Theo Quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 5.267,25 ha. Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 45 cụm công nghiệp đã được thành lập (có nhà đầu tư hạ tầng) với tổng diện tích 1.675,94 ha. Tổng vốn đăng ký đầu tư các dự án là 11.934 tỷ đồng.
Xét xem thu hồi nhiều dự án cụm công nghiệp
Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai cho biết, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp còn rất chậm.
Hiện nay, Thanh Hóa mới có 2 cụm công nghiệp đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng cụm công nghiệp, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp đầu tư là cụm công nghiệp Thái Thắng, huyện Hoằng Hoá và cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hoá. Tỉnh này chỉ mới có 3 cụm công nghiệp đã hoàn thành hạ tầng cụm công nghiệp theo giai đoạn, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp là cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hoá; cụm công nghiệp Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc; cụm công nghiệp thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định.
Ngoài ra, có 9 cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thành thủ tục đầu tư, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án hoặc theo giai đoạn, được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất, cho thuê đất, đang xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật; 13 cụm công nghiệp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đang tiến hành giải phóng mặt bằng; 15 cụm công nghiệp đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.
Trong số 15 cụm công nghiệp này, có 2 cụm công nghiệp chủ đầu tư chưa tích cực triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, dự án đã chậm tiến độ quy định, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản đôn đốc và giao UBND các huyện làm việc với chủ đầu tư để làm rõ nguyên nhân để có hướng xử lý là cụm công nghiệp Hà Lĩnh II, huyện Hà Trung và cụm công nghiệp Số 2 thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định.
Chỉ mới có 2 cụm công nghiệp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, tuy nhiên không triển khai các thủ tục để tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng. Sở Công Thương đang tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét việc chấm dứt hiệu lực quyết định thành lập (thu hồi dự án) là cụm công nghiệp Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc và cụm công nghiệp Cẩm Châu, huyện Cẩm Thuỷ; 1 cụm công nghiệp tạm dừng hoàn thiện thủ tục đầu tư theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Nhiều nguyên nhân
Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa đã lý giải về nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp do cả khó khăn chủ quan lẫn khách quan. Đầu tiên, phải nhắc đến nguyên nhân do năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu, chưa tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án, dẫn đến dự án phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần.
Cùng với đó, một số cụm công nghiệp phải chờ quy hoạch xây dựng chung đô thị hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị thì mới lập và phê duyệt được quy hoạch chi tiết như: cụm công nghiệp Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn; cụm công nghiệp Phía Tây Nam thành phố Thanh Hóa... một số cụm công nghiệp chưa được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất lúa nên chưa có cơ sở triển khai dự án như: cụm công nghiệp Dân Lý, Dân Lực, Dân Quyền, huyện Triệu Sơn; cụm công nghiệp Cầu Quan, huyện Nông Cống.
Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cũng nhấn mạnh nhiều nguyên nhân khác như: Việc lập, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm chậm, dẫn đến hầu hết các cụm công nghiệp sau khi thành lập mất nhiều thời gian chờ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất mới hoàn thiện được hồ sơ trình HĐND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt danh mục sử dụng đất, như: cụm công nghiệp Cống Trúc, huyện Quảng Xương; cụm công nghiệp phía Đông Bắc thành phố Thanh Hóa; cụm công nghiệp Thọ Minh, huyện Thọ Xuân; cụm công nghiệp Đông Ninh, huyện Đông Sơn...
Một số cụm công nghiệp thì thời gian giải phóng mặt bằng bị kéo dài, chậm bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thi công; việc xác định giá đất làm cơ sở cấp quyền sử dụng đất của một số cụm công nghiệp chậm dẫn đến chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án...
Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa nêu cụ thể trách nhiệm của các ngành, đơn vị liên quan trong vấn đề này; trong đó có trách nhiệm của Hội đồng lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp mà Sở Công Thương là cơ quan chủ trì trong việc lựa chọn chủ đầu tư, có năng lực yếu; trách nhiệm của chủ đầu tư, Sở Xây dựng và UBND cấp huyện trong việc lập và thực hiện các quy hoạch chưa đồng bộ, kịp thời... Đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hơn vai trò, trách nhiệm của các ngành, đơn vị liên quan đối với việc tháo gỡ những tồn tại hiện nay.
Các giải pháp không mới
Các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Sở Công Thương và các địa phương trước thực trạng hạ tầng cụm công nghiệp chậm tiến độ, kéo dài. Đồng thời, các đơn vị này đã có những giải pháp đột phá để khắc phục tình trạng này, hay vẫn "bài cũ, sách cũ" dẫn đến việc không thể giải quyết hiệu quả thực trạng trên.
Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, trong thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chủ đầu tư cụm công nghiệp, UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành có liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, như việc đôn đốc nhà đầu tư tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện thủ tục đầu tư và tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp; lập và xin ý kiến thỏa thuận với cấp huyện để ban hành Quy chế quản lý riêng của cụm công nghiệp, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý riêng của cụm công nghiệp; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Các chủ đầu tư có cụm công nghiệp chậm tiến độ theo quy định nếu việc chậm tiến độ là do nguyên nhân khách quan, lập hồ sơ theo quy định, trình UBND tỉnh để UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh tiến độ.
Cùng với đó, hằng năm, UBND các huyện phải lập kế hoạch sử dụng đất theo tiến độ của các cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quy định tại Quyết định thành lập cụm công nghiệp hoặc Quyết định điều chỉnh tiến độ cụm công nghiệp. UBND các huyện quan tâm phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định thành lập.
Đồng thời các đơn vị này sẽ tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp; thiết kế cơ sở và dự án đầu tư theo thẩm quyền; tham gia ý kiến thỏa thuận đối với Quy chế quản lý riêng của cụm công nghiệp. UBND các huyện chỉ đạo ban giải phóng mặt bằng cấp huyện tập trung hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư theo tiến độ của các cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quy định và tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình lập hồ sơ thuê đất với nhà nước.
Sở Công Thương Thanh Hóa với vai trò chủ trì, làm đầu mối theo dõi tiến độ của từng cụm công nghiệp đã được thành lập sẽ tiếp tục sát sao, lập biểu chi tiết từng nội dung công việc yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành để đưa cụm công nghiệp đi vào hoạt động.
Hằng tháng, quý Sở Công Thương Thanh Hóa tổ chức đánh giá trách nhiệm của từng chủ đầu tư, UBND cấp huyện, các sở, ngành có liên quan trong công tác phối hợp thực hiện dự án; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, có ý kiến chỉ đạo; phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, thu hồi dự án chậm tiến độ mà nguyên nhân do chủ đầu tư không đủ năng năng lực hoặc không tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thực tế các giải pháp này không mới và đều được định hướng trên cơ sở các quy định đã có của pháp luật để giải quyết. Tuy nhiên, cần nâng cao hơn trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các cơ quan Nhà nước để cùng gỡ khó những “điểm nghẽn” hiện nay.