16.000 USD mỗi năm, bên cạnh những chi phí cho các hoạt động ngoại khóa.
Người trẻ chọn tận hưởng cuộc sống
Liang Jianzhang, giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, trưởng nhóm nghiên cứu của YuWa, cho biết thay đổi thái độ cũng là yếu tố khiến nhiều người không còn mặn mà có con. Nhiều phụ nữ thành thị không còn coi việc làm mẹ là yếu tố cần thiết để có được hạnh phúc trong cuộc sống.
"Điều lớn nhất mà tôi nghĩ đến lúc này là làm thế nào để tiết kiệm tiền nghỉ hưu. Với thu nhập hiện tại, tôi sẽ khó nghỉ hưu sớm", Emily Huang, 29 tuổi, nhà sáng tạo nội dung, nói với Business Insider.
Xu hướng "DINK" (gấp đôi thu nhập, không có con) của các cặp đôi trẻ ngày càng phổ biến cũng khiến gia tăng dân số ở một vài quốc gia chững lại.
Các cặp đôi DINK chọn không có con đôi khi không hoàn toàn từ áp lực kinh tế, mà họ cảm thấy mình có thể phân bổ thu nhập thoải mái hơn, theo South China Morning Post.
Parul Bhandari, nhà xã hội học tại Đại học Cambridge, Anh cho biết những cặp đôi DINK thường bị coi là ích kỷ, là vấn đề của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, lý do có thể rộng hơn, chẳng hạn yếu tố tâm linh, lo ngại về tình trạng dân số toàn cầu quá đông, hay vấn đề sức khỏe.
Khảo sát từ Cục Thống kê Hàn Quốc năm 2023 cho biết khoảng 30% trong hơn 810.000 cặp đôi đã kết hôn nói rằng họ sẽ theo đuổi lối sống DINK trong 5 năm đầu hôn nhân, so với 19% trong khảo sát tương tự năm 2015.
Cơ quan thống kê Hàn Quốc cho biết những yếu tố tác động lên quyết định của các cặp đôi bao gồm sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ trong lực lượng lao động, xã hội cởi mở hơn với các cặp vợ chồng không có con, hay nhiều cặp đôi chọn sinh con muộn.