Triển lãm điện tử CES 2023 chứng kiến màn ra mắt của nhiều thiết bị độc đáo. Đây là nơi các hãng định hình xu hướng tiêu dùng và công nghệ trong năm.
2023 đánh dấu màn trở lại thực sự của CES sau 3 năm tổ chức giới hạn do dịch bệnh. Từ TV của Samsung và LG, xe hơi Sony đến những thiết bị chăm sóc sức khỏe hữu ích, đây sẽ là các xu hướng công nghệ được nhắc đến nhiều trong năm 2023 sau khi trình làng tại CES.
Tính bền vững trong mọi thiết bị
"Bền vững" được nhiều hãng công nghệ nhấn mạnh tại CES 2023. Theo CNET, các doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm cộng đồng bằng cách giúp sản phẩm của họ thân thiện với môi trường hơn.
Samsung hợp tác với Patagonia để giảm lượng vi nhựa thải trong máy giặt. Asus cũng nhấn mạnh con số 1.500 tấn nhựa tái chế, được dùng trong những thiết bị sản xuất từ năm 2017.
Thông điệp bền vững được nhiều công ty nhấn mạnh trong suốt buổi thuyết trình. Lisa Su, CEO AMD thường xuyên nói về hiệu quả tiết kiệm năng lượng trên các dòng CPU mới. Robot trồng cây của tập đoàn thiết bị nông nghiệp John Deere được thiết kế nhằm tiết kiệm phân bón và hóa chất.
Biến đổi khí hậu trở thành vấn đề xã hội cấp bách. Xu hướng bền vững của các công ty gia dụng tại CES 2023 cho thấy người dùng đã quan tâm nhiều hơn đến chủ đề này. Tất nhiên, vẫn còn chặng đường dài để tính bền vững len lỏi vào mọi khía cạnh công nghệ.
"Tính bền vững là trụ cột của các tổ chức điện tử tiêu dùng, nhưng mọi thứ với chúng ta mới chỉ bắt đầu", Maribel Lopez, nhà phân tích của Lopez Research cho biết.
Cuộc đua nền tảng ôtô
Có một triển lãm xe hơi bên trong CES, khi GM hay BMW thường xuyên trưng bày sản phẩm, ý tưởng mới. Tại CES 2023, các công ty gia dụng truyền thống cũng nhắc đến xe hơi.
Samsung và LG đều giới thiệu nền tảng thông minh cho ôtô. Hệ thống của Samsung có tên ICX, cung cấp bởi nền tảng Harman Ready Care. Công nghệ này sử dụng các cảm biến giúp cảnh báo tài xế khi buồn ngủ, nhận thông tin từ camera hồng ngoại để đo mức độ căng thẳng.
Cockpit Computer của LG tập trung cải thiện trải nghiệm lái xe. Gene Cho, Phó chủ tịch chiến lược và kế hoạch sản phẩm của LG, cho biết nền tảng sẽ giúp người dùng kiểm tra thiết bị gia dụng tại nhà, gọi cứu hộ khẩn cấp.
Trong khi đó, Sony mang đến CES 2023 nguyên mẫu xe điện Afeela, hợp tác với Honda Mobility. Ôtô trang bị 45 cảm biến gồm LiDAR, radar đến camera phục vụ tính năng tự lái và đảm bảo an toàn. Bên dưới lưới tản nhiệt là đèn LED nhiều màu, thể hiện trạng thái của xe.
Với các hãng ôtô truyền thống, BMW giới thiệu i Vision Dee. Viết tắt của Digital Emotional Experience, đây là ý tưởng thiết kế sedan phong cách tối giản, mềm mại và hiện đại. Chiếc xe có thể thay đổi màu ngoại thất bằng E Ink, màn hình thực tế tăng cường (AR) bao quanh kính chắn gió, trang bị màn hình E Ink trên lưới tản nhiệt để mô phỏng cảm xúc.
Một công ty có tên Volantis còn trình diễn Ram Revolution Concept, ý tưởng xe hơi với màn hình AR, cửa sổ trời kích thước lớn và màn hình cảm ứng 28 inch.
Những thiết kế táo bạo cho thấy cách con người tương tác với xe hơi, đặc biệt là xe tự lái sẽ thay đổi. Trong khi đó, Samsung và LG thể hiện mong muốn cạnh tranh với Apple và Google khi phát triển nền tảng phần mềm ôtô.
TV với những nâng cấp thực dụng
Vài năm trước, các nhà sản xuất quảng cáo TV với công nghệ không mấy ai quan tâm như 3D hay màn hình cuộn. Tại CES 2023, những cải tiến trên TV đã gần với giá trị thực tế.
LG là một trong các hãng gây ấn tượng với Singature OLED M3, mẫu TV chiếu hình ảnh qua bộ phát tín hiệu không dây, độ phân giải 4K@120 Hz. Hộp phát của TV tích hợp cổng HDMI, USB, cổng quang và Ethernet. Sợi dây duy nhất cắm vào TV là dây điện, được giấu vào chân đế.
Samsung gây chú ý với mẫu TV QD-OLED kích thước 77 inch. Đây là lần đầu tiên công ty Hàn Quốc ra mắt TV OLED 77 inch. Khi xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh, người dùng sẽ hưởng lợi bởi giá bán TV OLED có thể rẻ hơn.
Tuy không phải TV, máy chiếu Samsung The Premiere với kích thước 150 inch cũng thu hút sự chú ý. Với khả năng đặt cách tường chỉ vài cm, người dùng có thể thoải mái bố trí máy chiếu trong phòng diện tích nhỏ.
Các dòng TV, máy chiếu tại CES 2023 cho thấy nhà sản xuất ngày càng quan tâm đến giá trị, lợi ích sử dụng thực tế thay cho những tính năng phô trương.
Thiết bị gập phổ biến, 5G mờ nhạt
CES không phải triển lãm di động. Người dùng phải chờ đến MWC 2023 vào tháng sau để chiêm ngưỡng các mẫu điện thoại mới nhất. Dù vậy, Samsung vẫn mang đến CES năm nay ý tưởng smartphone vừa gập và cuộn.
Nguyên mẫu được giới thiệu bởi Samsung Display mang tên Flex Hybrid. Thiết bị có thể gập ở bên trái, trượt ở bên còn lại để tăng diện tích hiển thị.
Do mới là ý tưởng, Samsung Display chưa công bố thời điểm thương mại hóa Flex Hybrid. Dù vậy, điều đó cho thấy vẫn còn không gian sáng tạo trong thiết kế di động. Eli Blumenthal, biên tập viên CNET tin rằng điện thoại sẽ thú vị như xưa.
Trái ngược với điện thoại gập, 5G xuất hiện khá mờ nhạt. Người dùng mới chỉ trải nghiệm 5G trong vài năm gần đây.
Dù có tốc độ cao hơn, 5G chưa thể đáp ứng kỳ vọng trong các ứng dụng thực tế. Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng (CTA), đơn vị tổ chức CES nhận định 5G sẽ quan trọng với những thiết bị ít đại trà hơn.
Giao thức mới để kết nối nhà thông minh
Sau nhiều năm phát triển, giao thức nhà thông minh Matter đã hoạt động. Theo quảng cáo, đây là chuẩn kết nối dựa trên Wi-Fi duy nhất có thể đồng bộ giữa các nền tảng nhà thông minh của Amazon, Apple, Samsung và Google.
Thiết bị nhà thông minh xuất hiện rất nhiều tại CES 2023, gồm bóng đèn, công tắc sử dụng chuẩn Matter và một số sản phẩm khác. Khi Matter được cập nhật vào cuối năm nay, giao thức sẽ hỗ trợ robot hút bụi và camera giám sát.
Một số công ty khẳng định có thể đưa Matter lên thiết bị hiện có thông qua cập nhật phần mềm. Điều đó cho thấy phần thú vị của Matter không phải xuất hiện trên thiết bị mới, mà là cách công nghệ này mang làn gió mới đến các sản phẩm cũ.
Nhà vệ sinh trở thành điểm nhấn
Công nghệ chăm sóc sức khỏe tiếp tục xuất hiện tại CES 2023, với loạt thiết bị theo dõi sức khỏe trong nhà vệ sinh. Withings và Vivoo mang đến triển lãm cảm biến gắn vào bồn cầu để phân tích tình trạng sức khỏe dựa trên nước tiểu. Trong khi đó, sản phẩm The Heart Seat của Casana là bồn cầu có thể đo nhịp tim, nồng độ oxy máu và huyết áp.
Việc phân tích còn được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Dù cảm biến đo đạc khá chính xác, thuật toán AI sẽ giúp cung cấp số liệu sức khỏe khi không có cảm biến.
Nuralogix trình diễn mô hình sử dụng AI để đo huyết áp, nhịp tim bằng phân tích ảnh chụp khuôn mặt. Trong khi đó, máy đo huyết áp kẹp của Valencell dùng AI để đo đạc mà không cần điều chỉnh vòng bít.
Các thiết bị như Jabra Enhance Plus tập trung vào trợ thính, thị trường dự kiến bùng nổ vào năm nay sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép bán máy trợ thính OTC (over-the counter), các loại máy không cần kê đơn của bác sĩ, có thể mua và lắp đặt dễ dàng.