Có thể bạn quan tâm

Cơn đau đầu 'già trước khi giàu' của Trung Quốc

Trung Quốc hiện đối mặt viễn cảnh dân số già và tỷ lệ sinh liên tục giảm. Vấn đề nhân khẩu học thành tin xấu với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, với nỗi lo 'già trước khi giàu'.

Nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc hiện không có kế hoạch kết hôn. Ảnh: Xinhua.

Crystal (không phải tên thật) năm nay 26 tuổi và sống ở Bắc Kinh. Không giống hầu hết phụ nữ thuộc các thế hệ trước ở Trung Quốc, cô chưa lập gia đình và hiện không gặp áp lực phải kết hôn.

Khi được hỏi lý do, cô cười: “Tôi nghĩ đó là vì các thành viên trong gia đình tôi chưa bao giờ ly hôn hoặc kết hôn”.

Đây dường như là tâm lý chung của những phụ nữ trẻ thành thị ở Trung Quốc. Khảo sát năm 2021 của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc với gần 3.000 người trong độ tuổi 18-26 cho thấy hơn 40% phụ nữ trẻ sống ở thành phố không có kế hoạch kết hôn. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nam giới là chưa đến 25%.

BBC nhận định xu hướng này một phần là do chi phí chăm sóc trẻ tăng cao và hệ lụy từ chính sách một con của Trung Quốc.

“Chỉ một con hoặc không có con trở thành chuẩn mực trong xã hội Trung Quốc”, Yi Fuxian - nhà khoa học cấp cao về sản phụ khoa tại Đại học Wisconsin-Madison - cho biết. “Nền kinh tế, môi trường xã hội, giáo dục và hầu hết thứ khác đều xoay quanh chính sách một con”.

Tin xấu

Dữ liệu gần đây do chính phủ công bố cho thấy dân số Trung Quốc đại lục, không bao gồm Đài Loan, Hong Kong và Macau, đã giảm lần đầu sau 61 năm. "Vào cuối năm 2022, dân số cả nước là 1,41 tỷ người, giảm 850.000 người so với cuối năm 2021", Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết.

Trong khi đó, tỷ lệ sinh trên toàn quốc chạm mức 6,77 ca sinh trên 1.000 người vào năm 2022, giảm từ 7,52 vào năm 2021. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 1949, South China Morning Post đưa tin.

Đây được coi là tin xấu với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khi lực lượng lao động bị thu hẹp và dân số già bắt đầu gây áp lực lên các dịch vụ phúc lợi nhà nước.

Hiện có 875 triệu người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc (16-59), chiếm 60% dân số cả nước. Con số này dự kiến giảm thêm khoảng 35 triệu người trong vòng 5 năm tới, theo ước tính của chính phủ năm 2021.

Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc chạm mức 6,77 ca sinh trên 1.000 người vào năm 2022, thấp nhất kể từ năm 1949. Ảnh: Reuters.

“Cấu trúc nhân khẩu học của Trung Quốc năm 2018 tương tự Nhật Bản năm 1992”, ông Yi nói. "Và cấu trúc nhân khẩu học của Trung Quốc vào năm 2040 sẽ tương tự Nhật năm 2020”.

Cho đến năm ngoái, nhiều nhà kinh tế học cho rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào cuối thập kỷ này. Tuy nhiên, ông Yi cho rằng điều này bây giờ dường như khó xảy ra.

“Đến năm 2031-2035, Trung Quốc sẽ kém Mỹ về tất cả chỉ số nhân khẩu học và tăng trưởng kinh tế”, ông nhận định.

Hệ thống lương hưu gặp áp lực

Độ tuổi trung bình ở Trung Quốc hiện là 38. Tuy nhiên, khi dân số già đi và tỷ lệ sinh ngày càng giảm mạnh, có lo ngại lực lượng lao động của Trung Quốc có thể sẽ không đủ khả năng hỗ trợ nhóm nghỉ hưu.

Tuổi nghỉ hưu của nam giới ở Trung Quốc là 60, trong khi nữ giới là 55. Hiện người trên 60 tuổi chiếm gần 1/5 dân số. Tại Nhật Bản - một trong những quốc gia có dân số già nhanh nhất thế giới, gần 1/3 từ 65 tuổi trở lên.

“Già hóa dân số không chỉ diễn ra ở mỗi Trung Quốc, nhưng áp lực lên hệ thống lương hưu với nước này nghiêm trọng hơn rất nhiều”, Louise Loo - nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics - cho biết.

Quỹ hưu trí của Trung Quốc được quản lý ở cấp tỉnh, nhận đóng góp từ lực lượng lao động để trả lương hưu cho người già.

Khi nhận thấy lỗ hổng trong hệ thống này, vào năm 2018, Bắc Kinh tạo một quỹ chuyển tiền chi trả lương hưu từ các tỉnh giàu hơn như Quảng Đông sang những tỉnh bị thâm hụt.

Hiện người trên 60 tuổi chiếm gần 1/5 dân số Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Vào năm 2019, báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán khi lực lượng lao động bị thu hẹp, quỹ hưu trí chính của nước này sẽ cạn kiệt vào năm 2035.

Sau đó, vào năm 2022, Trung Quốc triển khai chương trình hưu trí tư nhân đầu tiên tại 36 thành phố, cho phép các cá nhân mở tài khoản tại ngân hàng để mua các sản phẩm hưu trí.

Tuy nhiên, bà Loo cho rằng không rõ nhiều người Trung Quốc - những người có xu hướng đầu tư tiền tiết kiệm theo cách truyền thống như bất động sản - có chuyển sang các quỹ hưu trí tư nhân không.

Những vấn đề này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Nhật Bản và Hàn Quốc đều có dân số già đi và lực lượng lao động thu hẹp.

Ông Yi lưu ý Bắc Kinh có thể đi theo đường hướng của Tokyo nhằm giảm chi phí nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc, “quốc gia già trước khi giàu”, có khả năng không đủ nguồn tài chính để đi theo con đường của Nhật Bản.

Đây không phải điều duy nhất Bắc Kinh lo lắng. Ngày càng nhiều người trẻ ở đất nước tỷ dân chọn lối sống buông xuôi khi từ bỏ nỗ lực thăng tiến, mua nhà, tậu xe, kết hôn và sinh con.

Theo Sixth Tone, "triết lý nằm thẳng" xuất phát từ một bài đăng hiện đã bị xóa trên diễn đàn Tieba. Chủ nhân bài đăng này đề cập đến thuật ngữ "tang ping" - hành động quyết tâm bỏ qua mọi nỗ lực để hoàn thành một công việc, mục tiêu nào đó.

“Lực lượng lao động là bột mì, và hệ thống lương hưu là kỹ năng làm bánh mì. Không có đủ bột mì thì không thể làm đủ bánh mì, ngay cả khi có kỹ năng làm bánh mì siêu đẳng”, ông Yi nói.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/con-dau-dau-gia-truoc-khi-giau-cua-trung-quoc-post1413114.html