Du lịch

'Đi trốn' ở Phú Quý, Đà Lạt khi TP.HCM mãi không hết nóng

TP.HCM hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài. Một số bạn trẻ lên kế hoạch gấp rút đi tránh nóng vào hai ngày cuối tuần để hít gió biển, tận hưởng không khí trong lành.

Bạn trẻ Phúc Yên cho biết không khí tại Phú Quý trong lành, dễ chịu, trái ngược với thời tiết nóng nực ở TP.HCM ở hiện tại. Ảnh: Phúc Yên.

Thời tiết nắng nóng, ngột ngạt kéo dài tại TP.HCM khiến My Trần (25 tuổi, nhân viên văn phòng) phải tức tốc lên kế hoạch du lịch, “giải nhiệt” vào hai ngày cuối tuần. Đầu tháng 3, vừa quay lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết, cô đã lập tức "xách ba lô lên và đi" do không chịu nổi cái nóng như đổ lửa.

"Hàng năm, cứ vào mùa khô, tôi thường đi tránh nóng ở những địa điểm cách TP.HCM không quá xa. Năm nay thành phố nóng sớm, tôi và bạn phải 'chốt kèo' đi du lịch ngay. Chúng tôi lên kế hoạch vỏn vẹn trong vòng một ngày, hôm sau lên xe đi luôn”, My Trần chia sẻ với Tri thức - Znews.

Du lịch trước hè vì quá nóng

Chỉ vừa ra Tết Nguyên đán, thời tiết tại khu vực Nam Bộ và TP.HCM xuất hiện tình trạng nắng nóng sớm trên diện rộng. Nhiệt độ nền lên đến 37 độ C, thời điểm oi bức nhất trong ngày xảy ra vào lúc 12-16h, theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ. Trong khi đó, mọi năm, mùa cao điểm nóng ở Nam Bộ thường rơi vào khoảng tháng 4.

Cảnh nóng bức khiến nhiều người quyết định đi du lịch nhằm tạm tránh thời tiết khắc nghiệt.

My Trần ưu tiên chọn Bình Thuận cho chuyến đi 2 ngày 1 đêm của mình hồi 2/3 nhờ vị trí gần, giao thông thuận lợi và đặc biệt là có biển, thích hợp để thư giãn và tránh nóng.

"Thời điểm hiện tại ở TP.HCM khá nóng, nhưng nếu đợi đến lễ 30/4 hoặc hè mới đi Bình Thuận, tôi nghĩ khá đông khách và thời tiết có thể sẽ nóng hơn. Bây giờ là hợp lý. Tôi cũng có thể tiết kiệm một phần chi phí nhờ du lịch trái mùa", My chia sẻ.

Đảo Phú Quý thích hợp với các hoạt động lặn biển. Ảnh: Phúc Yên.

Nắng nóng gay gắt tại TP.HCM cũng khiến Phùng Thị Trúc Quyên (28 tuổi, sống tại quận 8) phải dời lịch trình tham quan Đà Nẵng vào giữa tháng 5 sang ngày ngày 12/3.

"Chuyến du lịch kéo dài 5 ngày 4 đêm tại Đà Nẵng đã được gia đình tôi lên kế hoạch sẵn. Tuy nhiên, TP.HCM nóng bức, nhiệt độ hầm hập khiến tôi phải xin nghỉ phép, rút hầu bao 5,5 triệu đồng và đáp chuyến bay đi luôn vào ngày 12/3. Tôi chọn đến thành phố có biển vì không phải là người ‘nghiện’ Đà Lạt. Chuyến đi lần này diễn ra sớm hơn kế hoạch và tương đối gấp gáp nên tôi chỉ rủ một người bạn thân đi cùng. Tôi ở lại Đà Nẵng tránh nóng trong 2 ngày 2 đêm, sau đó quay trở lại TP.HCM làm việc”, Trúc Quyên bộc bạch.

Trong khi đó, vốn là tín đồ của Đà Lạt, Lê Nguyễn Thảo Trân (24 tuổi, sống tại quận Bình Tân) thường đến vào tháng 11, 12 vì tiết trời lập đông, nhiệt độ lạnh nhất trong năm. Năm nay, cô cùng nhóm bạn đến Đà Lạt sớm.

Chuyến đi 3 ngày 2 đêm lần này, Thảo Trân không vạch ra kế hoạch cụ thể. "Tôi muốn thay đổi không gian và tận hưởng không khí mát lạnh của Đà Lạt. TP.HCM quá nóng, tôi không thể chờ đến cuối năm. Công việc của tôi khá linh hoạt về thời gian nên có thể đến Đà Lạt bất cứ lúc nào", cô cho biết.

Trúc Quyên thả dáng tại bãi biển ở Sơn Trà (Đà Nẵng). Ảnh: Trúc Quyên.

Xuất phát từ TP.HCM tối 14/2 lúc 23h30, Phúc Yên (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) nóng lòng trải nghiệm vẻ đẹp của “ngôi sao du lịch mới nổi” Phú Quý (Bình Thuận). Yên cho biết thời điểm cô đến đảo có gió mạnh, mát mẻ. Trời có nắng ấm, nước biển dễ chịu rất thích hợp tắm biển.

"Khi đặt chân đến đảo, tôi cảm giác căn bệnh viêm xoang kinh niên dường như đã biến mất. Không khí ở đây trong lành lắm, trái ngược với cảnh đông đúc, nắng gắt ở TP.HCM", Yên bộc bạch.

Lịch trình tinh gọn

Đa số các bạn trẻ đi du lịch “giải nhiệt” mùa này thường chọn các tỉnh, thành có biển hoặc vùng cao nguyên với khí hậu mát mẻ như Đà Lạt. Các chuyến đi không kéo dài lâu, dao động 2-4 ngày. Hoạt động chủ yếu là thưởng cảnh, lặn biển, khám phá ẩm thực và chữa lành.

Theo Trúc Quyên, nhiệt độ Đà Nẵng không lạnh quanh năm như Đà Lạt, bạn trẻ lưu trú tại một homestay có ban công trên đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà) để đón những cơn gió mát thổi từ biển vào.

Cô chia sẻ: "Tháng 3 chưa vào mùa cao điểm du lịch nội địa nên Đà Nẵng thoáng đãng vì ít người và xe cộ. Nơi ở cũng dễ dàng đặt trên ứng dụng trực tuyến, phòng 2 người chỉ có giá 600.000 đồng".

Thảo Trân chủ yếu trải nghiệm ẩm thực với món ăn đặc trưng của Đà Lạt như bánh mì xíu mại, bánh ướt lòng gà… và ngồi quán cà phê ngắm rừng núi vào buổi sáng và trưa. Tối đến, nhiệt độ xuống thấp, cô chọn ăn các món nướng và uống sữa đậu nành nóng để làm ấm bụng.

"Cái lạnh nơi đây làm ly sữa đậu nành và xiên nướng ngon một cách kỳ lạ. Do ảnh hưởng khí hậu, Đà Lạt vào buổi trưa vẫn nắng hơi gắt, nhưng luồng gió vẫn mát hơn TP.HCM. Buổi sáng sớm và trưa lại rất lạnh, nhiệt độ cảm nhận chỉ khoảng 14-15 độ. Thậm chí, tôi run bần bật, phải mặc nhiều lớp áo và váy dài", cô chia sẻ.

My Trần cho biết Bình Thuận có nhiều cung đường đẹp, nhất là con dốc hoàng hôn mới nổi. Ảnh: My Trần.

Theo Thảo Trân, Đà Lạt có nhiều trải nghiệm thú vị, thức ăn ngon và người dân thân thiện.

"Từ TP.HCM đến Đà Lạt chỉ khoảng 5-6 tiếng. Hơn nữa, chi phí đi lại, lưu trú và dịch vụ cũng bình ổn. Nếu muốn tiết kiệm thời gian, tiền bạc và ‘trốn’ nắng nóng, tôi nghĩ Đà Lạt là điểm đến hàng đầu", cô nói.

Trong khi đó, Trúc Quyên dành trọn ngày đầu tiên dạo chơi tại biển Mỹ Khê. Buổi sáng, cô tắm biển và tham gia một số trò chơi như lướt ván, môtô nước… Đến chiều, cô cùng người bạn ngồi trên bờ cát trắng, cảm nhận sự mát lạnh của từng đợt sóng biển vỗ vào chân và ngắm mặt trời lặn.

"Biển Mỹ Khê rất sạch và đẹp, nước trong xanh. Đắm mình trong làn nước, làn da rám do nắng nóng mấy ngày qua ở TP.HCM như được 'giải nhiệt'. Thậm chí, cơ thể cũng được thả lỏng. Tôi tắm lúc 6h nhưng đến 9h vẫn chưa muốn dừng", cô bày tỏ.

Du khách check-in tại cây cô đơn ở Phú Quý. Ảnh: Phúc Yên.

Ngày thứ hai, Trúc Quyên hóng gió tại bán đảo Sơn Trà - “lá phổi xanh” của Đà Nẵng. Theo cô, hệ sinh thái tại đây đa dạng, quang hợp mạnh nên mát mẻ cả ngày. Đứng từ trên đỉnh núi cao 700 m hoặc khu vực gần resort InterContinental có thể ngắm toàn cảnh bãi biển và một góc thành phố.

"Tôi mang theo thức ăn nhẹ, nước uống để ngồi trò chuyện. Bán đảo ôm theo bờ biển nên gió có chút se lạnh vào buổi sáng và chiều. Buổi trưa cũng mát mẻ và dễ chịu, không hanh khô như gió ở TP.HCM", Trúc Quyên nói. Ngoài ra, nữ du khách còn đến khu vực suối Đá để ngâm chân trong khe nước.

"Nhiều người thường đổ xô lên Đà Lạt để tránh nóng, nhưng nhờ đi vào mùa vãn khách, tôi cảm thấy Đà Nẵng cũng là điểm đến lý tưởng không kém. Năm sau, nếu nắng nóng đến sớm, tôi sẽ sắp xếp quay lại đây vào tháng 3, 4 với một kế hoạch vui chơi đầy đủ hơn", cô bày tỏ.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/di-tron-o-phu-quy-da-lat-khi-tphcm-mai-khong-het-nong-post1465683.html