Bùn đất từ những cơn mưa không ngừng dính vào chân Nestor N’Guessan khi ông chỉ vào một mảnh đất trồng ca cao đang bị tàn phá trong trang trại của mình ở Bờ Biển Ngà.
Người đàn ông 52 tuổi không thể cứu những cây đó khỏi bệnh đốm đen, vì vậy ông đang nỗ lực cách ly những cây khoẻ mạnh còn sót lại. Mưa lớn liên tục thời gian gần đây đồng nghĩa cây ca cao ra ít quả hơn. “Tôi phải tạo ranh giới để ngăn phần còn lại của đồn điền bị nhiễm bệnh”, ông nói trong khi đang cắt tỉa các bụi cây. “Thời tiết cũng không hỗ trợ chúng tôi”, ông nói.
Một cuộc khủng hoảng ca cao đang diễn ra trên khắp Bờ Biển Ngà và Ghana, những quốc gia trồng ca cao lớn nhất. Mưa quá nhiều khiến sản lượng sụt giảm, việc thu hoạch cũng gặp khó khăn. Hậu quả là giá bán buôn ca cao ở thị trường New York đã lên mức cao nhất 46 năm.
Theo Maxar Technologies, tổng lượng mưa ở Tây Phi kể từ khi mùa mưa bắt đầu (từ ngày 1/5) đã cao gấp đôi mức trung bình trong 30 năm qua. Thiệt hại về sản lượng còn tăng thêm do mâu thuẫn về vấn đề tiền lương tại các đồn điền, khiến các chủ trang trại có rất ít tiền để mở rộng diện tích trồng trọt.
Đang vào mùa thu hoạch chính và lũ lụt liên tục khiến những con đường đất biến thành đầm lầy không thể vượt qua, làm rụng hoa trước khi chúng đâm chồi và tạo điều kiện cho nấm nhiễm trùng sinh sôi. Những quả ca cao có kích thước bằng quả bóng bầu dục thì biến thành bột nhão đen.
Sản lượng của Ghana dự kiến ở mức thấp nhất trong 13 năm qua còn Bờ Biển Ngà là 7 năm, dựa trên tổng sản lượng được cung cấp bởi các thương nhân và nhà xuất khẩu. Theo tổ chức Ca cao Quốc tế, 2 quốc gia này chiếm đến 60% sản lượng toàn cầu.
Hợp đồng ca cao thời hạn đang giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 1977 tại New York, vượt mức 4.200 USD/tấn. Với giá đó, bạn có thể mua được khoảng 50 thùng dầu.
Với việc giá đường cũng đang ở mức cao nhất một thập kỷ, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các thanh chocolate, bánh quy và ca cao nóng khi Giáng sinh đến gần. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo giá đường và đồ ngọt tăng 8,9% trong năm nay và 5,6% trong năm tới, vượt xa mức lạm phát chung của thị trường thực phẩm.
Đổ lỗi cho việc chi phí đầu vào cao hơn, Mondelez International, nhà sản xuất thanh Toblerone và bánh quy Oreo, sẽ tăng giá vào năm tới, CEO Dirk Van de Put nói với Bloomberg Television vào ngày 11/11. Nestle, chủ sở hữu kem Haagen-Dazs và kẹo Quality Street, cho biết cũng sẽ làm điều tương tự.
Giá tăng cao, lẽ ra nông dân sẽ được hưởng lợi nhưng thực tế không phải vậy. Thị trường ca cao ở Bờ Biển Ngà và Ghana được chính phủ kiểm soát chặt chẽ và các cơ quan quản lý thường bán hạt cho người mua ở nước ngoài trước ít nhất 12 tháng. Điều đó có nghĩa số tiền trả cho nông dân mùa vụ này đã được chốt khoảng 1 năm trước, khi giá kỳ hạn ở mức khoảng 2.500 USD/tấn.
“Với mức giá ở trang trại hiện tại, nông dân không được khuyến khích đi vào trang trại. Nếu giá cao, anh ta sẵn sàng ‘bơi’ đi lấy ca cao”, Mahmoud Khayat, thương nhân cao cấp tại Ivory Cocoa Products – một công ty chế biến ca cao – nói.
Hiện tại, nông dân đang chờ đợi các cuộc đàm phán của chính phủ cho mùa vụ tới với những người mua hàng đầu như Barry Callebaut, Cargill hay Olam. Theo những người quen thuộc với vấn đề, các bên đang rơi vào bế tắc, trong đó các công ty ngừng mua hàng vì họ muốn được giảm giá.
Thông thường khi thị trường bùng nổ, nông dân sẽ ồ ạt trồng thêm nhưng hiện nhiều trang trại đang phải chịu mưa và không đủ khả năng thuê thêm người. Họ cũng phải sử dụng nhiều phân bón hơn hoặc mua nhiều hoá chất hơn để xua đuổi dịch bệnh cho cây ca cao.
Trên mảnh đất rộng 12 mẫu Anh của Samuel Addo ở quận Suhum, Ghana – cách thủ đô Accra khoảng 65 km về phía bắc, gần như cây nào cũng mọc ra 1 quả thối rữa hoặc chuyển sang màu đen sau các trận mưa như trút nước. Cách duy nhất để chế ngự sự lây lan là phun loại thuốc được gọi là cherelles, 2 tuần 1 lần, nhưng chi phí đó nằm ngoài khả năng chi trả.
Addo, 52 tuổi, cho biết: “chưa bao giờ trang trại của tôi bị tấn công tồi tệ thế này kể từ khi tôi bắt đầu trồng ca cao. Số tiền tôi kiếm được không đủ để đầu tư trở lại trang trại”.
Tại Ghana, vàng là một “mồi nhử” với những người nông dân. Khai thác thủ công chiếm khoảng 1/3 sản lượng của đất nước. Những người nông dân nói về việc các công ty liên tục cung cấp cho họ các khoản tiền lớn để từ bỏ đất đai của mình.
Thực hiện một chuyến đi xuyên qua vành đai ca cao của quốc gia này, bạn sẽ thấy nhiều đồn điền được thay thế bằng thứ mà người địa phương gọi là galamsey. “Có truyền thuyết kể rằng các trang trại ca cao thường nằm trên các vùng đất có nhiều vàng”, Michael Acheampong nói khi nhìn vào một galamsey bên cạnh. “Một vài người không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của việc kiếm tiền nhanh chóng”.
Sáng kiến d’Ivoire-Ghana Cocoa được 2 quốc gia tạo ra để làm mờ đi ánh hào quang đó. Thư ký điều hành Alex Assanvo cho biết mục đích của tổ chức này là tăng giá trả cho người nông dân vì họ đã không trang trải được chi phí sản xuất hoặc đảm bảo mức lương đủ sống trong nhiều thập kỷ.
“Nếu nông dân thấy thu nhập của họ không đủ sống thì làm sao họ tiếp tục trồng ca cao”, ông nói.
Nguồn: Bloomberg