Trong văn hóa cổ truyền của Trung Quốc, rồng được xem là vật tổ, biểu tượng của quyền quý, sức mạnh và sự xuất sắc. Do đó, người Trung Quốc quan niệm rằng những đứa trẻ sinh vào năm Thìn sẽ gặp may mắn, có triển vọng thành đạt và tương lai phi thường hơn những em bé sinh ở con giáp khác.
Vì vậy, cứ đến năm Thìn, Trung Quốc sẽ chứng kiến tỷ lệ sinh tăng đột biến, với sự ra đời của nhiều "em bé rồng".
Dân số tăng trong mỗi năm rồng
Theo Sina, báo cáo đầu tiên về sự bùng nổ của xu hướng sinh con tuổi rồng là vào năm 1991 ở Đài Loan.
Sau khi tiến hành phân tích thống kê tỷ lệ sinh từ năm 1961 đến năm 1989, các chuyên gia nghiên cứu phát hiện năm 1976 (Bính Thìn) và năm 1988 (Mậu Thìn) có số lượng em bé chào đời tăng cao hơn những năm khác.
Qua tìm hiểu, nhiều cặp vợ chồng sinh con vào 2 mốc thời gian này cho biết họ đã thay đổi thời gian thụ thai để săn con tuổi rồng với hy vọng con cái như cá chép vượt Vũ môn hóa Rồng, công thành danh toại, còn gia đình sẽ được hưởng thêm nhiều may mắn.
Phân tích tỷ lệ sinh tại Hong Kong (Trung Quốc) từ năm 1971 đến năm 2004, các chuyên gia cũng phát hiện số ca sinh trong hai năm Thìn 1988 và 2000 cao hơn rất nhiều so với năm khác.
Năm 1998 ghi nhận tỷ lệ sinh tăng 7,8% so với năm 1987, còn năm 2000 tăng 5,5% so với năm 1999.
Sina cho biết ở Trung Quốc đại lục, sinh con tuổi rồng từng là cuộc đua nước rút với nhiều gia đình vào năm 2012.
Theo tỷ lệ sinh được ghi nhận trong Niên giám thống kê dân số Trung Quốc năm 2021, tổng số trẻ em sinh ra năm 2012 là 19,73 triệu người, còn năm 2011 và năm 2013 lần lượt là 17,97 triệu và 17,76 triệu.
Một số liệu đáng chú ý khác được ghi nhận là trong 3 tháng đầu năm 2012 là tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) từng cấp giấy đăng ký kết hôn cho 230.000 cặp vợ chồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái năm 2011. Điều này cho thấy tâm lý chuộng cưới hỏi và sinh con vào năm Thìn của người Trung Quốc.
2024 - Liệu Trung Quốc có đón làn sóng "Rồng con" chào đời?
Theo Sina, những ngày trước Tết Nguyên đán 2024, chủ đề "sinh con tuổi rồng" được đông đảo người dân Trung Quốc quan tâm.
Trên mạng xã hội, cụm từ "tiểu long nhi" (bé trai tuổi Rồng) hay "tiểu long nữ" (bé gái tuổi Rồng) cùng các bài đăng có nội dung như kế hoạch sinh con tuổi Rồng, 2024 - Em bé tuổi Rồng chào đời khi nào là tốt lành hay làm thế nào để sinh con tuổi Rồng khỏe mạnh... trở thành những thuật ngữ, bài viết có lượt xem và tìm kiếm phổ biến nhất.
Mã Tây (27 tuổi) kết hôn vào tháng 7/2023. Sau ngày cưới, cô và chồng lập tức lên kế hoạch sinh con. Mục tiêu của họ là có được một em bé Rồng trong năm 2024.
Trên QQ, Mã Tây cho biết vợ chồng cô và bậc trưởng bối trong gia đình đều thích con tuổi rồng. Họ tin rằng sinh con tuổi Thìn sẽ giúp gia vận hưng khởi, ấm êm hòa thuận và con cái giỏi giang thành tài.
Hiện tại, cô mang thai được 6 tháng. Mã Tây cho biết không chỉ mỗi cô mà bạn bè xung quanh cũng lên kế hoạch mang thai từ cuối năm 2023 để có một đứa con tuổi rồng.
Hai năm trở lại đây, dân số Trung Quốc đối diện với con số tăng trưởng âm. Tình trạng này khiến chính quyền xứ tỷ dân rất lo ngại, thậm chí còn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi bằng tiền mặt, kéo dài thời gian nghỉ thai sản để khuyến khích người trẻ sinh con.
Vì vậy, bước vào năm Giáp Thìn, với truyền thống và hiệu ứng sinh con năm rồng, các chuyên gia hy vọng sẽ có thêm nhiều em bé chào đời, mang lại sự phục hồi đáng kể về vấn đề dân số cho Trung Quốc.
Theo Mục Tranh, nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore, ý nghĩa tốt đẹp của năm Rồng ít nhiều sẽ truyền cảm hứng sinh con cho nhiều cặp vợ chồng, đặc biệt là những gia đình đã trì hoãn việc sinh em bé trong những năm đại dịch Covid-19.
Mặc dù xu hướng săn con tuổi rồng đang rất phổ biến tại Trung Quốc, nhưng nhà xã hội học Mục Tranh đánh giá tỷ lệ sinh của năm Giáp Thìn 2024 có thể sẽ không cao như các năm Thìn khác trong quá khứ.
Nguyên nhân là nhiều người trẻ chưa muốn sinh con hoặc lo ngại tình hình kinh tế bất ổn hiện tại. Ngoài ra, kết quả của “hiệu ứng tuổi rồng” trong quá khứ cũng làm nhiều gia đình cân nhắc việc sinh con vào năm nay. Sự ra đời của nhiều đứa trẻ tuổi Thìn từng dẫn đến thực trạng cạnh tranh y tế, trường học hay áp lực thành tích.
Lưu Hi (53 tuổi), người Thành Đô (Trung Quốc), từng tham gia xu hướng sinh con tuổi rồng vào năm 2000. Miêu tả hiệu ứng năm rồng vào thời điểm đó, bà Lưu cho biết: "Phụ nữ mang thai ở khắp mọi nơi xung quanh tôi". Do số lượng phụ nữ mang thai quá lớn, ngành y tế Trung Quốc từng bị quá tải.
Lưu Hi chia sẻ rằng bà từng phải xếp hàng dài chờ đợi ở bệnh viện hàng giờ liền để được khám thai và sinh con. Sau khi con gái bà Lưu lớn lên, cô bé cũng trải qua áp lực cạnh tranh khốc liệt với đông đảo bạn bè tuổi Thìn cùng lứa để đậu vào ngôi trường ưng ý.
Do đó, các chuyên gia cho rằng việc có sinh con tuổi rồng hay không hiện tại phụ thuộc lớn vào mong muốn của các cặp vợ chồng sau khi xem xét nhiều khía cạnh như sức khỏe, tài chính.