Hệ thống đo và theo dõi đường huyết liên tục (CGM) là một dự án công nghệ tân tiến được Apple ấp ủ từ thời Steve Jobs. Với tên mã nội bộ là E5, mục tiêu của thiết bị này là nhằm đo và kiểm soát chỉ số đường huyết mà không cần lấy máu như phương thức truyền thống.
Sau nhiều năm nghiên cứu, cuối cùng tập đoàn công nghệ Mỹ cũng đạt cột mốc mới trong công nghệ tiên tiến này và tin chắc rằng có thể mang hệ thống đo đường huyết của mình tiến vào thị trường, một nguồn tin nội bộ nói với Bloomberg.
Tin vui với bệnh nhân tiểu đường
Nếu thành công, nghiên cứu này sẽ là tin vui dành cho những bệnh nhân bị tiểu đường và biến Apple trở thành một thế lực mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, việc tích hợp hệ thống đo đường huyết vào Apple Watch cũng sẽ biến nó trở thành thiết bị không thể thiếu của hàng triệu người đang mắc bệnh tiểu trường trên toàn thế giới.
Theo Bloomberg, một trong những mục tiêu khác của công nghệ này là giúp phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm, cảnh báo người dùng trước khi mắc bệnh đái tháo đường. Nhờ đó, người dùng có thể thay đổi lối sinh hoạt để phòng bệnh. Apple cũng đang đàm phán với chính phủ để cho phép công nghệ này đi vào hoạt động.
Mặc dù vẫn còn phải mất thêm nhiều năm để nghiên cứu thành công, công nghệ này hứa hẹn sẽ khơi mào một thị trường tỷ USD mới.
Theo Bloomberg, cứ 10 người Mỹ sẽ có 1 người mắc đái tháo đường. Họ thường phải sử dụng phương pháp chích máu ngón tay nhiều lần trong ngày, gây đau và bất tiện. Trước đó, Abbott và Dexcom cũng từng công bố thiết bị theo dõi và kiểm soát đường huyết không lấy máu nhưng nhược điểm là phải thay mới 2 tuần/lần.
Do đó, thành công của Apple được đánh giá là cột mốc quan trọng trong lĩnh vực sức khỏe. Hàng loạt startup và cả những ông lớn công nghệ khác cũng từng thử nghiên cứu nhưng cuối cùng vẫn thất bại trong công nghệ đo đường huyết không lấy máu.
Năm 2014, Google từng thông báo nghiên cứu kính áp tròng thông minh có khả năng đo đường huyết bằng nước mắt nhưng dự án đã bị hủy bỏ vào năm 2018.
Dự án trăm triệu USD được cố CEO Steve Jobs ấp ủ từ lâu
Với Apple, hãng chọn một hướng đi mới. Họ sử dụng con chip tích hợp quang tử silic, kết hợp với quy trình đo được gọi là quang phổ hấp thụ quang vi sai. Hệ thống này sẽ dùng tia laser chiếu vào vùng da có chứa dịch kẽ của người bệnh. Tia laser sau đó sẽ được phản xạ về lại cảm biến để xác định nồng độ glucose tại đây. Cuối cùng, thuật toán sẽ kết luận lượng đường huyết của bệnh nhân.
Theo Bloomberg, con chip tích hợp quang tử silic và cảm biến trong hệ thống đo đường huyết của Apple sẽ do đối tác TSMC phụ trách gia công.
Hàng trăm kỹ sư đã tham gia vào dự án nghiên cứu của Exploratory Design Group (XDG) tại Apple. Đây là một trong những phòng nghiên cứu bí mật nhưng vang danh khắp nơi của Apple.
Số lượng nhà nghiên cứu trong dự án này còn ít hơn số thành viên của dự án ô tô tự lái do Special Projects Group thực hiện hay dự án phát triển thiết bị đeo thực tế ảo của Technology Development Group.
Nhóm dự án này được thành lập từ năm 2010 khi Táo khuyết mua lại startup RareLight đang nghiên cứu công nghệ đo đường huyết không lấy máu. Lúc đó, dù mang bệnh trong người, cố CEO Steve Jobs vẫn thương thảo để mua lại công ty này. Hai bên đã đạt thành hợp tác nhờ tầm nhìn sâu rộng của Steve Jobs trong lĩnh vực sức khỏe kết hợp với công nghệ tân tiến sẵn có.
Trong suốt thập kỷ qua, Táo khuyết đã thử nghiệm công nghệ đo đường huyết trên hàng trăm tình nguyện viên. Trong những lần thử nghiệm này, họ sử dụng công nghệ với cả những người không biết mình bị đái tháo đường và cả những bệnh nhân tiểu đường loại 2. Các nhà khoa học muốn so sánh công nghệ của Apple với cách đo đường huyết truyền thống bằng cách lấy máu trên ngón tay.
Với 12 năm nghiên cứu, công nghệ mới của Apple đã chứng minh được tính khả thi và ứng dụng cao trong thực tế, nguồn tin nội bộ cho biết. Tập đoàn Mỹ cho rằng máy theo dõi đường huyết liên tục của họ sẽ hoạt động tốt nhưng vẫn cần phải giảm kích cỡ xuống để phù hợp với nhu cầu sử dụng thường xuyên.
Song, ban lãnh đạo của Apple cho rằng hệ thống đo và theo dõi đường huyết liên tục của họ gặp một rào cản lớn là chi phí phát triển lớn. Dự án với sự tham gia của CEO Tim Cook, Giám đốc vận hành Jeff William và Giám đốc phát triển phần cứng Apple Watch đã tiêu tốn hàng trăm triệu USD của tập đoàn.
Ra mắt từ năm 2015, Apple Watch hiện không chỉ là một chiếc đồng hồ thông minh đơn thuần và đã là một thiết bị theo dõi sức khỏe quan trọng. Nó có thể đo nhịp tim, ghi điện tim (ECG), đo nhiệt độ cơ thể, đo nồng độ oxy trong máu…