Thị trường

Đổ xô trồng loại hạt đang tăng giá điên rồ hơn cả Bitcoin

Ở Cameroon, khi giá ca cao tăng một cách kinh ngạc, Banyuy Elsie Kinyuy (57 tuổi) quyết định mua đất để trồng loại cây này, coi nó là sinh kế sau khi về hưu trong 3 năm nữa.

Vào tháng 11 năm ngoái, Banyuy Elsie Kinyuy, giáo viên trung học 57 tuổi ở Cameroon, đã mua một mảnh đất rộng 3 ha cách nhà bà ở thủ đô Yaoundé khoảng 200 km về phía tây bắc.

Những cây ca cao Kinyuy trồng ở đó sẽ bắt đầu ra quả khi bà nghỉ hưu sau 3 năm nữa.

Chi phí để đặt nền móng cho sinh kế tương lai của Kinyuy không rẻ. Người bán cho bà mảnh đất đã thu phí gồm 3 con dê, 40 lít (10,5 gallon) rượu cọ và một túi muối để cấp phép trồng loại cây thương mại ở đây.

Kinyuy cho rằng khoản đầu tư này sẽ mang lại kết quả: "Nếu giá ca cao tiếp tục tăng, vụ mùa sẽ mang lại cho tôi nhiều tiền hơn là đi dạy học".

Bà Kinyuy đã đầu tư để trở thành người trồng ca cao sau khi nghỉ hưu. Ảnh: Pius Lukong/Bloomberg News.

Câu chuyện của Kinyuy, cũng như nhiều câu chuyện khác mà Bloomberg ghi nhận, phản ánh sự tăng vọt chưa từng có về giá của nguyên liệu chính để làm nên sô cô la - động lực thu hút nông dân ở một số vùng châu Phi quay lại với loại cây công nghiệp nhiệt đới này.

Theo NPR, giá cacao đã tăng hơn gấp đôi trong 3 tháng đầu năm và tăng hơn gấp 3 trong 12 tháng qua. Giá mặt hàng này lần đầu tiên đạt hơn 10.000 USD/tấn sau vụ thu hoạch kém thứ 3 liên tiếp ở Tây Phi. Hạt ca cao hiện có giá trị hơn cả một số kim loại quý và tăng nhanh hơn cả Bitcoin.

Giấc mộng kiếm lời từ hạt ca cao

Giá cả tăng vọt thúc đẩy Jean-Marie Mbida Obam chuyển từ trồng chuối, lạc và dừa sang trồng ca cao - loại cây mà ông đã phá bỏ 3 năm trước do giá thấp.

Jean-Marie Mbida Obam chuyển từ trồng chuối, lạc và dừa sang ca cao giữa cơn sốt giá tăng. Ảnh: Pius Lukong/Bloomberg News.

Người đàn ông 61 tuổi, là cha của 5 đứa con, giải thích: "Tôi nhớ có thời điểm đã kiếm được 1,5 triệu franc CFA (2.458 USD) từ những loại cây trồng kia, trong khi ca cao chỉ có thể mang lại cho tôi một nửa mức đó. Giờ tôi quay ngược lại và chuẩn bị hồi sinh toàn bộ đồn điền ca cao của mình. Giá ca cao hiện nay rất tốt".

Sản lượng giảm mạnh ở Bờ Biển Ngà và Ghana - hai quốc gia chiếm hơn 50% nguồn cung toàn cầu - đã dẫn đến cuộc tranh giành hạt ca cao. Nông dân trồng ca cao ở những nước này gặp khó khăn do thời tiết xấu và thiếu phân bón, đẩy giá trên sàn giao dịch tương lai New York lên tới 10.000 USD/tấn, từ mức dưới 3.000 USD vào cùng kỳ năm ngoái.

Và sản lượng dự kiến không sớm phục hồi.

Ca cao ở Bờ Biển Ngà từ khi bắt đầu vụ thu hoạch chính vào tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 năm nay đạt 1,3 triệu tấn, thấp hơn khoảng 1/3 so với cùng kỳ một năm trước. Theo những người trong ngành, sản lượng của Ghana trong niên vụ hiện tại sẽ đạt từ 422.500 tấn đến 425.000 tấn, bằng một nửa dự báo ban đầu.

Dự báo của Tổ chức Ca cao Quốc tế cho thấy sản lượng của Nigeria giảm 4% trong niên vụ 2023-2024, xuống còn 270.000 tấn, và sản lượng của Cameroon tăng 3% lên 300.000 tấn. Đến cuối thập kỷ này, Cameroon đặt mục tiêu nâng sản lượng lên 600.000 tấn, trong khi Nigeria dự kiến đạt tổng cộng 714.000 tấn vào năm 2030.

Độ trễ giữa thời gian trồng và thu hoạch cây ca cao đồng nghĩa với xu hướng mới chớm sẽ không thể đem lại giải pháp tức thời cho tình trạng thiếu nguồn cung ca cao toàn cầu, nhưng có thể làm giảm bớt áp lực.

Chớp lấy thời cơ

Tại hai nước sản xuất ca cao hàng đầu thế giới là Bờ Biển Ngà và Ghana, nông dân trồng ca cao nhận được mức giá do chính phủ quy định.

Nhưng người trồng ở Cameroon và Nigeria được tự do bán cho ai trả giá cao nhất. Và giá ca cao ở hai quốc gia này đã tăng hơn gấp 3 lần so với một năm trước đó, do tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu.

John Kalu, lãnh đạo vùng trồng ca cao ở bang Abia của Nigeria, cho biết có một danh sách dài những nông dân trồng ca cao tiềm năng đang cố gắng bắt kịp đỉnh thuận lợi. Chính phủ đã cam kết cho nông dân thuê đất mới, nhưng chi tiết cụ thể vẫn còn mơ hồ.

Trong khi đó, sự khan hiếm đang buộc các nhà xay xát phải trả phí bảo hiểm lớn để đảm bảo có đủ hạt ca cao và tránh việc đóng cửa nhà máy. Theo nhà chế biến ca cao hàng đầu Guan Chong Bhd., mức chênh lệch dao động từ 400 USD/tấn ở Ecuador và Peru đến 2.500 USD/tấn ở Bờ Biển Ngà, mặc dù Bờ Biển Ngà đang cố gắng chấm dứt hoạt động này.

Hạt cacao được phơi khô tại trang trại ở Azaguie, Bờ Biển Ngà. Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/Bloomberg.

Tình trạng thiếu hạt ca cao cũng buộc các nhà máy ở Ghana phải đóng cửa liên tục kể từ cuối năm ngoái.

Người trồng ở Nam Mỹ cũng mong muốn mở rộng sản xuất để kiếm lời từ giá ca cao tăng vọt. Ecuador, nhà sản xuất lớn thứ 3 thế giới, đang đặt mục tiêu đạt 800.000 tấn vào năm 2030, từ mức 454.000 tấn vào năm 2023. Brazil, nhà sản xuất lớn thứ 6, có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng vào cuối thập kỷ này từ 220.000 tấn.

Tất cả kế hoạch mở rộng đó có thể bị hạn chế bởi các quy định của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. EU sẽ yêu cầu các nhà sản xuất sô cô la như Ferrero Group, Nestlé và Marsto chứng minh rằng mỗi loại hạt họ nhập khẩu vào lục địa này không góp phần vào nạn phá rừng ở nơi khác.

Do đó, những người đã có quyền sử dụng đất nông nghiệp có thể có lợi thế hơn. Tại bang Ondo của Nigeria, Toba Adenowuro (60 tuổi, công chức nghỉ hưu) và anh trai Timilehin (43 tuổi, người bán tạp hóa) được thừa kế một mảnh đất rộng 5 ha từ cha họ vào năm ngoái.

Hai anh em nhớ lại cha mình từng phải vật lộn khổ sở trong thời kỳ giá ca cao thấp. Adenowuro nói: "Từ lâu, chúng tôi đã biết khoản tiền cha mình kiếm được không tương xứng với sản lượng nông nghiệp và giá cả hàng hóa ngày càng tăng".

Hai anh em đang ươm 60.000 cây giống lai, kỳ vọng sẽ tăng năng suất lên 850 kg/ha, từ mức 400 kg hiện tại. Adenowuro cho biết: "Chúng tôi muốn trẻ hóa trang trại và tận dụng sự tăng giá ca cao".

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/do-xo-trong-loai-hat-dang-tang-gia-dien-ro-hon-ca-bitcoin-post1469775.html