Quyết định thi hành án chủ động số 1561 được quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM Nguyễn Văn Hòa ký ngày 19/1.
Chấp hành quyết định này, Hòa Bình tuyên bố ông Lê Viết Hải sẽ tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật của công ty cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Hòa Bình đang như thế nào?
Ngay trước khi Quyết định này được ban hành, ông Lê Viết Hải đã xuất hiện tại nhiều sự kiện của Hòa Bình với vai trò Chủ tịch, kể cả khi những tranh chấp với ông Nguyễn Công Phú chưa khép lại.
Gần nhất là lễ cất nóc dự án The Opera Residence thuộc Khu phức hợp Metropole Thủ Thiêm tại TP Thủ Đức, TP.HCM hôm 14/1.
Trước đó 2 ngày, Hòa Bình cũng tổ chức lễ tổng kết năm 2022 trên nền tảng trực tuyến. Các kênh truyền thông chính thức của doanh nghiệp cho biết tại đây, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải đã giải đáp thắc mắc của nhân viên về các thông tin gần đây liên quan đến tập đoàn, đồng thời gửi lời cảm ơn tập thể vì đã đoàn kết cùng ông vượt qua sóng gió, ủng hộ ông trong mọi quyết định.
Phó tổng giám đốc thường trực Lê Viết Hiếu cũng kêu gọi sự đồng lòng của toàn thể thành viên Hòa Bình để vượt qua năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn và cùng phấn đấu để có một cái Tết ấm no hơn vào năm 2024.
Điều đáng nói, trong các hình ảnh về sự kiện được đăng tải không có sự xuất hiện của ông Nguyễn Công Phú cùng các thành viên HĐQT vốn được coi là cùng phe ông Phú - gồm ông Dương Văn Hùng, ông Lê Quốc Duy và ông Albert Antone.
Nguồn tin của Zing cho biết ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú đã có một cuộc trao đổi riêng vào sáng 10/1 tại văn phòng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) ở TP.HCM, nhằm "tháo gỡ những nút thắt thời gian qua". Dù vậy, đến nay, cả hai phía đều chưa lên tiếng về kết quả cuộc gặp, cũng như thông tin chính thức về tình trạng hiện nay của Hòa Bình.
Trao đổi với Zing, ông Lê Quang Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn quản lý BDSC cho rằng kể cả khi mâu thuẫn giữa ông Hải và ông Phú được giải quyết, Hòa Bình vẫn còn đó những tác động tiêu cực trên nhiều phương diện, từ doanh thu, tài chính đến con người, thương hiệu...
"Họ có thể đối mặt với các phản ứng thiếu tích cực từ các tổ chức tín dụng và chủ đầu tư. Trong bối cảnh ngành xây dựng, bất động sản đang trầm lắng và tín dụng thắt chặt, các phản ứng này có thể dẫn đến rủi ro sụt giảm đáng kể doanh thu và thiếu hụt trầm trọng nguồn vốn bên cạnh việc suy giảm niềm tin, sức mạnh thương hiệu.
Bất kỳ rủi ro nào khi đã xảy ra đều cần một thời gian nhất định để xử lý các hệ quả. Bối cảnh môi trường kinh doanh không thuận lợi càng khuếch đại mức độ ảnh hưởng của các rủi ro nên họ phải cần thời gian dài hơn với những nỗ lực nhiều hơn", ông Lê Quang Phúc nói.
Trong khi chưa rõ dòng tiền thực tế của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng ra sao, hay lương tháng 1, thưởng Tết của công nhân viên sẽ như thế nào, thì thị giá cổ phiếu HBC trên sàn chứng khoán đã sụt giảm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/1, giá cổ phiếu HBC còn 9.550 đồng/cổ phiếu, dù đã tăng nhẹ so với hồi đầu năm, nhưng vẫn giảm gần 17% so với thời điểm trước khi xảy ra các biến động thượng tầng (hôm 13/1).
Bài học cho doanh nghiệp
Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Giám đốc Văn phòng Luật sư Phạm Hưng kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), những tranh chấp vừa diễn ra tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình không hiếm trên thương trường.
Ông cho biết quy trình xử lý các tranh chấp nội bộ doanh nghiệp rất phức tạp và mất thời gian, vì tòa án phải xem xét nhiều hồ sơ, cũng như tổ chức nhiều đợt hòa giải. Trong quá trình này, dù bên nào được tòa phán quyết thắng, thì uy tín và hoạt động của doanh nghiệp cũng đã bị ảnh hưởng.
Sau sự việc lần này tại Hòa Bình, theo ông Lê Quang Phúc, khi xây dựng Điều lệ, Nguyên tắc quản trị công ty và các tài liệu khác về quản trị công ty, các doanh nghiệp cần thiết kế các nguyên tắc, điều khoản liên quan đến xử lý, giải quyết tranh chấp nội bộ, cũng như cơ chế quản trị, vận hành doanh nghiệp trong trường hợp xảy ra tranh chấp nội bộ liên quan đến các cổ đông rất lớn (nắm giữ tỷ lệ từ 35% vốn điều lệ trở lên), thành viên HĐQT và/hoặc tổng giám đốc.
Khi xảy ra tranh chấp nội bộ, HĐQT, Ủy ban Kiểm toán hoặc Ban Kiểm soát của doanh nghiệp cần kích hoạt cơ chế quản trị, vận hành đã được thiết kế riêng này để đảm bảo hoạt động bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất có thể. Sau đó, doanh nghiệp hoặc các bên liên quan đến tranh chấp nội bộ cần chỉ định trung gian hoà giải và ngồi lại trao đổi, thảo luận, tìm cách xử lý tranh chấp dựa trên Điều lệ, Nguyên tắc quản trị công ty và pháp luật.
Trường hợp không thể hoà giải, tuỳ thuộc vào mức độ và đối tượng tranh chấp, các bên có thể căn cứ vào các quy định, đưa ra giải quyết tại cuộc họp ĐHĐCĐ hoặc tiến hành các thủ tục khởi kiện ở trọng tài hoặc toà án.
"Việc các bên liên quan đến tranh chấp nội bộ sử dụng truyền thông đại chúng để công bố chi tiết các tranh chấp nội bộ không phải lúc nào cũng là việc nên làm và cần cân nhắc lợi, hại của việc này đối với doanh nghiệp trước khi thực hiện. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải công bố trên các phương tiện truyền thông chính thức của công ty cho cổ đông và các bên hữu quan được biết về việc đang diễn ra tranh chấp nội bộ và kết quả giải quyết tranh chấp.
Thượng tôn pháp luật, tâm thế vì lợi ích của công ty, cổ đông và các bên hữu quan, và hành xử chuyên nghiệp và đúng mực là những yếu tố then chốt của các bên liên quan hay của người tham gia hòa giải trong các tranh chấp nội bộ", ông Phúc nói thêm.
Nói riêng về sự việc tại Hòa Bình, tranh chấp xảy ra sau khi ông Lê Viết Hải đưa ông Nguyễn Công Phú về làm chủ tịch HĐQT để hợp pháp hóa vị trí tổng giám đốc của con trai ông - Lê Viết Hiếu. Do đó, kể cả khi ông Hải tiếp tục nắm quyền, ông vẫn cần tìm một người không thuộc gia đình đảm nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT hoặc tổng giám đốc.
Theo ông Phúc, đối với các doanh nghiệp mà người sáng lập hoặc gia đình người sáng lập còn nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn, họ cần tìm những người “hùn hạp” đến từ bên ngoài để phân chia quyền lực và quản trị, vận hành doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy sự chuyên nghiệp và phát triển bền vững mà vẫn không giảm quyền kiểm soát doanh nghiệp.
Tuy nhiên, người sáng lập cần sáng suốt lựa chọn những người “hùn hạp” có kiến thức, năng lực quản trị, quản lý doanh nghiệp ở tầm cao, chuyên nghiệp trong công việc và ứng xử, đặc biệt có hiểu biết, trải nghiệm ở các doanh nghiệp gia đình của Việt Nam.
Ông cũng nhấn mạnh 28-30% công ty trong S&P 500 của Mỹ có Chủ tịch HĐQT là thành viên HĐQT và xu hướng này đang ngày càng gia tăng.
“Thành viên độc lập HĐQT chuyên nghiệp sẽ hiểu rõ các bổn phận và trách nhiệm của họ đối với công ty và cổ đông. Họ không có nhiều lợi ích tài chính từ công ty như các cổ đông. Họ cũng hiểu rõ rằng cổ đông có thể kiện họ ra toà và họ chịu trách nhiệm bồi thường cho những quyết định sai trái. Do vậy, khi đưa ra các quyết định, họ thường hành xử độc lập và không tư lợi chứ không vì số lượng cổ phần họ đang nắm giữ như các cổ đông khác”, ông Phúc nêu ý kiến.