Ngay từ khi vào ca làm việc chiều 1/1, Đình Thái (sinh năm 2001), nhân viên tại khu vui chơi Dream Games trong một trung tâm thương mại ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) gần như không thể đứng yên một chỗ.
Nam nhân viên kho liên tục phải di chuyển qua lại các quầy trò chơi để hỗ trợ khách hàng, thêm thú trong máy gắp, chỉnh lại vị trí và hỗ trợ yêu cầu trong nhiều trò khác.
Dịp nghỉ Tết Dương lịch, phần lớn trung tâm thương mại ở Hà Nội, đặc biệt là khu vui chơi như nơi Thái làm việc luôn trong tình trạng đông đúc, lượng công việc phải đảm đương cũng nhiều hơn hẳn bình thường.
“Bù lại, mình được nhân 4 lương so với ngày thường nên khá vui, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến mình đăng ký làm xuyên lễ”, Thái nói với Zing.
Tăng thu nhập
Là sinh viên năm cuối Học viện Ngân hàng, Đình Thái có khá nhiều thời gian rảnh và chủ yếu dành để làm việc tại khu vui chơi 5 tháng nay.
Có kinh nghiệm đi làm thêm phong phú từ năm nhất đại học, từ nhân viên quán cà phê, siêu thị, telesale, Thái đã quen với việc bận rộn hơn vào các dịp nghỉ lễ như Quốc khánh, quốc tế lao động. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nam sinh viên đi làm dịp Tết Dương lịch.
“Nhà mình ở huyện Thường Tín (Hà Nội), những dịp như thế này cũng chỉ ở nhà ngủ hoặc lướt điện thoại. Mình cũng không có kế hoạch đi chơi nào với bạn bè nên khá rảnh rỗi, chẳng thà đi làm cho có vui, vừa có thêm một khoản thu nhập”.
Một lý do khác là bạn gái Thái cũng chung chỗ làm thêm, vì vậy, cặp đôi dự định dành thời gian đi chơi sau dịp này.
Với khoản kiếm thêm ngày lễ, Thái đã lên kế hoạch mua quà cho bố mẹ và sắm sửa cho bản thân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Nếu không có gì thay đổi, nam sinh Ngân hàng cũng sẽ đăng ký làm thêm vào cả Tết Âm lịch.
Tương tự, khoản tiền thưởng hậu hĩnh cũng là một trong những yếu tố khiến Khánh Minh (sinh năm 2002) ở lại khu vui chơi làm việc thay vì về quê Nam Định. Vì là nhân viên bán thời gian, cô sẽ nhận được mức lương gấp 3 so với bình thường.
“Ban đầu, mình tính ở lại Hà Nội để xem countdown (đếm ngược) chào năm mới nhưng không thể đi vì đông quá. Ngày 1/1 không có kế hoạch vui chơi gì nên mình quyết định đi làm, dù sao chỗ mình làm việc cũng náo nhiệt, có không khí vui vẻ”.
Khánh nhận xét lượng khách vào ngày 1/1 đông gấp 2 cuối tuần và gấp 3 ngày thường. Dù mệt, cô cảm thấy vui, hào hứng vì được nói chuyện với khách hàng, hòa mình vào không khí tấp nập ngày năm mới.
Còn với Phương Nam (sinh năm 2000), khoản lương nhân 2 khi làm việc ngày lễ đã được định sẵn để dành đăng ký khóa học thêm tiếng Anh. Nam sinh ĐH Giao thông Vận tải sẽ tốt nghiệp trong năm nay, vì vậy, Nam cho rằng việc nâng cao trình độ ngoại ngữ sẽ giúp ích khi tìm việc làm.
“Ban đầu, mình đã báo với bố mẹ sẽ về quê nhưng sau đó thay đổi kế hoạch. Khi nghe mình kể muốn tự gom tiền học thêm, bố mẹ cũng ủng hộ”, Nam chia sẻ.
Bình thường, Nam làm việc ở quán trà sữa trên đường Huỳnh Thúc Kháng, song được điều động sang hỗ trợ cơ sở trên đường Nguyễn Trãi trong 3 ngày 31/12, 1/1 và 2/1 để phục vụ lượng khách gia tăng.
“Mình đã chủ động không nhận ‘kèo’ với bạn bè để dành thời gian làm việc. Thay vào đó, vì được nghỉ Tết Nguyên đán khá sớm, bọn mình sẽ hẹn nhau đi chơi sau cho thoải mái”.
Ngại chen chúc chỗ vui chơi
Hình ảnh đông đúc ở những khu trung tâm Hà Nội các dịp nghỉ lễ khiến Nguyễn Trường, bartender tại quán pub Zero Point (đường Cầu Giấy) thấy khá mệt mỏi và e ngại. Vì vậy, Trường quyết định dành trọn kỳ nghỉ Tết Dương lịch cho công việc.
Trong ngày 31/12, lượng khách đến quán đông hơn hẳn bình thường và phần lớn ở lại đến 0h để đếm ngược mừng năm mới.
“Mình gần như không được ngơi tay cho đến khi quán đóng cửa vào 2h sáng 1/1, đứng pha chế suốt nhiều tiếng khiến chân mỏi nhừ. Dù vậy, mình cảm thấy vui khi làm việc trong dịp này, cảm giác cả nhân viên và khách hàng đều mang tâm trạng hứng khởi cho một năm mới”.
Vì thường làm việc xuyên các dịp nghỉ lễ, Trường không cảm thấy quá áp lực và bối rối. Để phục vụ khách tốt hơn, anh và các nhân viên khác phân sẵn rõ ràng nhiệm vụ, thống nhất hỗ trợ nhau như thế nào để không rơi vào tình huống lúng túng.
Vào tối cuối cùng của năm, quán Trường làm việc có chương trình tặng thêm đồ uống cho khách, chuẩn bị pháo bông cho những người ngồi khu ngoài trời đốt vào thời khắc chuyển giao.
“Vừa làm, vừa trò chuyện, đón năm mới với khách ở quầy bar, mình thấy hay và thoải mái hơn so với việc chen chúc ở chỗ khác”.
Đêm cuối cùng của năm 2022 cũng là khoảng thời gian đáng nhớ đối với Thanh Thư (sinh viên năm 2 ĐH Tài chính Ngân Hàng) khi là nhân viên phục vụ tại quán pub.
“Sau khi đóng cửa, dọn dẹp xong vào 2h30 ngày 1/1, cả quán lại cùng nhau đi ăn đêm mừng năm mới đến tận gần sáng, vui lắm. Đây cũng là công việc làm thêm đầu tiên của mình ở pub, thay vì trước đây thường là quán cà phê”.
Vì quy mô pub không quá lớn, Thư cho biết các nhân viên và cả chủ quán đều khá thân thiết. Đối với cô, trải qua kỳ nghỉ lễ bên đồng nghiệp ở chỗ làm cũng là ý tưởng không tệ, chưa kể còn có thêm khoản thưởng vào cuối tháng.
“Nói chung làm việc trong ngành dịch vụ thì những khi mọi người được nghỉ, vui chơi, bọn mình lại bận rộn hơn là chuyện dễ hiểu và bình thường. Việc đăng ký làm thêm những dịp này cũng là nhân viên lựa chọn, tùy theo mong muốn và tình hình của cá nhân thôi”, Thư chia sẻ.