Bất động sản

Dân tái định cư sân bay Long Thành ôm mộng đổi đời từ nhà lầu tiền tỷ

Ngồi trong ngôi nhà tiền tỷ, nhiều người dân khu tái định cư sân bay Long Thành đang phải trăn trở tìm kế sinh nhai mỗi ngày. Cầm cự không được, có hộ phải bán đất chuyển đi.

Chiều đến, bà Nguyễn Thị Niềm lại ngồi từ thềm căn biệt thự kiến trúc châu Âu nhìn về phía chân trời, nơi cách một năm trước, vợ chồng bà còn là người nông dân một nắng hai sương.

60 năm cuộc đời, bà ngồi từ mảnh ruộng nhìn về hướng này, ước mơ một ngày được thoát ly sống trong biệt thự. Có ngờ đâu, khi đã có căn biệt thự, vợ chồng bà lại ước gì mình còn có thể trở lại làm rẫy, nuôi gà.

Đó là tình cảnh chung của hơn 3.000 hộ dân tại khu định cư Lộc An - Bình Sơn (Đồng Nai). Họ có thể làm rất nhiều nghề: mở quán cà phê, tạp hóa, làm hồ..., nhưng điểm chung là đều đang phải xoay từng đồng dù sống trong những căn biệt thự, nhà lầu tiền tỷ.

Vỡ mộng

Một năm trước, bà Niềm cũng như rất nhiều người dân vùng lõi dự án sân bay Long Thành từng hồ hởi, lạ lẫm khi lần đầu dọn đến sống trong nhà lầu xa hoa. Tuy nhiên, trái ngược với viễn cảnh về khu đô thị hiện đại, nhộn nhịp, những dân cư này chưa biết khi nào mới thoát khỏi cảnh heo hút, có được việc làm thay vì nhàn rỗi “bất đắc dĩ” như hiện nay.

Cày cuốc từ 20 tuổi, vợ chồng bà Niềm dành dụm được hơn 10 sào đất. Mỗi năm, gia đình bà thu hoạch đều đặn 3,5 mẫu điều, thu nhập trung bình 150 triệu đồng. Năm thấp nhất, nhà bà Niềm cũng có lời khoảng 50 triệu.

Cơ ngơi đồ sộ chứ không làm gì ra tiền.

Bà Nguyễn Thị Niềm

Ngày rời tay khỏi rẫy điều để nhận tiền bồi thường, tái định cư, bà Niềm nói cuộc đời đã thay đổi "đến nằm mơ cũng không thể thấy". Nhận tiền đền bù được 12 tỷ đồng, bà Niềm dùng 4 tỷ đồng xây biệt thự, phần còn lại thì chia cho 7 người con.

Bà Nguyễn Thị Niềm chuyển đến khu tái định cư với số tiền bồi thường 12 tỷ đồng. Ảnh: Chí Hùng.

Nhưng cuộc sống an nhàn này chưa phải là tất cả mong muốn của người phụ nữ lớn tuổi. “Trước đó còn lao động, có đồng ra đồng vô, xây cơ ngơi này nhìn đồ sộ như vậy, chứ không làm gì ra tiền, tiền đền bù cũng không còn, các con thì làm công nhân”, bà Niềm bộc bạch.

Nhận bồi thường ít hơn, bà Trần Thị Ngọc Lan (48 tuổi) cũng từ làm rẫy chuyển sang bán nước mía. Bà đang phải xoay sở để nuôi hai đứa con tuổi ăn tuổi lớn, dù có trong tay tài sản là ngôi nhà 2 tỷ nằm yên bất động.

Đồng cảm với nhiều gia đình khó khăn hơn, bà Lan kể có người chuyển đến đã 2 năm vẫn không có việc làm. Tìm đến buôn bán, nhiều người không cầm cự nổi cũng thua lỗ mà dẹp tiệm vì không có ai mua.

Ngôi biệt thự 4 tỷ (chưa tính đất nền) hoành tráng của gia đình bà Nguyễn Thị Niềm tại khu tái định cư. Ảnh: Chí Hùng.

“Hầu như ở đây ai cũng dồn tiền vào xây nhà, không xây thì nhà đâu mà ở. Tiền bồi thường cứ ăn rồi ở nhà, ăn hoài ‘núi cũng lở’”, bà Lan nói.

Người phụ nữ nhớ lại thời điểm nhận bồi thường, dân Suối Trầu ai nấy đều phấn khởi, nhưng chưa được một năm, họ đã không còn lạc quan nổi. Gõ cửa xin việc, những người nông dân nương rẫy nhận lại cái lắc đầu từ chối. Cầm cự không được nữa, nhiều gia đình đã ngậm ngùi bán đất chuyển đi.

“Cuộc sống thay đổi ai cũng mừng, nhưng làm gì để duy trì kế sinh nhai lâu dài mới là quan trọng. Sống trong nhà lầu khang trang, nhưng nhiều người vẫn nhắc về trang trại chăn nuôi heo, mỗi năm lời mấy lứa”, người phụ nữ chia sẻ.

Bà Trần Thị Ngọc Lan chuyển sang bán nước mía từ khi dọn về khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: Chí Hùng.

Tương lai mông lung

Ổn định trong những ngôi nhà mới, người dân nơi đây đạt được ước muốn "an cư". Nhưng để "lạc nghiệp", họ lại không biết bám víu vào đâu khi hầu hết đều làm rẫy ruộng hơn nửa đời người. Bây giờ ngoài nhà cửa xa hoa, họ rơi vào cảnh "túng quẫn" nghề nghiệp, chỉ biết trông ngóng ngày sân bay Long Thành hoàn thiện.

Sở dĩ, niềm hy vọng của người dân tại khu tái định cư đổ dồn vào tiến độ xây dựng sân bay Long Thành vì khi ga quốc tế đưa vào khai thác, không chỉ bộ mặt địa phương được thay đổi mà xa hơn, nền kinh tế phía nam được thúc đẩy, mang đến sinh kế cho hàng nghìn hộ dân đang tiến thoái lưỡng nan.

Từ ngày chuyển quầy tạp hóa sang khu tái định cư, bà Phạm Định Phương Oanh (52 tuổi) cho biết thu nhập tụt giảm thê thảm. Ở độ tuổi này, bà Oanh chưa muốn nương nhờ con cái, thế nhưng từ làm chủ kinh tế gia đình, người phụ nữ giờ sống chủ yếu bằng hỗ trợ của người con làm việc ở TP.HCM.

"Ngày đầu chuyển về thì nhủ thôi ráng chờ thêm vài tháng, rồi ráng đến cũng 2 năm, tình hình mỗi lúc cứ tệ hơn. Tôi cũng đang cầm cự thêm thời gian nữa, nhưng không biết khi nào tình hình lạc quan hơn, mong sân bay xây xong may ra người đông đúc buôn bán mới thuận lợi trở lại", bà Oanh tâm tư.

Bà Oanh cho biết không riêng hàng tạp hóa của mình, những người hàng xóm bán nước giải khát trong khu tái định cư cũng lâm cảnh ế ẩm. Mức chi tiêu của người dân nơi đây mỗi lúc một eo hẹp, thậm chí, họ chẳng đi đâu thăm thú ngoài ở nhà, buổi tối thì tắt hết bóng điện.

"Mới ra đây xây nhà xong ai cũng bật điện từ trên xuống dưới. Còn nay buổi tối đi vào nhà ai cũng nhìn mãi mới ra người, điện đóm tắt hết cho đỡ tốn vì có làm gì ra tiền đâu", bà Oanh kể.

“Sân bay xong sớm chừng nào, dân đỡ gánh nặng chừng đó”

Tình trạng mất việc hàng loạt của hàng nghìn cư dân tái định cư sân bay Long Thành được TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế nhìn nhận xuất phát từ sự chuyển dịch cơ cấu. Đây là vấn đề chung của rất nhiều địa phương, thậm chí là bài toán từng lặp lại của nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo TS Điền, khi thực hiện tái định cư, có 2 điều chính quyền cần tiên quyết thực hiện đó là lo việc làm cho người dân và bố trí chỗ ở mới.

Tái định cư không đơn giản chỉ là "bốc" người dân đi

TS Huỳnh Thanh Điền

“Nếu chỉ đơn giản là đổi đất cho người dân nhưng thiếu sự quan tâm về nghề nghiệp sẽ dẫn đến hiện tượng nghèo do cơ cấu lại khá nhiều”, chuyên gia Huỳnh Thanh Điền nói và cho rằng để giảm bớt gánh nặng này, chính quyền sẽ phải có bài toán rất căn cơ. Tuy nhiên, địa phương đã làm chưa tốt.

Phân tích rõ hơn, ông Điền cho biết thông thường, địa phương sẽ thống kê tình hình dân cư để phân loại những người nào có thể chuyển đổi nghề, có học hành để đánh giá. Theo đó, địa phương tổ chức lớp đào tạo tay nghề, tính trước việc làm trước khi chuyển đổi chỗ ở cho người dân. Ở đây chính quyền đang làm ngược lại, đơn thuần chỉ thu đất, chuyển người dân sang chỗ khác. “Nhưng nếu tính toán tổng thể, chúng ta sẽ phải lo 2 việc, một là chỗ ở mới, hai là công ăn việc làm”, ông Điền nói thêm.

Chuyên gia nhìn nhận tái định cư không đơn giản chỉ là “bốc” người dân đi. Việc phát triển kinh tế dân sinh đóng vai trò rất quan trọng mà không phải chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng là xong. Tăng trưởng không có ý nghĩa nếu không tạo được việc làm cho người dân, không tạo ra kế sinh nhai lâu dài.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, cách dự án sân bay Long Thành hơn 4 km. Ảnh: Chí Hùng.

Chuyên gia cho biết ở một số trường hợp tái định cư, khi dân được chuyển đến nơi đô thị, họ có thể buôn bán nhỏ vì có phần vốn từ đền bù. Tuy nhiên, địa phương cần có kế hoạch đào tạo bài bản, trang bị kiến thức, hướng làm cho người dân.

Đặt trong mối tương quan giữa câu chuyện sinh kế lâu dài của người dân với tiến độ về đích của sân bay Long Thành, chuyên gia Huỳnh Thanh Điền cũng cho rằng điều này có tác động rất lớn đến cuộc sống người dân khu tái định cư.

“Vấn đề quan trọng là sân bay phải xong sớm. Sân bay Long Thành khi hoàn thành không chỉ giải quyết gánh nặng cho người dân khu tái định cư mà còn là cả nền kinh tế”, TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.

Tăng trưởng không có ý nghĩa nếu không tạo được việc làm cho người dân

TS Huỳnh Thanh Điền

Ông nhận định nếu việc đầu tư xây dựng công trình chậm tiến độ ngày nào, phát sinh, thiệt hại và lãng phí sẽ rất lớn. “Sân bay cần xây sớm, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa giải quyết câu chuyện chúng ta đang nói. Do đó, Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt, vì thực tế Việt Nam đang làm chậm, làm mất rất nhiều cơ hội”, chuyên gia nói thêm.

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành có tổng diện tích hơn 5.300 ha. Trong đó, đất xây sân bay là 5.000 ha, đất xây dựng 2 khu tái định cư là 364 ha. Trong số 5.126 hộ gia đình được bố trí tái định cư, đã có hơn 4.000 hộ được xét duyệt, 3.762/3900 hộ đã được bố trí đất, 91 hộ chưa được phê duyệt và gần 400 hộ chưa được xét duyệt tái định cư.

Lộc An - Bình Sơn là một trong 2 khu tái định cư của dự án sân bay Long Thành, với tổng diện tích 282 ha, với hơn 5.000 lô đất. Nơi đây được định hướng phát triển thành một trong những khu đô thị hiện đại nhất Đồng Nai.

Trước đó, người dân trong vùng quy hoạch, di dời của dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đã có nhiều đơn thư kiến nghị gửi đến địa phương, Bộ GTVT phản ánh khó khăn. Nhiều người nghề nghiệp không ổn định, thậm chí thất nghiệp. Một số trường hợp cho biết đã đăng ký nhưng vẫn chưa được học nghề.

Các hộ kinh doanh ế ẩm do không có khách, hạ tầng dịch vụ chợ, trường học dang dở chưa đảm bảo nhu cầu đời sống người dân. Người dân cũng kiến nghị khẩn trương cấp số nhà trong tái định cư vì hiện nay rất khó tìm và xác định địa chỉ nhà; đồng thời cần có hướng dẫn và lập thủ tục chuyển hộ khẩu các hộ dân đang xây dựng nhà và sinh sống tại khu tái định cư về địa bàn xã Lộc An để thuận tiện trong công tác quản lý tại địa phương.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/giac-mong-doi-doi-chua-thanh-cua-dan-tai-dinh-cu-san-bay-long-thanh-post1412841.html