Khi nắng nóng đạt đến 45 độ C ở Hy Lạp, các nhân viên bảo vệ và hướng dẫn viên du lịch tại Parthenon đã đình công vì không thể làm việc trong những buổi chiều thiêu đốt ở Athens.
“Điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây khó khăn cho đất nước. Tuy vậy, Bộ Văn hóa đã không thực hiện các biện pháp quyết liệt để bảo vệ người lao động và du khách”, Nghiệp đoàn Nhân viên Bảo vệ Cổ vật Panhellenic viết trong một thông cáo báo chí. Nghiệp đoàn tuyên bố rằng nhiều người đã ngất xỉu và say nắng tại Acropolis (khu di tích bao gồm đền Parthenon). Đây là nguyên nhân buộc họ đình công.
Trên thực tế, khi các nhân viên bảo vệ và hướng dẫn viên từ chối làm việc vào những giờ nắng nóng cao điểm, về cơ bản, họ đã góp phần hồi sinh một truyền thống xa xưa ở Địa Trung Hải: giờ nghỉ trưa (siesta).
Văn hóa ngủ trưa
Trước đây, dân Địa Trung Hải có thói quen ăn thật nhiều và ngủ một giấc ngắn vào giữa trưa. Lối sống này từng khá phổ biến ở các nước Nam Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy. Tuy nhiên, ở thời hiện đại, người ta ít thấy sự xuất hiện của các giấc ngủ trưa ở các nước châu Âu.
“Giấc ngủ trưa xuất hiện trước khi con người tồn tại. Bằng chứng là có nhiều loài động vật không hoạt động vào lúc thời tiết nóng bức hay giữa trưa”, TS Simon Quilty, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết. TS Quilty là tác giả của bài báo khoa học về sự thay đổi của văn hóa khi nhiệt độ tăng cao.
Ông cho biết truyền thống ngủ trưa từng bị chỉ trích trong những năm gần đây. Năm 2016, thủ tướng Tây Ban Nha còn đề xuất chính sách cấm người lao động ngủ trưa.
“Có một sự phản kháng mạnh mẽ đối với truyền thống ngủ trưa vốn đã tồn tại từ lâu”, Quilty nói. “Điều đó phản ánh sự thay đổi của các giá trị nhân văn trong 15-20 năm qua. Các vấn đề tiền bạc, lợi ích vật chất đang làm thay đổi văn hóa và, đặc biệt, hủy hoại môi trường sống”.
Từ “siesta” (giấc ngủ trưa) phát triển từ cụm từ Latin sexta hora, nghĩa là tiếng đồng hồ thứ sáu sau bình minh. Đây là thời điểm mà mặt trời lên thiên đỉnh và tốt nhất là con người nên tránh nóng bằng một bữa ăn thịnh soạn và một giấc ngủ ngắn.
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến nhiệt độ ở nhiều quốc gia liên tục phá kỷ lục. Theo phân tích của tổ chức phi lợi nhuận Climate Central, biến đổi khí hậu đã làm 98% người dân trên Trái Đất sống trong thời tiết nóng hơn trước đây.
Ngay cả những nơi không có thói quen nghỉ trưa cũng đang cân nhắc đến giải pháp này, đặc biệt là khi nắng nóng ngày càng khắc nghiệt. Một tổ chức y tế cộng đồng ở Đức, quốc gia nổi tiếng với năng suất làm việc luôn ở mức cao, đã đề xuất chính sách cho phép người lao động nghỉ trưa để tránh các vấn đề sức khỏe liên quan đến nhiệt độ.
Giấc ngủ trưa cũng có thể là một giải pháp hiệu quả để đối phó với nắng nóng gay gắt ở Mỹ, theo José María Martín Olalla, giáo sư vật lý tại Đại học Seville (Tây Ban Nha).
“Cho phép người lao động nghỉ trưa đồng nghĩa với việc giúp họ hạn chế làm việc trong thời gian nóng nhất trong ngày”, Olalla nói.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha và Mỹ có khá nhiều khác biệt trong văn hóa, đặc biệt là về thời gian làm việc và ăn trưa. Theo giáo sư Olalla, giấc ngủ trưa không chỉ giúp người lao động nghỉ ngơi mà còn là tín hiệu cho họ biết giờ ăn trưa đã đến.
“Ví dụ, ở Tây Ban Nha, bữa trưa là bữa chính trong ngày”, Olalla nói. “Trong khi đó, bữa trưa ở Mỹ lại có vai trò kém nổi bật hơn”.
Giấc ngủ trưa khá phổ biến trong văn hóa Tây Ban Nha. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, độ phổ biến của những giấc ngủ trưa đã giảm dần. “Giờ đây, không phải người Tây Ban Nha nào cũng ngủ trưa”, giáo sư vật lý của Đại học Seville nói. Tuy nhiên, theo ông, sức nóng cực độ của biến đổi khí hậu đang hồi sinh lối sống này.
200.000 người có thể thiệt mạng vì nắng nóng
Theo một nghiên cứu của Đại học Texas A&M, nhiệt độ toàn cầu dự kiến tăng cao sẽ kéo theo số ca tử vong vì nhiệt độ cũng tăng. Các nhà nghiên cứu dự đoán có 200.000 người thiệt mạng vì thời tiết nắng nóng khắc nghiệt vào cuối thế kỷ 21, tăng gấp 5 lần so với thế kỷ trước.
Theo Mayra Reiter, giám đốc chương trình An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp tại Farmworker Justice, một giấc ngủ trưa có thể hạn chế tác động xấu của thời tiết nắng nóng cho người lao động, đặc biệt là những người phải làm việc ngoài trời.
“Cho dù đó là một giấc ngủ trưa hay thời gian nghỉ ngơi giữa ngày làm việc, người lao động cũng cần nó khi làm việc dưới trời nắng nóng”, Reiter cho biết. “Nếu không, họ sẽ đối mặt với nguy cơ tổn thương thận do mất nước, say nắng, thậm chí, tử vong do nhiệt độ cao”.
Ở Mỹ, các nhà tuyển dụng đã thử nghiệm nhiều giải pháp để ứng phó với nắng nóng cực độ. Sau mùa hè nóng kỷ lục, các công ty đang thử nghiệm cho nhân viên mặc áo khoác chứa nước đá, miếng dán thấm mồ hôi và nghỉ giải lao có trả lương để giúp người lao động làm việc hiệu quả trong thời tiết nắng nóng.
Trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực đòi hỏi nhiều thời gian trồng, chăm sóc và thu hoạch nông sản, những người nông dân đang chuyển sang thu hoạch cây vào ban đêm để tránh nắng nóng ban ngày.
TS Brenda Jacklitsch, một nhà khoa học về sức khỏe và chuyên gia về nhiệt tại Viện Sức khỏe và An toàn Lao động Mỹ, ủng hộ ý tưởng cho phép người lao động, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời, ngủ trưa.
Công nhân xây dựng cũng có nguy cơ tử vong vì nắng nóng. Năm 2022, mẹ của một công nhân xây dựng ở Texas đã đâm đơn kiện chủ thầu để đòi bồi thường 1 triệu USD sau khi con bà thiệt mạng vì nắng nóng. Người mẹ tin rằng công ty có thể giúp con trai bà tránh khỏi cái chết nếu họ cung cấp nhiều biện pháp đối phó với nắng nóng.
“Bạn biết đấy, giữa trưa là thời điểm nóng nhất trong ngày, khi đó mặt trời đã lên thiên đỉnh”, Jacklitsch nói. “Vì vậy, việc công ty sắp xếp những việc nặng nhọc, căng thẳng nhất vào sáng sớm hoặc tối muộn có thể là một giải pháp phù hợp để giúp người lao động làm việc an toàn, hiệu quả”.
Tín hiệu tốt giữa biến đổi khí hậu
Một trong những tác dụng chính mà giấc ngủ trưa mang lại cho người lao động là điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của họ. Theo Nathan Morris, giáo sư sinh lý học môi trường ở Đại học Colorado, ngủ trưa có thể giúp con người làm mát từ bên trong lẫn bên ngoài.
Ý tưởng thích nghi thay vì chống lại nhiệt độ cực cao có thể đi ngược với văn hóa làm việc ở Mỹ. Tuy nhiên, theo TS Quilty, truyền thống và văn hóa bản địa ở các vùng nhiệt đới luôn phản ứng khá tốt với mối nguy hiểm của nhiệt độ khắc nghiệt.
“Mọi người chỉ nên hiểu đơn giản là thời tiết nắng nóng rất nguy hiểm”, ông nói.
Theo Norman Frank Jurrula, một đồng nghiệp của Quilty trong nghiên cứu cách người bản địa thích nghi với biến đổi khí hậu, ngủ trưa là một ví dụ về cách phản ứng của con người đối với thời tiết nắng nóng. Một cách phản ứng khác, theo ông, là cách con người chú ý đến tình trạng hạn hán và di chuyển đến nơi có nguồn nước ổn định hơn.
Tuy nhiên, hạn chế trong nghiên cứu của Quilty và Jurrula là chỉ sử dụng dữ liệu từ quá khứ thay vì xem biến đổi khí hậu như một vấn đề đương thời. Thực tế, vấn đề này đang làm tăng nhiệt độ thế giới lên cao đến mức con người không thể tồn tại.
Theo GS Olalla, tín hiệu tốt là con người đang cố thích nghi với điều này. Thói quen ngủ trưa đã bắt đầu xuất hiện ở Mỹ - một quốc gia nổi tiếng với những vụ thiệt mạng vì làm việc quá sức, bỏ ăn bỏ ngủ để làm việc.
“Nhân tiện, khi nhận được email mời trả lời phỏng vấn, tôi đang ngủ trưa”, Olalla nói trong cuộc phỏng vấn để minh chứng cho sức mạnh lâu dài của giấc ngủ trưa.