Lifestyle

Đố kị mù quáng ở văn phòng

Nếu khó chịu khi thấy đồng nghiệp thăng chức, có dự án thành công hoặc được sếp đánh giá cao..., có thể bạn thuộc vào nhóm người dễ đố kị với người khác tại nơi làm việc.

Ghen tị với đồng nghiệp là cảm xúc dễ xảy ra ở văn phòng. Ảnh minh họa: Rodnae Productions/Pexels.

Cảm xúc ghen tị có thể diễn ra mạnh mẽ tại nơi làm việc, có khả năng gây hại đến các mối quan hệ, cản trở tiến độ công việc và ảnh hưởng đến năng suất làm việc của một nhân viên.

Đồng thời, theo The Wall Street Journal, khi để sự đố kị len lỏi vào công việc, bạn cũng dễ mắc vào bẫy so sánh và tự đánh giá thấp chính mình. Các chuyên gia tâm lý đưa ra những lời khuyên để bạn dẹp bỏ cảm giác tiêu cực này khỏi cuộc sống văn phòng.

Tại sao bạn đố kỵ với đồng nghiệp?

Có nhiều lý do để khiến những người đồng nghiệp ghen tị lẫn nhau. Theo Indeed, có 3 nguyên nhân phổ biến nhất:

  • Đồng nghiệp được thăng chức: Nếu một thành viên trong nhóm được lên chức hoặc tăng lương trong khi mức độ cống hiến trong công việc là như nhau, điều này có thể khiến những người khác có cảm giác không công bằng, oán giận.
  • Bạn ít được công nhận: Một số nhân viên có thể nhận được nhiều lời khen hơn so với những người khác khi họ làm tốt vai trò của mình. Tuy nhiên, những lời khen này cũng khiến các đồng nghiệp khác cảm thấy bị đánh giá thấp.
  • Phân chia nhiệm vụ không đồng đều: Nhân viên có thể cảm thấy họ không được đối xử công bằng nếu những người khác được giao các dự án hay ho, đúng sở thích, sở trường của họ, còn mình thì không.

Phải làm sao?

Có nhiều nguyên nhân khiến sự đố kị xảy ra giữa các nhân viên với nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn có nhiều cách để giải quyết vấn đề này nhằm duy trì môi trường làm việc tích cực, hợp tác và chuyên nghiệp.

Việc đầu tiên cần làm là thừa nhận những cảm xúc tiêu cực đó. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Thừa nhận cảm xúc

Tanya Menon, giáo sư quản lý tại Đại học Bang Ohio, chuyên gia tư vấn, cho rằng việc đầu tiên bạn cần làm là thừa nhận những cảm xúc ghen ghét, đố kị đang xảy ra trong đầu. Nhận ra sự ghen tị là bước đầu tiên để xóa bỏ nó.

Một người có cảm giác muốn cạnh tranh với đồng nghiệp không phải là xấu. Theo cô, mọi người người nên để cảm xúc thúc đẩy bản thân bắt đầu cố gắng, vượt qua đối thủ.

"Sự ghen ghét sẽ thực sự nguy hiểm nếu như chúng ta phủ nhận nó. Hãy cứ thừa nhận rằng bạn cảm thấy không ổn, từ đó, chúng ta có thể tìm cách giải quyết", cô nói thêm.

Đừng quá chú tâm đến sự thành công của người khác. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels.

Làm việc cùng nhau

Khi bạn không thích một người đồng nghiệp đạt thành công, nhưng cũng hãy cố gắng đừng để thành công của họ chống lại bạn. Ghen tuông và đố kị là những cảm xúc vô ích trừ khi chúng được sử dụng để cải thiện bản thân.

Ghen tị trong công việc có thể trở nên lành mạnh vì nó kích hoạt động lực để đẩy bạn về phía trước.

Ngay cả khi bạn ghét sếp và đồng nghiệp, cuối cùng các bạn vẫn ở trong một đội, do đó, bạn nên nhìn nhận vào khả năng của họ và chọn cách phối hợp để cùng phát triển.

Đồng thời, bạn cũng đừng nên tập trung quá nhiều vào thành công của người khác vì bạn có thể đánh mất khả năng tạo ra thành công của chính mình.

Bạn nên trò chuyện với cấp trên để yêu cầu được thăng chức, tăng lương nếu điều đó là phù hợp. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Có hành động cụ thể

Nếu cảm giác ganh ghét đó ảnh hưởng quá nhiều đến bạn, hãy chọn cách nói chuyện với cấp trên. Bạn có thể yêu cầu tăng lương, hoặc nói về những trách nhiệm trong công việc mà bạn đã làm được.

Hoặc nếu bạn thấy mình ghen ghét đồng nghiệp do thua kém họ, bạn có thể tham gia học các lớp phát triển chuyên môn, mở rộng kỹ năng.

Bạn cũng có thể đề nghị được chuyển sang các bộ phận khác, hoặc tham gia vào một dự án nào đó bạn thấy tâm đắc.

Nói tóm lại, bạn càng kiểm soát được nhiều vấn đề trong khả năng của mình, bạn càng ít ghen tị với người khác.

Bạn nên khiêm tốn khi đạt được thành tựu. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Nên khiêm tốn

Bên cạnh đó, nếu không muốn trở thành đối tượng bị người khác đố kị tại công ty, bạn cần học cách khiêm tốn.

Nếu vừa được tăng lương hay thăng chức, bạn có thể ăn mừng thành tựu của mình cùng bạn bè và gia đình ngoài văn phòng, thay vì chia sẻ điều đó với những đồng nghiệp khác vẫn đang nỗ lực để được công nhận.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/do-ki-mu-quang-o-van-phong-post1408635.html