Vĩ mô

Đông Nam Á trong cuộc chạy đua miễn thị thực

Nhiều nước Đông Nam Á đang có chính sách thị thực linh hoạt nhằm khôi phục du lịch trở về mức bằng hoặc hơn trước đại dịch. Thị trường khách Trung Quốc và Ấn Độ được chú trọng.

Ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế tại Đông Nam Á, không chỉ qua việc tạo ra doanh thu mà còn tạo ra cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp liên quan.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á công bố vào tháng 5/2022, ngành du lịch chiếm khoảng 12,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông Nam Á. Báo cáo tháng 12/2023 của tổ chức này cũng cho biết GDP khu vực được dự báo tăng từ 4,3% trong năm 2023 lên 4,7% vào năm 2024. Trong đó, ngành công nghiệp không khói tiếp tục đóng vai trò là một trong những động lực chính cho sự tăng trưởng của GDP khu vực

Động lực miễn thị thực của Đông Nam Á

Theo báo cáo mới nhất từ Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO - United Nations World Tourism Organization), xu hướng du lịch miễn thị thực đang trở nên ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Tính đến năm 2023, đã có 21% dân số thế giới không cần bất kỳ loại thị thực nào để đi du lịch, tăng từ 17% vào năm 2008 và 20% vào năm 2018.

Số lượng người yêu cầu cấp thị thực để đi du lịch đang giảm đi đáng kể, từ 77% vào năm 2008 giảm xuống 59% năm 2018 và tiếp tục giảm còn khoảng 47% trong năm 2023.

▸ Giảm thủ tục rườm rà, thúc đẩy du lịch

Việc miễn thị thực hoặc giảm thiểu các ràng buộc visa đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch, giúp thu hút nhiều du khách hơn đến Đông Nam Á.

Một minh chứng rõ ràng là chương trình miễn thị thực gần đây của Malaysia và Thái Lan dành cho du khách từ Ấn Độ. Dữ liệu từ nền tảng Agoda vào tháng 1 cho thấy lượt tìm kiếm đến hai quốc gia này từ du khách Ấn Độ đã tăng mạnh, lên đến 44% đối với Thái Lan và 49% ở Malaysia.

Hơn nữa, việc miễn thị thực cũng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách bằng cách loại bỏ các thủ tục phức tạp và rườm rà. Thông tin từ nền tảng Trip.com, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, du khách Trung Quốc có xu hướng tìm kiếm các chuyến du lịch ngắn ngày ở khu vực Đông Nam Á, chủ yếu tại các quốc gia như Singapore, Thái Lan và Malaysia, nơi có chính sách về thị thực linh hoạt hơn. Kết quả, lượng đặt chỗ trong khu vực tăng gấp 10 lần.

▸ Thúc đẩy kinh tế

Ngoài ra, sự gia tăng lượng du khách quốc tế không chỉ mang lại doanh thu từ du lịch mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế thông qua việc tạo ra việc làm và tăng cường hoạt động kinh doanh.

Lượt tìm kiếm Malaysia từ du khách Ấn Độ tăng mạnh khi chính sách miễn visa được nới lỏng. Ảnh: @onionsontheroad.

Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2023 của McKinsey, công ty tư vấn quản trị toàn cầu, du lịch Thái Lan đã phục hồi ổn định sau đại dịch Covid-19. Với sự tăng trưởng trong các hoạt động và ngành nghề liên quan đến du lịch, tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, gần 1,1% trong quý 2 năm 2023 - tương đương với tỷ lệ trong quý đầu tiên.

Dự trữ ngoại hối của xứ sở chùa vàng cũng tăng thêm 11 tỷ USD, đạt 220 tỷ USD trong quý 2 năm 2023, nhờ vào sự phục hồi của ngành du lịch.

Tại Việt Nam, sự tăng trưởng trong quý 2 chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực dịch vụ, chiếm hơn 40% thị phần GDP, đặc biệt là do các hoạt động xúc tiến du lịch và chính sách kích thích tiêu dùng trong nước.

Cuộc chạy đua

Theo The Nation, kết thúc năm 2023, Thái Lan dẫn đầu trong khối ASEAN với số lượng du khách nước ngoài đạt 28,09 triệu khách, tiếp theo là Singapore (12,37 triệu khách), Việt Nam (12,06 triệu khách), Campuchia và Philippines đều đón khoảng 5,45 triệu lượt du khách và Brunei nhận 82.109 lượt du khách.

Mặc dù con số này đã thể hiện sự hồi phục ấn tượng so với năm 2022, lượng khách du lịch vẫn chưa đạt được mức trước đại dịch. Dữ liệu từ UNWTO cho thấy lượng du khách đến Đông Nam Á đạt khoảng 139 triệu vào năm 2019.

Năm 2024, nhiều nước Đông Nam Á đặt mục tiêu khôi phục ngành du lịch bằng hoặc cao hơn con số so với năm 2019. Thái Lan, với tham vọng đón 35 triệu khách quốc tế, gần bằng 90% so với 40 triệu lượt năm 2019. Singapore tự tin đón 15-16 triệu lượt khách quốc tế, phục hồi 84% so với mức trước dịch. Trong khi đó, Malaysia đặt mục tiêu đón 27,3 triệu lượt, cao hơn mức 26,1 triệu lượt của năm 2019.

Thái Lan nới lỏng chính sách thị thực cho 65 quốc gia và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho nhiều nước khác để đạt mục tiêu trong năm 2024. Ảnh: @thailand.

Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia ASEAN đưa ra nhiều chính sách mới nhằm phục hồi ngành du lịch. Việc giảm yêu cầu về thị thực cho du khách nước ngoài được coi là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển toàn ngành.

Hiện nay, dẫn đầu trong chính sách visa thân thiện là Singapore với 164 nước, Malaysia miễn cho 162 nước, Philippines miễn 157 nước và Thái Lan là 65 nước. Điều đáng chú ý trong các chính sách này là sự tập trung đặc biệt vào khách du lịch từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Lý do cho điều này là khách du lịch Trung Quốc chiếm một phần lớn trong tổng số du khách đến Thái Lan vào năm 2019. Theo Reuters, du khách Trung Quốc là nhóm khách chi tiêu nhiều nhất ở Singapore với hơn 4 tỷ SGD (tương đương 3 tỷ USD).

Mặc dù số lượng du khách Trung Quốc có giảm so với trước đại dịch, họ vẫn chiếm phần lớn trong số du khách đến Thái Lan.

"Mọi thứ diễn ra tốt đẹp kể từ khi áp dụng chương trình miễn thị thực. Tình hình đang bắt đầu quay trở lại mức trước đại dịch," ông Chattan Kunjara Na Ayudhya, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Thái Lan, nhấn mạnh.

Singapore hiện dẫn đầu Đông Nam Á trong việc thu hút du khách Trung Quốc qua đường hàng không. Số lượng chuyến bay thẳng từ Trung Quốc đến Singapore đã tăng gần 5% trong tháng so với cùng kỳ năm 2019.

Reuters đưa tin vào tháng 12/2023 rằng du khách Ấn Độ đang đổ xô đến Đông Nam Á, tăng cường vị thế của Ấn Độ là một thị trường du lịch và lữ hành quốc tế ngày càng quan trọng.

Trước khi đại dịch bùng phát, vào năm 2019, có khoảng 5,3 triệu lượt du khách Ấn Độ đến 10 quốc gia ASEAN, ít hơn so với 32,2 triệu lượt du khách Trung Quốc. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, Ấn Độ đang trở thành một thị trường tiềm năng mà nhiều quốc gia đang nhắm đến.

Báo cáo của McKinsey được công bố vào tháng 11/2023 dự báo rằng số lượt du lịch quốc tế từ Ấn Độ sẽ tăng từ 13 triệu vào năm 2022 lên hơn 80 triệu vào năm 2040. Với dân số vượt qua cả của Trung Quốc, đạt mức 1,4 tỷ người, Ấn Độ có tiềm năng lớn để trở thành một trong những nguồn cung cấp du khách quốc tế hàng đầu thế giới.

▸ Thái Lan

Kể từ đầu năm 2024, Thái Lan miễn thị thực cho hơn 80% du khách quốc tế nhập cảnh mà không cần phải xin thị thực. Theo cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Thái Lan, khoảng 15-20% còn lại chủ yếu là du khách đến từ châu Phi, Nam Mỹ và một số quốc gia ở châu Á.

Hôm 2/1, Thủ tướng Srettha Thavisin công bố việc Thái Lan và Trung Quốc sẽ miễn thị thực song phương vĩnh viễn, có hiệu lực từ 1/3. Ngoài ra, Thái Lan còn giảm thời gian cấp visa từ 14 xuống còn 7 ngày làm việc và đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ.

Dưới tác động của các chính sách thị thực này, lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 đã tăng vọt. Theo CNBC, từ ngày 10-17/2, Thái Lan đã tiếp đón 149.159 lượt khách Trung Quốc, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu và Australia đang được tiếp tục để mở rộng chương trình miễn thị thực. Ông Srettha cũng thông báo rằng Thái Lan đang nghiên cứu khả năng cấp thị thực khu vực, cho phép du khách quốc tế nhập cảnh vào một quốc gia ASEAN sẽ tự động được phép nhập cảnh vào các quốc gia ASEAN còn lại.

Bà June Lee, giám đốc tiếp thị tại Công ty phân tích dữ liệu hàng không Cirium, nhận định: "Các sáng kiến miễn thị thực được giới thiệu trong những tháng gần đây là một trong những nhân tố dẫn đến xu hướng này".

▸ Indonesia

Theo ông Sandiaga Uno, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, ngành du lịch của nước này có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu lên đến 25 tỷ USD khi triển khai rộng rãi chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài.

Theo tờ The Jakarta Post, vào ngày 27/2, ông Sandiaga chỉ ra rằng Indonesia đang gặp thách thức khi nhiều du khách quốc tế chọn các điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á, một phần là do yêu cầu về thị thực.

Indonesia vẫn gặp không ít khó khăn trong vấn đề miễn thị thực cho du khách nước ngoài. Ảnh: @bali.indonesia.explore.

Ông Sandiaga nêu rõ rằng các quốc gia như Thái Lan và Malaysia đã có các biện pháp tích cực trong việc miễn thị thực cho du khách, trong khi Indonesia vẫn chưa thể thực hiện điều này mặc dù có chính sách "có qua có lại" về thị thực.

Hiện tại, Indonesia vẫn chưa cung cấp bất kỳ chính sách thị thực "có qua có lại" nào vì quy trình đang được đánh giá trong khi gần 3 tháng trôi qua. Một lý do khác khiến Indonesia mất khách du lịch nước ngoài là do hạn chế về kết nối trên quần đảo rộng lớn này.

Chính phủ Indonesia đang kế hoạch mở rộng chính sách miễn thị thực cho du khách từ 20 quốc gia khác nhau với hy vọng tăng cường lượng du khách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua ngành du lịch.

Trong số 20 quốc gia và vùng lãnh thổ được Indonesia xem xét, 18 đã được liệt kê, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Hà Lan, Nhật Bản, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Italy và Tây Ban Nha.

Mặc dù gặp khó khăn trong quá trình miễn thị thực, Indonesia vẫn thu hút 11,7 triệu lượt du khách nước ngoài vào năm 2023, chủ yếu nhờ chính sách miễn thị thực cho du khách từ 169 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

▸ Singapore

Chính sách miễn thị thực của Singapore trở thành một công cụ quan trọng trong việc thu hút du khách quốc tế, đặc biệt là sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hiện tại, công dân của gần 80% các quốc gia có thể nhập cảnh Singapore không cần thị thực cho các chuyến đi có thời gian lên đến 30 ngày hoặc 90 ngày, tùy thuộc vào quốc tịch. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, giảm bớt gánh nặng hành chính và thúc đẩy lưu lượng du lịch đến quốc đảo này.

Theo The Straits Times, lượng khách đến Singapore vào năm 2023 được thúc đẩy bởi Indonesia, Trung Quốc và Malaysia. Đây là 3 thị trường hàng đầu với lần lượt là 2,3 triệu, 1,4 triệu và 1,1 triệu khách. Trong đó, Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng về chi tiêu du lịch với 2,3 tỷ USD, tiếp theo là Indonesia góp 2,2 tỷ USD và Australia đạt 1,5 tỷ USD.

Lượng khách Trung Quốc đến Singapore tăng cao sau khi 2 nước đạt thỏa thuận miễn thị thực hai chiều hôm 25/1. Ảnh: @visit_singapore.

Do đó, vào ngày 25/1, Singapore và Trung Quốc đã ký thỏa thuận miễn thị thực hai chiều cho công dân của 2 nước, có thời hạn là 30 ngày. Thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9/2, đúng dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán.

Trên nền tảng du lịch Qunar, lượng đặt vé từ Trung Quốc đến Singapore trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán năm nay tăng 29 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu do Tổng cục Du lịch Singapore công bố vào đầu tháng 3, hơn 327.000 du khách Trung Quốc đến Singapore vào tháng 2, đạt khoảng 96% mức ghi nhận vào năm 2019. Điều này cho thấy chính sách miễn thị thực giữa 2 quốc gia đang dần phát huy tác dụng.

▸ Malaysia

Hôm tháng 12/2023, Malaysia mở rộng chính sách miễn thị thực 30 ngày cho du khách đến từ các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là 2 trong số những thị trường du lịch lớn nhất cho Malaysia.

Ngoài ra, nước này cũng áp dụng tờ khai hải quan kỹ thuật số (MDAC – Malaysia Digital Arrival Card) cho du khách quốc tế từ ngày 1/12/2023, giúp tối ưu hóa thủ tục xuất nhập cảnh và thúc đẩy du lịch, đầu tư. MDAC áp dụng cho tất cả người nước ngoài tới Malaysia, ngoại trừ một số nhóm đối tượng nhất định.

Chính sách miễn thị thực và MDAC là một phần của chiến lược tổng thể của Malaysia nhằm tạo thuận lợi cho du khách nước ngoài và thúc đẩy ngành du lịch. Các biện pháp cải thiện thủ tục xuất nhập cảnh hiện có, như áp dụng cơ chế cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần và visa tốt nghiệp, sẽ góp phần vào việc giúp Malaysia dẫn đầu về du lịch.

Malaysia cũng thông báo về việc miễn thị thực cho du khách từ một số nước Trung Đông, nhằm mục tiêu thu hút khoảng 27 triệu du khách quốc tế trong năm nay. Tuy nhiên, dù có miễn thị thực, các đối tượng từng có hành vi phạm tội hoặc bạo lực trong quá khứ sẽ không được nhập cảnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ngày 14/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép mở rộng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; nâng thời hạn tạm trú từ 30 lên 90 ngày, với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Đồng thời, nâng thời hạn tạm trú của công dân 13 nước được miễn thị thực đơn phương lên 45 ngày.

Đến 15/2 năm nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06, trong đó giao Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất chính sách mở rộng miễn thị thực cho công dân một số nước phù hợp với tình hình mới.

Ngày 22/2, Thủ tướng tiếp tục ban hành Chỉ thị 08, giao Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất việc mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, cùng các biện pháp khác như ứng dụng FaceID, e-passport, miễn thị thực mùa vụ...

Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, du lịch Việt đang trên đà hướng đến dòng khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao.

Hiện nay, có rất nhiều du khách châu Âu du lịch 30-90 ngày trong 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) muốn vào Việt Nam mà không cần phải xin visa du lịch. Vì thế, việc mở rộng các quốc gia được miễn visa đơn phương sẽ giúp Việt Nam hút được khách thị trường lớn và chi tiêu cao.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/dong-nam-a-trong-cuoc-chay-dua-mien-thi-thuc-post1465606.html